Truyền hình số vệ tinh thế hệ thứ hai (DVB-S2)

Một phần của tài liệu Công nghệ truyền hình số mặt đất và triển khai tại việt nam (Trang 78 - 79)

Vào cuối năm 1993, DVB cho ra đời tiêu chuẩn DVB-S được coi là thế hệ tiêu chuẩn thứ nhất cho việc truyền dẫn qua vệ tinh, và được phần lớn các nhà quảng bá trên thế giới sử dụng cho việc truyền dẫn các dịch vụ truyền hình và dữ liệu. Chuẩn DVB-S dựa trên điều chế QPSK và mã sửa sai (FEC-Forward Error Corection) Convolutional kết hợp với mã hoá Reed-Solomon. Chuẩn này bị hạn chế cho một số ứng dụng, do hạn chế về tốc độ dữ liệu truyền qua các bộ phát đáp (transponder).

Vào năm 1998, DVB ra đời DVB-DSNG (Digital Satellite News Gathering), tiêu chuẩn thứ 2 cho các ứng dụng vệ tinh, đây chính là sự mở rộng của DVB-S với cấp điều chế cao hơn (8PSK và 16QAM) nhằm tăng dung lượng truyền dẫn qua vệ tinh cho DSNG và các ứng dụng truyền dữ liệu, truyền hình khác.

DVB-S2 là sự kết hợp các chức năng của DVB-S và DVB-DSNG, động lực thúc đẩy để phát triển DVB-S2 là nhằm tăng dung lượng truyền dẫn qua vệ tinh và tăng khả năng sử dụng hiệu quả băng thông.

Tiêu chuẩn mới DVB-S2 đã tạo ra một bước đột biến trong hiệu quả sử dụng băng thông khi so sánh với các chuẩn DVB-S và DVB-DSNG. Bước tiến mạnh mẽ này không chỉ là do sử dụng mã sửa sai mới được gọi là “Kiểm tra chẵn lẻ mật độ thấp” (Low Density Parity Check - LDPC), mà còn do thực hiện cấu trúc điều chế mềm dẻo với các chế độ hoạt động được gọi là “Điều chế, mã hoá thay đổi” (Variable Coding and Modulation – VCM) và “Điều chế, mã hoá thích nghi” (Adaptive Coding and Modulation – ACM). Việc sử dụng những công nghệ mới này có thể làm tăng lưu lượng qua một kênh vệ tinh lên đến 29% với LDPC và tăng 66% với VCM, 131% với ACM.

DVB-S2 là hệ tiêu chuẩn thế hệ thứ hai cho các ứng dụng truyền dẫn qua vệ tinh băng rộng. DVB-S2 ra đời nhằm tới ba mục đích: thực hiện chất lượng truyền

63

dẫn tốt nhất trong giới hạn của Shannon, dung lượng truyền dẫn linh hoạt và độ phức tạp của đầu thu là chấp nhận được.

Ngoài ra với chế độ tương thích ngược, DVB-S2 cho phép các đầu thu cũ theo chuẩn DVB-S vẫn có thể tách ra các luồng dữ liệu với độ ưu tiên cao (HP-High Priority), còn các đầu thu mới thì nhận dữ liệu từ các luồng ưu tiên thấp (LP-Low Priority).

DVB-S2 được thiết kế có khả năng cung cấp các dịch vụ tương tác (IS) cho các khách hàng sử dụng đầu thu IRD (Intergrated Receiver Decoder) hoặc máy tính cá nhân, trong đó kênh chiều đi sẽ thay thế cho chuẩn DVB-S về dịch vụ tương tác. Kênh chiều về của DVB-S2 có thể thiết lập thông qua mạng mặt đất hoặc đường truyền thoại hay vệ tinh. DVB cũng đưa ra rất nhiều các mô tả cho kênh chiều về như RC - PSTN, RCS…DVB-S2 cũng có thể cung cấp các dịch vụ dữ liệu tương tác hay truy cập internet theo cả chế độ điều chế mã hoá không đổi (Constant Coding Modulation - CCM) như DVB-S, và cả theo chế độ điều chế ACM. Chế độ điều chế ACM sẽ cho phép mỗi điểm thu có thể lựa chọn mức độ bảo vệ tuỳ theo điều kiện thu thực tế.

Một phần của tài liệu Công nghệ truyền hình số mặt đất và triển khai tại việt nam (Trang 78 - 79)