CHẶN ĐỨNG VÀ ĐẨY LÙI TÌNH TRẠNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN QUYỀN BÌNH ĐẲNG VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH (Trang 35 - 37)

XÂM HẠI TRẺ EM

Những vụ trẻ bị xâm hại, bạo hành đối với trẻ em thời gian gần đây một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho gia đình, xã hội cần phải có giải pháp quyết liệt, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế để bảo vệ trẻ em. Đồng thời, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải được vận hành có hiệu quả và cần được bổ sung, hoàn thiện kịp thời. Đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ, đầy đủ của hệ thống pháp luật.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Cụ thể trong năm 2008, số trẻ em bị xâm hại, bạo lực là 1.613 em; năm 2009 là 1.805 em. Và trong năm 2010, theo báo cáo giám sát của HĐND 46/63 tỉnh, thành phố, thì có 1.245 em bị bạo lực, xâm hại. Số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học, sống lang thang bị xâm hại là 11,6% trong tổng số các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng xâm hại trẻ em nam, đối tượng là người nước ngoài, xâm hại thông qua internet. Cùng với đó, tình trạng bạo lực trẻ em cũng xảy ra phổ biến với khoảng hơn 4.300 vụ trong các năm 2008 - 2010, trong đó có tới 170 vụ giết trẻ em…

Đâu là nguyên nhân?

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do nhận thức của gia đình, cộng đồng chưa đầy đủ; chưa tạo dựng được môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ; hệ thống bảo vệ và mạng lưới dịch vụ trẻ em nói riêng chưa phát triển. Đại diện các bộ, ngành cũng đã nhận định, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhưng việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chương trình, đề án trong việc thực hiện chính sách pháp luật còn nhiều hạn chế. Trong đó nguyên nhân chủ quan do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em từ Trung ương đến địa phương; hệ thống văn bản còn thiếu cụ thể và còn nhiều khoảng trống; công tác truyền thông giáo dục còn chưa đạt được hiệu quả cao và việc thực thi, ý thức chấp hành pháp luật của bộ phận cán bộ có thẩm quyền và người dân còn chưa nghiêm.

Tại phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, chính là do sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội đã dẫn đến sự chênh lệch về cơ hội phát triển, mức sống giữa các vùng miền, các nhóm dân cư trong xã hội. Khó khăn kinh tế dẫn đến tình trạng gia đình sao nhãng, ít quan tâm hoặc bỏ mặc trẻ

em trước nguy cơ hoặc thực tế đã bị ngược đãi, xâm hại. Ngoài ra, do một bộ phận người dân có lối sống thực dụng, quá coi trọng đồng tiền và của cải vật chất, sự thiếu gương mẫu của người lớn, xem thường các giá trị đạo đức. Bên cạnh đó, tác động của văn hóa độc hại, bạo lực khiêu dâm thông qua mạng internet, truyện tranh, đĩa ghi hình ngày càng khó kiểm soát; áp lực về tâm lý trong gia đình và xã hội gia tăng; tình trạng gia đình ly hôn, ly thân cũng dẫn đến các sang chấn tâm lý, các hành vi lệch chuẩn ở trẻ em và người lớn, cũng dẫn đến trẻ em có nguy cơ bị sao nhãng, bỏ rơi, đi lang thang, lao động kiếm sống, vi phạm pháp luật, bị bạo lực và xâm hại. Cùng với đó, hệ thống bảo vệ trẻ em bước đầu được hình thành nhưng chưa phủ khắp các địa bàn nơi có trẻ em cần được bảo vệ. Việc vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em và cơ chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân trong hệ thống còn nhiều hạn chế…

Cần có giải pháp quyết liệt hơn

Những vụ trẻ bị xâm hại, bạo hành thời gian gần đây một lần nữa đã gióng lên hồi chuông, cần phải có giải pháp quyết liệt bảo vệ trẻ. Cùng với đó, trong tình hình hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất cần được nhanh chóng hoàn thiện. Trước mắt tội xâm hại, bạo hành trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em rất cần được xét xử với khung hình phạt nghiêm khắc, chặt chẽ hơn. Cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành thống nhất từ Trung ương tới cơ sở trong phát hiện, xử lý, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật của Nhà nước và các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cần được thực hiện thường xuyên tới các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng, trường học, gia đình và trẻ em.

Để bảo đảm trong thời gian tới, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em cần tập trung giải quyết những yếu kém trong công tác phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó cũng cần khẩn trương khắc phục những yếu kém trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức và đầu tư ngân sách cho công tác chung về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em để góp phần vào công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian tới. Các cấp chính quyền và các ngành chức năng cũng cần xem vấn đề này như là một trong những yếu tố phát triển xã hội của địa phương. Hơn thế, chúng ta cần chú trọng xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ, trong đó phải củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ xã hội làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ; hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ có tính hệ thống và chuyên nghiệp. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần được nhanh chóng hoàn thiện, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong lĩnh vực này, thậm chí có thể nghiên cứu xây dựng luật.

Đối với các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và giáo dục về bạo lực, xâm hại trẻ em; nâng cao nhận thức về việc nuôi dạy con cái cho các bậc cha mẹ. Các bậc cha mẹ cũng phải nhanh chóng tìm cách khắc phục chủ nghĩa thực dụng đang ảnh hưởng đến các gia đình như: Nuông chiều con cái quá mức hoặc phó mặc con cái... Và mỗi người trong gia đình nên xem lại chính mình, đừng đổ lỗi cho nhau. Cần phải dành thời gian nhiều hơn để ở bên người thân của mình, hiểu và chia sẻ với nhau, nhất là khi xảy ra mâu thuẫn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng trong giai đoạn tới bằng các giải pháp về luật pháp, tư pháp, hành chính và các biện pháp giáo dục, xã hội phù hợp phải chặn đứng và tiến tới đẩy lùi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm sự an toàn cho trẻ em và tạo cơ hội bình đẳng cho trẻ em phát triển một cách toàn diện.

Diệp Anh

(www.daibieunhandan.vn – Ngày 28/3/2012)

Một phần của tài liệu THỰC HIỆN QUYỀN BÌNH ĐẲNG VỚI PHỤ NỮ VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(47 trang)
w