- NC&PT liên kết với DN, trường, viện
1.6.2. Vai trò của quỹ trong hoạt động KH&CN, đổi mới (công nghệ)
Quỹ là một hình thức cấp kinh phí cho KH&CN tương đối phổ dụng ở các nước tiến tiến trên thế giới. Ở các nước này, quỹ KH&CN được gọi dưới các tên khác nhau: Foundation, Fonds, Fund, Stiftung. Ở Việt Nam, hình thức tổ chức trên đều gọi là quỹ. Đây là điểm đã gây hiểu nhầm với quỹ tài chính ở trong nước và đã gây ra nhiều tranh luận giữa giới quản lý KH&CN và giới quản lý tài chính về cách tổ chức và quản lý Quỹ phát triển KH&CN quốc gia của nước ta.
Quỹ trong hoạt động KH&CN của nước ngoài nói chung là tổ chức phi tín dụng, phi ngân hàng, không vụ lợi và thường có ba hình thái tổ chức: i) do cá nhân thành lập và cấp kinh phí cho Quỹ hoạt động; ii) do cộng đồng khoa học thành lập theo cơ chế dân chủ (dạng hội) và hàng năm Nhà nước uỷ thác cho Qũy một khoản tiền để Quỹ cấp kinh phí cho các hoạt động KH&CN (hình thức tự quản); iii) do Nhà nước thành
lập theo luật pháp dân sự và hằng năm Nhà nước dành một khoản kinh phí từ ngân sách Nhà nước (KH&CN) hoặc một khoản kinh phí công ích cho Quỹ hoạt động. Đặc trưng lớn nhất của quỹ về tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động là đề cao tính tự quản, dân chủ và công khai. Điều này dựa trên quan điểm mà các nước tiên tiến thừa nhận: Cộng đồng khoa học là người biết tốt nhất về công việc khoa học cho nên cũng là người biết việc phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN như thế nào là hợp lý - vì khoa học là một loại hoạt động về bản chất là rất tự do, sáng tạo (chỉ có nhà khoa học mới thấu hiểu hoạt động này).
Ở nhiều nước phát triển, ngoài hệ thống các quỹ KH&CN còn có hệ thống kế hoạch KH&CN thể hiện dưới dạng các chương trình KH&CN ưu tiên hoặc chương trình KH&CN khung hoặc các đề tài KH&CN độc lập do Nhà nước trực tiếp tổ chức thực hiện. Kế hoạch KH&CN có nội dung thực hiện trong 5 năm hoặc dài hơn và sau thời gian này người ta mới tiến hành xác định kế hoạch KH&CN mới cho thời kỳ tiếp theo. Chương trình KH&CN của nhà nước là những “cú đấm” có kế hoạch của nhà nước vào một số lĩnh vực KH&CN lựa chọn. ở nhiều nước người ta đã không dùng cơ chế kế hoạch KH&CN này mà áp dụng cơ chế quỹ KH&CN để cấp kinh phí cho các hoạt động KH&CN của các tổ chức KH&CN. Đặc biệt, cơ chế quỹ được các nước phát triển ưa chuộng dùng để thực hiện các hoạt động nghiên cứu cơ bản là các hoạt động cần có độ tự do và rủi ro cao hoặc hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. ở những nước áp dụng cả hai cơ chế quỹ và kế hoạch KH&CN thì hai cơ chế này được thiết kế để chúng bổ sung hỗ trợ cho nhau, không chồng chéo, không loại trừ nhau.
Những năm 50, các quỹ KH&CN của các quốc gia lớn như Mỹ, Đức và nhỏ như Thuỵ sỹ đã được thành lập và đi vào hoạt động. Kết quả hoạt động của các quỹ này sau 50 năm hoạt động đã được đánh giá rất cao trong phát triển KH&CN trong nước và trên thế giới. Các nước như Nga, Trung quốc, Hàn quốc, Thái lan, New Zealand,... vào những năm 80 và 90 đã thành lập các quỹ phát triển KH&CN. Đặc biệt năm 2005 sau 2 năm chuẩn bị, EU cũng đã quyết định thành lập quỹ phát triển KH&CN của mình. Như vậy bên cạnh các chương trình KH&CN có tính chiến lược, dài hạn và ngắn hạn, 5 năm đang vận hành lâu nay thì EU đã thành lập quỹ KH&CN cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu và tình hình mới của EU.