IV. Phong trào độc lập dân tộc ở Ấn Độ trong những năm 1919-
b) Hoạt động đấu tranh của Đảng Cộng Sản và công nhân Ấn Độ
Cũng trong thời kỳ này, phong trào công nhân Ấn Độ được củng cố qua các cuộc đấu tranh. Các tiểu tổ cộng sản đã tăng cường các họat động chung và tháng 11/1933, các tiểu tổ cộng sản đã hợp nhất với nhau, thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ, cử ra Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng. Một chương trình hành động chung đã được Ban chấp hành Trung ương lâm thời đưa ra nhằm tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Ấn Độ. Tuy nhiên, trong điều kiện của xã hội Ấn Độ, cùng với sự đàn áp tàn bạo những người cộng sản của chính quyền thực dân, những họat động của Đảng Cộng sản Ấn Độ được tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Tháng 7/1934, Đảng Cộng sản Ấn
Độ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và mãi đến năm 1943 Đảng mới có thể tiến hành Đại hội lần thứ nhất.
Năm 1933, Nghị viện Anh thông qua một đạo luật mới về việc cai trị Ấn Độ. Và đến năm 1935, nó được công bố cho nhân dân Ấn Độ với tên gọi là "Hiến pháp mới” của Ấn Độ. Thực chất đây là một đạo luật thống trị, không thừa nhận quyền tự trị của nhân dân Ấn Độ. "Hiến pháp mới” đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Ấn Độ, nhân dân Ấn Độ gọi đây là "Hiến pháp nô dịch”, Đảng Quốc Đại tuyên bố sẽ đấu tranh đòi triệu tập Hội nghị lập hiến toàn Ấn Độ. Liên đoàn Hồi giáo cũng lên tiếng phản đối.
Phong trào phản đối bản "Hiến pháp nô dịch” đã đoàn kết được tất cả các lực lượng chính trị thành một mặt trận thống nhất trên thực tế. Biểu hiện rõ nhất là cuộc mít tinh của nhân dân Bombay để phản đối "Hiến pháp mới”, tổ chức ngày 7/2/1935, hầu hết các đảng phái chính trị và tổ chức quần chúng yêu nước đều tham gia tích cực vào cuộc mít tinh này. Tháng 4/1936, Đại hội Tổng nông hội toàn quốc họp tại Lắcnao, kết án "Hiến pháp mới” và kêu gọi nông dân toàn quốc đoàn kết với các lực lượng tiến bộ đấu tranh chống thực dân. Tháng 5/1936, tổng công hội Ấn Độ cũng tiến hành đại hội và ra Nghị quyết thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất, chủ trương hợp tác với Đảng Quốc Đại. Chính trong thời kỳ này Đảng Cộng sản Ấn Độ đã tích cực tuyên truyền và tổ chức cho sự hình thành Mặt trận thống nhất chống đế quốc. Do vậy phong trào công nhân phát triển rất mạnh mẽ. Trong những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng năm ở Ấn Độ có gần 400 vụ đình công, thu hút từ 40 đến 50 vạn công nhân tham gia, trong số đó có khoảng 1/2 các cuộc đình công kết thúc thắng lợi.
Thực dân Anh đã tìm đủ mọi cách để phá họai sự thống nhất của các lực lượng tiến bộ ở Ấn Độ vào một mặt trận dân tộc phản đế. Chúng ra sức lợi dụng các lãnh tụ phản động của Liên đoàn Hồi giáo và tổ chức Hinđu Mahasabha, gây ra nhiều vụ xung đột giữa người Ấn và người Hồi. Từ năm 1937 đến 1939, ở Ấn Độ đã xảy ra 57 vụ xung đột đổ máu giữa các cộng đồng tôn giáo. Điều này đã làm suy yếu phong trào đấu tranh của quần chúng.