Ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong thánh tông di thảo (Trang 39 - 44)

7. Cấu trúc của khóa luận

2.2.3.3.1. Ngôn ngữ đối thoại

Đối thoại trong văn chương là hình thức nhà văn để nhân vật trò chuyện, trao đổi, thậm chí tranh luận gay gắt về một vấn đề nào đó. Bản chất của đối thoại là đời sống. Sống có nghĩa là tham gia vào đối thoại: đặt câu hỏi, lắng nghe, trả lời,…

Mối quan hệ giữa các nhân vật càng đa dạng, nhân vật càng nhiều thì càng bộc lộ những đặc điểm thuộc về tính cách, cá tính, nghề nghiệp, giai cấp, lứa tuổi. Sự bộc lộ đó qua nội dung lời thoại, qua cả cách nhân vật đối thoại. Biện pháp này giúp bạn đọc lắng nghe được nhân vật nói năng và lối tư duy ứng xử riêng trong những tình huống cụ thể.

Trong Thánh Tông di thảo, ngôn ngữ đối thoại được sử dụng khá phổ biến đặc biệt là trong các truyện có tính chất ngụ ngôn. Trong Trận cười ở núi

Vũ Môn lời đối thoại của các nhân vật cua, ếch, lươn, chạch, cá rô được thể

hiện lần lượt. Trong lời nói của chúng đều chứa đựng sự khoe khoang, tự đắc. Con nào cũng đề cao mình, tự tin mình sẽ vượt qua núi Vũ Môn:

“Con cua tự xưng là “công tử không ruột” huênh hoang nói:

- Người quân tử bảo: “Nhanh chân thì được trước”. Ta đây: trên cất hai đao dưới duỗi tám chân, thường ngang tàng trong biển cả. Nay nhắc bàn chân lớn, bước những bước dài, Vũ Môn dẫu cao chỉ nháy mắt là tới. Giật giải khôi nguyên không ta thì ai?

Ếch nhảy lên nói khoác:

- Ta sẽ múa hai đùi mập mạp, chỉ nhảy ba cái là tới đỉnh. Lươn, chạch vươn mình tự khoe:

- Ta cuộn thân dài rồi quang mình ba vòng là đã lên hẳn đỉnh núi. Cá rô tự đắc:

- “Tập quen thành tự nhiên”. Leo núi là ngón thạo của ta. Ta sẽ giương vây cứng mà rạch lên, phỏng có khó gì ?

Tôm bể cũng hớn hở:

- Công hầu phải có dòng giống. Tiền thân ta vốn bay lên trời. Nay ta chỉ cần co mình laị một cái là giật được giải, nào có khó gì?”

Qua những lời đối thoại của các loài vật, ta không chỉ thấy được sự kiêu căng của chúng mà qua đó tác giả còn mốn gửi gắm bài học nhân sinh. Nói về loài vật cũng chính là nói về con người. Truyện phê phán, răn dạy những kẻ chỉ chuyên nói khoác mà không biết rõ thực tài của mình.

Trong cuộc tranh cãi thiệt hơn, tranh vị thứ trên dưới của anh điếc và anh mù trong Lời phân xử cho anh điếc và anh mù lời lẽ mà các nhân vật đưa ra đều nhằm tạo cái lí về phía mình. Trong nội dung của lời đối thoại cả hai nhân vật đều có những dẫn chứng thuyết phục để chứng minh mình phải ở vị thế trên người kia. Cuộc tranh cãi diễn ra từ lúc mặt trời mọc đến lúc đứng bóng

mà chưa có ai chịu ai cả. Chỉ tới khi nhân vật “tôi” đứng ra phân xử thì mọi chuyện mấy kết thúc. Lời của anh mù trong thực tế có thực còn lời của anh điếc thì đều là hão. Nhưng cứ trong lời nói mà phán đoán thì anh mù chỉ giữ một chức còn anh điếc có thể giúp được cuộc trị bình thiên hạ. Công trạng đã khác nhau thì vị thứ cũng khác nhau như trời với đất. Lại xét anh điếc những sự việc nói ra trong kinh truyện thấy chép rất ít nhưng ở đây đã góp nhặt thành văn, câu nào cũng thiết thực cả.

