BÁO ĐỘNG SỰ SUY ĐỒI ĐẠO ĐỨC
Thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra rất nhiều và luôn tiềm ẩn yếu tố gia tăng. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang là hồi chuông báo động cho sự suy đồi đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự (C45), từ 2006 - 2010, toàn quốc phát hiện gần 7.900 vụ xâm hại trẻ em với hơn 8.400 em bị xâm hại; bắt giữ hơn 9.600 đối
tượng gây án (trong đó tội phạm xâm hại tình dục trẻ em chiếm gần 60%, đáng chú ý là tội hiếp dâm trẻ em). Chỉ tính riêng trong năm 2011, tội phạm xâm hại trẻ em trên toàn quốc phát hiện gần 1.500 vụ, hơn 1.600 đối tượng gây án, 1.640 em bị xâm hại. Địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em là Hà Nội, Hà Nam, Sơn La, Bình Định, TP. HCM, Đồng Nai, Đắc Lắc, Long An, Kiên Giang, An Giang…
60% trẻ bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường
Công an tỉnh Hà Giang cho biết, ở vùng núi, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp; phân bố dân cư không đồng đều… Từ đó, bọn tội phạm đã triệt để lợi dụng thực hiện hành vi mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em. Từ năm 2007 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 59 vụ với 69 trẻ em bị buôn bán và chiếm đoạt liên quan đến hàng chục đối tượng phạm tội.
Trong khi đó tại An Giang, qua thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2007 - 2011, toàn tỉnh phát hiện 167 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, liên quan 174 đối tượng; trong đó tỷ lệ trẻ em bị hiếp dâm chiếm gần 59%, trẻ em bị giao cấu (30,5%), trẻ em bị dâm ô (gần 11%).
Lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cho hay, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em rất đa dạng và tinh vi. Đối với nạn nhân là trẻ dưới 13 tuổi, bọn chúng thường dùng thủ đoạn lừa gạt, dụ dỗ cho quà, cho tiền để điều nạn nhân đến nơi vắng vẻ thực hiện hành vi hiếp dâm. Đối với nạn nhân từ 13 - dưới 16 tuổi, bọn tội phạm thường dụ dỗ, rủ rê tụ tập vui chơi, tiệc tùng, uống rượu, sau khi nạn nhân say xỉn, bọn chúng thực hiện hành vi hiếp dâm và có vụ hiếp dâm tập thể. Đối tượng gây án phần nhiều là người cùng xóm ấp, quen biết với nạn nhân, lợi dụng thân quen hoặc cha mẹ, người thân đi
vắng không ai chăm sóc, quản lý, từ đó dụ dỗ để thực hiện hành vi phạm tội.
“Xâm hại tình dục trẻ em không những gây ra cho các em đau đớn, thương tật về thể xác, mà về tinh thần các em cũng bị tổn hại nặng nề. Theo khảo sát, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại phải còn gánh chịu nguy cơ hết sức nguy hiểm đó là lây lan các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS” - một lãnh đạo Công an tỉnh An Giang nhận định.
Lãnh đạo C45 cho biết: Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, bình quân một năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục. Trong đó, số trẻ em bị hiếp dâm ít tuổi bị xâm hại tình dục tăng, nhiều em bị hiếp dâm khi mới 4 - 5 tuổi; một số em bị hiếp dâm nhiều lần, hay nhiều người hiếp dâm một trẻ em mới 13 - 14 tuổi đã xảy ra ở nhiều địa phương.
Đại tá Hồ Sỹ Tiến – Quyền Cục trưởng C45 nhấn mạnh thêm, tình trạng loạn luân như: Bố đẻ hiếp dâm con gái nhiều lần dẫn đến mang thai, bố dượng hiếp dâm con gái riêng của vợ, anh hiếp em gái... cũng đang gia tăng, báo động sự suy đồi đạo đức, gây bức xúc trong thời gian qua.
Trong khi đó, số vụ giết trẻ em giảm 24,5% (so với giai đoạn 2001 - 2005) nhưng tính chất lại nghiêm trọng hơn như: Giết trẻ em để bịt đầu mối, hiếp xong rồi giết, giết con nghi vợ ngoại tình, giết con khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn… Ngoài ra, tình hình mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, mại dâm trẻ em, sử dụng trẻ em làm việc trong điều kiện tồi tệ, nặng nhọc vẫn chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả, thậm chí có vụ việc nghiêm trọng và tồn tại trong một thời gian dài gây dư luận bức xúc trong xã hội.
