a, Tài nguyên đất
-Căn cứ vào việc phê duyệt kết quả thực hiện dự án điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện bản đồ phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ 1/50.000. Diện tích điều tra 19033,58 ha được phân chia thành các
loại đất sau:
- Nhóm đất xám: có diện tích 52,84 ha, chiếm một lượng không đáng kể, phân bố ở núi Thiệu Long thích hợp với trồng cây lâm nghiệp.
- Nhóm đất phù sa biến đổi:
+ Đất phù sa biến đổi bão hòa bazơ: 3.986 ha. Phân bố ở hầu hết các xã ven sông Mã và sông Chu, là đất phù sa có độ no bazơ >50%.
Tính chất:
Lý tính: Đất có thành phần cơ giới biến động rất lớn từ cát pha đến sét. Cấu trúc đất thường ở dạng viên, cục trên chân ruộng trồng màu, còn ở chân ruộng trồng lúa đất có cấu trúc dạng tảng.
Hóa tính: có độ bão hòa ba zơ>50%, khả năng hấp thụ cation phụ thuộc vào thành phần cơ giới và chất hữu cơ trong đất, càng nặng thì khả năng hấp thụ càng lớn. Hàm lượng các chất dinh dưỡng ở dạng trung bình (kể cả tổng số và dễ tiêu).
Đây là đất có nhiều yếu tố thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng. Hiện đang trồng lúa màu khả năng thâm canh tăng vụ lớn.
+ Đất phù sa biến đổi glây nông: Diện tích 1.660 ha, phân bố ở các xã có địa hình thấp trũng, tiêu nước khó, độ dốc cấp I. Thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến sét. Hàm lượng dinh dưỡng tổng số khá, dễ tiêu ở mức trung bình. Đất thường chua, khi sử dụng cần chú ý bón thêm vôi.
+ Đất phù sa chua glây nông: Diện tích 2.295ha. Phân bố ở hầu hết các xã trong huyện, có địa hình thấp, vàn thấp và thấp trũng, đang sử dụng trồng lúa. Đặc tính: có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét. Đất có phản ứng chua, độ bão hòa ba zơ thấp <50%, tỉ lệ cation kiềm và kiềm thổ thấp trong khi độ chua thủy phân và Al3+ trao đổi khá cao. Khá giàu chất hữu cơ, nhất là nơi có địa hình thấp trũng bị glâymạnh. Do đất chua nên hàm lượng lân thấp, khá
giàu kali tổng số nhưng nghèo kali trao đổi. Loại này được cải tạo bằng thủy nông; phù hợp cho trồng 2 vụ lúa.
+ Đất phù sa chua glây sâu: Diện tích 941 ha. Phân bố rải rác ở các xã có địa hình vàn, vàn cao, trồng 2 vụ lúa hoặc 2 lúa, màu vụ đông. Tính chất lý hóa tương tự như đất phù sa chua glây nông. Nhưng loại đất này cho khả năng thâm canh tăng vụ cao hơn, phù hợp với cây lúa và màu lương thực.
+ Đất phù sa bão hòa ba zơ điển hình: diện tích 3.189 ha. Phân bố trên địa hình vàn, vàn cao (cả trong và ngoài đê) đang canh tác 3 vụ và 2 vụ trong năm có thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước. Hướng sử dụng: đây là đất có tiềm năng tăng vụ cao, nhưng cần đầu tư lớn. Thích hợp cho nhiều loại cây trồng, kể cả cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.
+ Đất phù sa biến đổi bão hòa ba zơ: diện tích 1.988 ha, phân bố trên các chân đất độc canh cây lúa nước, địa hình thấp trũng, khó thoát nước, hướng sử dụng: tập trung vào thâm canh cây lúa, chú ý bón lân, vôi, có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
- Nhóm đất tầng mỏng: gồm các loại:
+ Đất tầng mỏng chua điển hình có diện tích 92 ha.
+ Đất tầng mỏng chua đá lẫn nông có diện tích 27 ha , phân bố ở các quả đồi độc lập, thích hợp trồng cây lâm nghiệp.
Đất đai của huyện Thiệu Hóa chủ yếu thuộc nhóm đất phù sa, có đặc tính lý, hóa tốt phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, khả năng tăng năng suất lớn còn là tiền đề để chuyển dịch cơ cấu cây trồng.