Thông qua ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, tác giả còn muốn khẳng định quan điểm nghệ thuật của mình đó là đề cao con người, nâng con người lên trên cả thần thánh. Quan điểm này được thể hiện khá rõ qua lời đối đáp của các nhân vật trong Truyện hai phật cãi nhauNgọc nữ về tay chân chủ. Trong Truyện hai phật cãi nhau kể về việc nhà vua nửa đêm ghé nhòm vào trong chùa vắng thì thấy một tượng phật bằng đất và một tượng phật bằng gỗ cãi nhau. Phật đất mắng phật gỗ là đồ bất lực, không có tài cao phép lạ để ngăn trừ nước lũ đến nỗi phải trôi nổi bồng bềnh: “khi ấy, các mụ nhà quê trông thấy ngươi, ngờ là cây chuối nổi, thợ mộc trông thấy ngươi nghi là khúc gỗ trôi. Đã bao lâu ngươi vẫn là chỗ cho bọn áo nâu tay chùng nấp bóng, thế mà lúc bấy giờ ngươi lại không sao kiếm nổi một bữa cúng chay... Ta nghĩ ngươi đã từng gặp cảnh ngộ nhường ấy thì nay còn mặt mũi nào mà dám ở trên ta, để hưởng lộc ba phẩm nữa”. Phật gỗ không chịu, mắng lại rằng: lụt và hạn là do thiên tai. Vả lại trong cảnh nước lụt thì tượng gỗ lại cứ việc theo mực nước mà lên, mà xuống, không hề thiệt gì đến “chân thân” cả, chỉ đáng thương cho Phật đất: “... Nước đến chân thì chân ngươi rữa nát, nước đến bụng thì bụng ngươi vỡ lở, nước đến lưng thì lưng và vai ngươi đều sụp đổ. Trán rộng, mi dài, thôi còn đâu nữa! Than ôi, thương thay!”. Hai phật còn đang tranh cãi thì Phật Thích Ca, tay sách bầu rượu, dáng say lảo đảo, bước ra mà rằng: “Chao ôi! Hai ngươi đều có lỗi cả! Trong khi nước lớn mênh mông,

các ngươi đã không biết vận ngũ thông, dụng lục trí, thét lui muôn dòng nước về biển đông, mà chỉ biết giữ cái hình hài bằng gỗ, bằng đất, ngồi hưởng rượu thịt của dân, đã không biết xấu hổ, lại còn đấu khẩu với nhau, không sợ vách có tai ư?”. Rõ ràng, qua cuộc tranh luận đó tác giả đã cho thấy rằng Phật gỗ và Phật đất đã đành là đồ vô dụng mà Phật Thích Ca thì chẳng qua cũng là kẻ nát rượu mà lại bẻm mép. Thế giới thần, phật là thế giới của lòng khoan dung độ lượng, thế giới của những con người không biết nổi nóng, cáu giận, không tranh giành hơn thua. Vậy mà, ở đây họ lại đang giận dữ, trách mắng lẫn nhau vì miếng cơm, manh áo trong cuộc sống. Phật thánh ở đây đã không còn linh thiêng, không còn là chỗ cho con người thần phục, tín ngưỡng. Tuy nhiên, tác giả không đi vào phê phán sâu sắc giáo lí của đạo Phật mà chủ yếu là sự đả kích nhà chùa theo nhận thức thông thường của người đời về sự trụy lạc của những sư sãi ăn hại và bẻm mép.

Làm cho thần thánh mất thiêng, tác giả muốn đề cao con người, khẳng định sức mạnh của con người vượt lên trên cả thánh thần, coi con người là đối tượng và trung tâm phản ánh nghệ thuật. Trong Ngọc nữ về tay chân chủ kể về việc thần núi, thần sông khoe tài năng để lấy được Ngọc Tỷ - con gái Ngọc Hoàng. Nếu như các thần chỉ biết khoe mẽ tài năng thì con người chỉ bằng lời lẽ của mình đã ung dung phủ nhận tài năng của các thần, coi họ là “một gáo nước đã khoe nhiều, một nắm đá đã kheo lớn” và dõng dạc khẳng định khả năng, trí tuệ và sức mạnh của con người: “núi có thể bạt đi, gò có thể san bằng, nước lớn có thể bắt lui sông to có thể cắt đứt” khiến Sơn thần, Thủy thần phải khiếp đảm, Ngọc Hoàng thì bừng tỉnh cơn mê. Con người đi đến đâu là môi trường được trong sạch, công lí được duy trì, kỉ cương được lặp lại. Con người với sức mạnh của mình đã làm thần thánh mất thiêng.

