7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về đào tạo nghề
CNH, HĐH làm thay đổi nhu cầu lao động cả về số lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày một tăng cao. Trước tình hình đó, Đảng bộ Hà Tĩnh đã xác định, đào tạo nghề Hà Tĩnh phải từng bước hướng tới xoá bỏ những mặt bất cập chung của đào tạo nghề cả nước như: Không có cơ sở để xác định mục tiêu đào tạo và thiết kế nội dung chương trình đào tạo hợp lí dẫn đến việc thiết kế mục tiêu và chương trình đào tạo tuỳ tiện; Không có cơ sở khoa học để xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo; Không có cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo, dẫn đến tình trạng chất lượng bị thả nổi; Không có cơ sở pháp lí và khoa học để kiểm định chất lượng đào tạo; Đào tạo không gắn với nhu cầu thị trường lao động; Thiếu đội ngũ giáo viên và quản lí đủ tiêu chuẩn; Phương pháp đào tạo bất cập; Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo nghề thiếu, lạc hậu.
Đào tạo nâng cao chất lượng lao động, đội ngũ công nhân có kỹ thuật có phẩm chất và năng lực, có tác phong công nghiệp, tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế Quốc tế; gắn đào tạo lao động có kỹ thuật và bố trí sử dụng hợp lý có hiệu quả lao động kỹ thuật, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động. Huy động tối đa nguồn lao động có kỹ thuật thúc đẩy vào sự nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Phấn đấu vượt chỉ tiêu số lượng và chất
lượng lao động qua đào tạo nghề theo Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ khoá XVI.
Mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn 2009 - 2015, dạy nghề cho khoảng 200 ngàn người, trong đó trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề 80 ngàn người. Tỷ lệ qua đào tạo nghề năm 2010 là 35%; Năm 2015 là 50%;
Bố trí, sử dụng lao động hợp lý, giai đoạn 2009 - 2015 là: 200 - 250 ngàn lao động, bình quân mỗi năm bố trí từ 30 - 35 ngàn lao động. Năm 2009 khoảng 30.000 lao động; năm 2010 là 33.000 lao động.
Lao động trong tỉnh: 140 - 180 ngàn lao động; trong đó: Lao động thông qua quỹ Quốc gia về việc làm khoảng 25.000 lao động/năm, lao động thông qua các dự án lớn, doanh nghiệp: 21.000 ngàn lao động/năm.
Lao động ngoài tỉnh thông qua sàn giao dịch việc làm và các trung tâm giới thiệu việc làm khoảng 4.200 lao động/năm thông qua đào tạo lao động kỹ thuật.
Lao động ngoài nước thông qua xuất khẩu lao động khoảng 6.000 người/năm đã qua đào tạo lao động kỹ thuật.
Đến năm 2010 toàn tỉnh có 42 cơ sở dạy nghề, trong đó: 3 trường cao đẳng nghề; 8 trường trung cấp nghề; 14 trung tâm dạy nghề; 3 trường cao đẳng chuyên nghiệp và 4 trung học có dạy nghề; 14 trung tâm có dạy nghề. Một số trường dạy nghề có vệ tinh hoặc cơ sở tại các khu công nghiệp, vùng kinh tế chuyển đổi đáp ứng yêu cầu người học.
Trong những năm 2011 - 2015, Nâng cấp trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề; Trung tâm Dạy nghề - Xúc tiến việc làm Thanh niên Hà Tĩnh, Trung tâm dạy nghề Hội nông dân lên thành Trường Trung cấp nghề.
Tách Trung tâm dạy nghề cấp huyện khỏi các Trung tâm KTTH- HNDN, đến năm 2015 cả tỉnh có 50 cơ sở dạy nghề, trong đó: 5 trường cao
đẳng nghề; 12 trường trung cấp nghề; 18 trung tâm dạy nghề và giới thiệu và giải quyết việc làm, 15 cơ sở khác có tham gia dạy nghề…
Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp các tổ chức đoàn thể, hiệp hội, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò của việc đào tạo, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực lao động kỹ thuật. Nhận thức rõ nguồn nhân lực lao động có chất lượng cao là yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững về kinh tế- xã hội trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế thế giới.
