Việt Nam
Việc quy định tội không tố giác tội phạm trong Bộ luật hình sự có ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, như chúng ta đã biết cơ quan tư pháp là cơ quan được nhà nước giao cho nhiệm vụ thi hành pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của mọi công dân trong xã hội, tuy nhiên tại khoản 3 Điều 4 Bộ luật hình sự hiện hành cũng quy định rằng công dân có nghĩa vụ phải tố giác tội phạm nhằm giúp các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi luật yêu cầu chủ thể thực hiện một nghĩa vụ nhưng chủ thể này không thực hiện, điều này đồng nghĩa với việc chủ thể đã làm trái với những quy định của pháp luật, vì thế cần phải có chế tài đối với hành vi không tuân thủ pháp luật này. Từ lý do trên để có những quy định về cấu thành tội phạm và hình
phạt xử lý hành vi không tố giác tội phạm thì việc quy định tội không tố giác tội phạm trong luật hình sự là rất cần thiết.
Thứ hai, không tố giác tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu hành vi này diễn ra một cách phổ biến trong xã hội thì việc phát hiện, điều tra, xử lý hành vi phạm tội của cơ quan tư pháp sẽ gặp khó khăn, trở ngại, quyền và lợi ích của công dân không được bảo vệ kịp thời, từ lý do đó đòi hỏi phải quy định tội không tố giác tội phạm vào luật hình sự, một mặt thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi này, mặt khác tạo tính răn đe đối với công dân trong xã hội.
Thứ ba, việc quy định tội không tố giác tội phạm trong luật hình sự là điều cần thiết, bởi lẽ trong quá trình tiến hành tố tụng cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có những quy định cụ thể và rõ ràng cũng như có cơ sở pháp lý vững chắc về cấu thành tội không tố giác tội phạm để từ đó có thể áp dụng một cách dễ dàng và thống nhất góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, công dân và các tổ chức khác trong xã hội một cách hiệu quả nhất.
Tóm lại, việc quy định tội không tố giác tội phạm trong luật hình sự Việt Nam có vai trò rất quan trọng, một mặt tạo khung pháp lý vững chắc đối với công dân và tạo được sự đồng bộ, rõ ràng trong quá trình áp dụng của cơ quan tiến hành tố tụng, mặt khác việc quy định hình phạt đối với hành vi không tố giác tội phạm sẽ tạo được tính răn đe và thể hiện sự nghiêm khắc của nhà nước đối với hành vi này.
CHƯƠNG 2
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ TỘI KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Tội không tố giác tội phạm được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật hình sự 1985 với những dấu hiệu pháp lý khá đơn giản và chưa đầy đủ. Điều này làm cho việc áp dụng điều luật gặp nhiều khó khăn và không thống nhất. Đến khi ban hành Bộ luật hình sự 1999 đến nay thì những quy định về tội không tố giác tội phạm đã được sửa đổi theo hướng đầy đủ và hoàn thiện hơn rất nhiều so với Bộ luật trước đó. Việc sửa đổi, bổ sung những quy định về tội không tố giác tội phạm một mặt giúp cho việc áp dụng điều luật của cơ quan tiến hành tố tụng được nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều, mặt khác tạo được khung pháp lý vững chắc cho các cơ quan tố tụng trong quá trình xét xử của mình. Nhằm làm rõ những quy định cụ thể về các dấu hiệu pháp lý của tội không tố giác tội phạm, người viết xin phân tích tại chương hai của luận văn.