Ngôn ngữ đối thoại giữ các nhân vật thể hiện được khí chất, tầm hiểu biết và những suy nghĩ của nhân vật. Đó là những lời lẽ văn hoa, thường vận

nhiều thành ngữ, tục ngữ, kinh thi của anh học trò khi nói chuyện với vợ trong

Truyện tinh chuột:

- “Tục ngữ có câu: “Vợ chồng mới cưới không bằng vắng lâu, là ý thế nào nhỉ?”

- “Kinh Thi có câu: “Đêm này là đêm nào? Thấy người lương nhân phải nghĩ thế nào với người lương nhân? Đêm nay là đêm nào? Thấy người đẹp phải nghĩ thế nào với người đẹp ấy? Nàng với ta có đồng tình với cổ nhân không?” Đó còn là lời lẽ thông tuệ mọi việc trên đời của bậc tiên nhân. Vị tiên thổi sáo trong Bài kí một giấc mộngGặp tiên ở hồ Lãng Bạc trong cuộc trò truyện với thái tử đã nói lên nhiều suy nghĩ về cuộc đời mà chỉ có bậc tiên nhân mới chiêm nghiệm được. Cảm phục tài năng của vị tiên, Hoàng tử có ý muốn mời về giúp việc triều chính. Nhưng vị tiên đã từ chối và nói: “...Vương tử không biết nghĩ, vừa vứng lưới trần mà đã bị niềm tục làm mê đến thế. Xưa nay có vua nào sống được vạn năm đâu? Tôi xin nói cho Vương tử nghe, may ra Vương tử nhớ được tiền thân chăng? Kìa: đãi cao tàn vàng, ra thì đường tất, vào thì khua chuông, thảm lông, lầu rồng, nắm quyền cương của trời mà cầm quả ấn bằng ngọc, không phải là không cao quý. Nhưng so với xe mây, ngựa bạc, sáng đón mặt trời ở biển khơi, chiều trông mây núi ở Vu Giáp, thì đằng nào phóng khoáng hơn?... ”. Qua những lời lẽ đó tác giả khéo léo bộc lộ những suy nghĩ riêng tư của người làm vua, một mặt cho thấy những công việc vất vả mà người phải làm: “Nát óc nhọc thân, một ngày muôn việc, bốn cõi hoặc có nơi ngang ngạnh, một người hoặc không được đội ơn, thì trời chưa sáng đã mặc áo, bóng tới trưa mới được ăn, cải trang du hành, suốt ngày chưa xong việc, chỉ những lo nghĩ mà già”, mặt khác cho thấy mong muốn được sống một cuộc sống tự do, phóng khoáng, coi “mọi vị trân cam không bằng một bầu rượu mây nước”.

Có thể thấy ngôn ngữ của nhân vật trong một số truyện của Thánh Tông di thảo như Truyện chồng dê, Lời phân xử cho anh điếc và anhgầy, Ngọc nữ về tay chân chủ, Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc thường rất dài. Đó cũng là một đặc

điểm thường gặp trong rất nhiều truyện truyền kì.

Nếu trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ thường sử dụng nhiều câu văn bóng bẩy, nhiều điển tích, điển cố, lối nói ước lệ tượng trưng thì đa số các truyện trong ThánhTông di thảo, ngôn ngữ của nhân vật lại rất ngắn gọn, giản dị như những lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người.

Như vậy, qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật, ta phần nào hiểu được tính cách, suy nghĩ, con người của nhân vật, đồng thời cũng thể hiện được tư tưởng, chủ đề của truyện.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong thánh tông di thảo (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(54 trang)