Đẩy nhanh tiến độ xã hội hoá hoạt động dạy nghề, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển dạy nghề.
Củng cố, nâng cấp và thành lập mới các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố, trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, các trường trung cấp nghề, lớp dạy nghề trực thuộc các khu kinh tế và doanh nghiệp.
Thành lập mới các trường: Trung cấp nghề Hương Sơn; Trường trung cấp nghề Kỳ Anh; Trung cấp nghề Khoáng sản- luyện kim Hà Tĩnh ( chủ yếu đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ khai thác mỏ sắt Thạch Khê, khu công nghiệp Vũng Áng, khu công nghiệp cửa khẩu Cầu Treo ).
Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề đồng bộ, hiện đại, đạt hiệu quả sử dụng cao. Đến năm 2010, kinh phí đầu tư mới xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho dạy nghề là 145.8 tỷ đồng; giai đoạn 2011- 2015 là 350 tỷ đồng. Trong đó:
+ Đầu tư xây dựng mới và cải tạo sửa chữa lại các phòng học, xưởng thực hành đang xuống cấp năm 2010 là 86,1 tỷ đồng; giai đoạn 2010- 2015 là 198,5 tỷ đồng
+ Mua sắm một số thiết bị, máy móc theo yêu cầu công nghệ và kỹ thuật mới phục vụ dạy nghề đến năm 2010 là 59,7 tỷ đồng; giai đoạn 2011- 2015 là 151,5 tỷ đồng.
Từng bước đổi mới trang thiết bị, đồ dùng, phương tiện dạy học, đẩy mạnh phong trào tự làm thiết bị dạy nghề, phối hợp với doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để sử dụng thiết bị công nghệ vào họat động giảng dạy và thực tập nghề. Từ nay đến 2015 phấn đấu 60% số trường dạy nghề được trang bị đồng bộ các thiết bị mới vào dạy nghề.
Ngoài việc đảm bảo thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, định mức quy định, cần tăng cường đầu tư và có chính sách cho các mũi nhọn về đào tạo nghề.
Đối với các doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí đào tạo nghề cho người lao động để làm việc tại doanh nghiệp thông qua việc thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo theo quy định của Bộ luật lao động và Luật giáo dục, có quy định rõ trách nhiệm của người học nghề và chế độ khuyến khích động viên để nâng cao kết quả học tập của người học nghề. Tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề và hướng tới đào tạo theo nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, kinh phí đào tạo do doanh nghiệp và người học đóng góp, ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc diện chính sách theo quy định chung của Nhà nước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp trong công tác đào tạo, bố trí sử dụng hợp lý nguồn nhân lực lao động kỹ thuật theo nguyên tắc: Tiếp nhận, tuyển dụng lao động kỹ thuật theo các ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải đóng góp một phần chi phí đào tạo
Đối với cơ sở dạy nghề phải bảo đảm ngân sách ngân sách chi thường xuyên cho dạy nghề; miễn thu thuế trong thời gian đầu mới thành lập; ưu tiên trong các chính sách về đất đai; sử dụng các nguồn vốn ưu đãi.
Đối với học sinh học nghề: Đảm bảo nguồn lực thực hiện tốt các chính sách xã hội, hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn, lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, các đối tượng lao động đặc thù có cơ hội học nghề và tìm kiếm việc làm.
Đối với đội ngũ giáo viên: Ngoài những chính sách chung của nhà nước, áp dụng chính sách thu hút đối với các nghệ nhân, công nhân thợ bậc cao, chuyên gia theo quy định ban hành tại Quyết định số 10/2008/QĐ- UBND ngày 12/3/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh.