Nghiên cứu của Đỗ Dương Thanh Ngọc (2011), Các yếu tố tài chính tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Mô hình và giả thuyết nghiên cứu được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận về hoạt động, sản phẩm xây dựng, đặc thù của các DN ngành XD, các chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh, các yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh và một số nghiên cứu có liên quan trên thế giới. Nghiên cứu sử dụng số liệu của 40 DN ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các số liệu được truy xuất từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các DN trong kỳ nghiên cứu từ năm 2006 – 2010. Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 11.5 để xử lý dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong các biến xem xét (tỷ lệ nợ - TDTA/TDTE/STDTA/LTDTA, quy mô doanh nghiệp – SIZE, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản – GROWTH, tỷ trọng TSCĐ – TANG) thì có 1 biến tác động đến hiệu quả kinh doanh được đo lường bởi chỉ số ROA là biến tỷ lệ nợ (TDTA/TDTE/STDTA). Trong đó biến tỷ lệ nợ có tác động rất mạnh theo chiều âm (-) đến hiệu quả kinh doanh. Kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với một số kết quả nghiên cứu có liên quan trên thế giới và phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của các DN ngành xây dựng ở Việt Nam trong giai đoạn 2006 – 2010. Dựa trên kết quả nghiên cứu, nghiên cứu đã đề xuất các kiến nghị phù hợp đối với DN XD và đối với Nhà nước nhằm cải thiện cơ cấu vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nghiên cứu của Liễu Thu Trúc và Võ Thành Danh (2010), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam giai đoạn 2006-2009.
Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ các báo cáo thường niên của 22 NHTMCP giai đoạn 2006-2009. Dựa trên quan điểm cho rằng các ngân hàng là các tổ chức tài chính huy động, phân bổ các nguồn vốn cho vay và các tài sản khác, các khoản chi phí để duy trì hoạt động được xem là đầu vào trong quá trình tạo ra thu nhập - đầu ra trong hoạt động kinh doanh. Các biến đầu vào và đầu ra đưa vào mô hình đều đã bao gồm yếu tố giá nên trong quá trình xử lý bằng phần mềm tất cả yếu tố giá sẽ được giả định không đổi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả kinh tế của hệ thống NHTMCP đang có xu hướng tăng thể hiện qua chỉ số hiệu quả kinh tế (CE) bình quân luôn cao và tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, yếu tố phi hiệu quả kinh tế phần lớn là do yếu kém về phân bổ nguồn lực thể hiện qua hai chỉ số hiệu quả kỹ thuật (TE) và hiệu quả phân bổ (AE) đạt ở mức thấp.