Mô hình hình học bao gồm dụng cụ gia công và phôi được xây dựng dựa trên yêu cầu chính xác về hình dạng và kích thước của sản phẩm. Việc xác định mô hình của dụng cụ gia công phụ thuộc vào công nghệ dập mà ta lựa chọn. Nếu lựa chọn dập chày cứng – cối cứng thì quá trình tạo hình sẽ tương tự như dập vuốt. Nhưng trong thực tế dập nổi thì chỉ cần chày cứng hoặc cối cứng là đủ. Khi dập nổi chữ PHÚC, ta có thể sử dụng công nghệ chày mềm - cối cứng. Như vậy chỉ cần thiết lập mô hình của cối và phôi. Chày là một khối mềm (có thể là cao su hoặc Polime) có tác dụng tạo ra áp lực đều trên bề mặt phôi và ép phôi biến dạng theo lòng cối.
Phôi tấm và khuôn được xây dựng dựa trên mô hình sản phẩm dập nổi (hình 4.2).
Hình 4.2. Mô hình sản phẩm mẫu
Phôi tấm được thiết kế có kích thước 30cm x 20cm. Thực tế thì dập nổi chỉ là sự biến dạng cục bộ nên sau khi tạo hình nổi, kích thước của phôi ít bị thay đổi. Vì dập nổi chỉ gây ra biến dạng ở những vị trí tạo hình nên ta sẽ chia lưới động, thích nghi trong quá trình biến dạng để nâng cao độ chính xác. Số lượng phần tử ban đầu cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến thời gian tính toán mô phỏng và độ chính xác. Khi tạo hình theo các họa tiết của chữ
PHÚC, ta chia số phần tử cho phôi là 45.130 phần tử.
Mô hình hình học của cối sẽ giống như mô hình dạng chữ PHÚC cần dập nổi. Ta có thể thấy tại các góc lượn của cối (hình 4.4 và 4.5) có thể rất nhỏ. Mặc dù độ sâu thì chỉ có 3 mm nhưng đôi khi sẽ rất khó khăn cho quá trình dập. Để không bị nhăn do co kéo vật liệu không đều, ta sẽ tạo hình cục bộ, có nghĩa là tại những vị trí biến dạng thì mới có sự thay đổi chiều dày vật liệu. Còn những vị trí khác không có sự thay đổi chiều dày vật liệu.
Hình 4.5. Mô hình bề mặt cối
Trong quá trình tạo hình, ta chỉ chia lưới thích nghi cho phôi, không chia lại cho dụng cụ tạo hình. Vì vậy, để đảm bảo độ chính xác cho quá trình tính toán, ta chia cối với 70.000 phần tử (hình 4.6).