Lỗi của sự thiếu hiểu biết pháp luật
Theo C45, các đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu từ 18 tuổi trở lên là những đối tượng làm nghề tự do hoặc không nghề nghiệp. Đánh giá những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, lãnh đạo C45 cho rằng: Một phần do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động trực tiếp đến đời sống của từng gia đình, mỗi cá nhân và những nhu cầu hưởng thụ, trong đó có nhu cầu hưởng thụ ích kỷ, hẹp hòi hay hủ hóa, biến chất; hoặc phát sinh tội phạm mới như: Mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, tổ chức cho trẻ em đi ăn xin và sử dụng trái phép các chất ma túy…
Lãnh đạo công an các địa phương nhận định: Do một số người có lối sống buông thả, thích đua đòi ăn chơi và một số bị suy thoái phẩm
chất đạo đức dẫn đến phạm tội nhằm thỏa mãn nhu cầu dục vọng thấp hèn; Một số trẻ em bị xâm hại tình dục là do có sử dụng rượu bia dẫn đến mất tự chủ, bị tác động bởi phim ảnh đồi trụy; Một số xuất phát từ sự nuông chiều của gia đình; Công tác tuyên truyền pháp luật chưa được thường xuyên, sâu rộng trong tầng lớp nhân dân…
Còn lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cho rằng: Nhiều người làm bố, làm mẹ đang trong tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng; thiếu kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em… Từ đó dẫn tới việc cho rằng cha mẹ có quyền dạy con bằng đòn roi, bằng sự xỉ nhục, hành hạ. Chính văn hóa “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đã khiến cho các bậc cha mẹ coi chuyện đánh con là bình thường, là quyền của cha mẹ; rằng đánh con là dạy con nên người. Nhưng nhiều trường hợp, quan niệm đó dẫn tới hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại sự lỏng lẻo và những khoảng trống trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đã gây bất cập trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em như: Chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, nhận tố giác từ trẻ em; pháp luật cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực; hoặc ngay cả khi có Luật Phòng, chống bạo lực
gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc; tiếng nói và cách xử lý của chính quyền với các vụ cha, mẹ bạo hành với con cái còn yếu; cùng với thái độ thờ ơ, vô cảm của cộng đồng đã dẫn tới nhiều trẻ em bị bạo lực nhiều lần, gây hậu quả khá nghiêm trọng mà vẫn không bị xử lý.
Công an các địa phương cho biết, công tác phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ bị xâm hại tình dục thời gian qua được thực hiện rất quyết liệt: Từ 2006 - 2011, lực lượng công an các địa phương đã xử lý hình sự trên 7.200 vụ với trên 8.500 đối tượng xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.
Nêu những giải pháp cho công tác đấu tranh tội phạm xâm hại trẻ em, lãnh đạo Tổng cục VI và lãnh đạo các cơ quan ban ngành đề nghị lực lượng công an các địa phương chủ động nắm tình hình, tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án tiền sự, có dấu hiệu nghi vấn phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em; Tăng cường quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, thường xuyên
kiểm tra các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm đối với mọi hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, kích dâm, kích dục; Rà soát, đánh giá một cách toàn diện hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em để từ đó có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp, tiến tới xây dựng Luật bảo vệ trẻ em tổng thể; đề nghị chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo cụ thể và sát sao đối với công tác chăm lo giáo dục trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ; các bậc cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, giáo dục, quản lý tốt con trẻ, gạt bỏ mặc cảm, dư luận khi có con em bị xâm hại để tố cáo thủ phạm ra trước pháp luật, có như vậy trẻ em mới thực sự được bảo vệ.
Công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em là biện pháp cấp bách và lâu dài, do đó công an các địa phương kiến nghị Bộ Công an quan tâm hơn nữa về hỗ trợ kinh phí, phương tiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác này.
Huỳnh Hải
(dantri.com.vn – Ngày 21/05/2012)