§5 MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ LỢI ÍCH KINH TẾ TRONG ĐẦU TƯ CÔNG
5.1 Mô hình xác định lợi ích kinh tế trong thị trường không biến dạng
Từ chương này trở đi chúng ta sử dụng phương pháp kinh tế để thẩm định các dự án công. Chi phí kinh tế của các yếu tố đầu vào và giá đầu ra có thể chênh lệch nhiều so với con số tài chính. Chẳng hạn các dự án như: cung cấp nước sạch nông thôn, xây dựng trường phổ thông ở vùng sâu, đường nông thôn, …thường có giá trị đối với xã hội lớn hơn nhiều so với mức giá tài chính mà người dân chi trả. Nếu dự án điện của chính phủ bán với giá thấp hơn giá kinh tế thì coi như chính phủ đã trợ cấp ngầm cho người sử dụng. Hoặc một dự án trả lương cho người lao động cao hơn chi phí kinh tế của lao động, tức là đã trợ cấp cho người lao động. V.v…
Lợi ích, chi phí kinh tế và doanh thu, chi phí tài chính quan hệ gắn bó với nhau nhưng không thể đồng nhất chúng được. Sự khác biệt giữa giá kinh tế và giá tài chính là khoản lợi nhuận siêu ngạch được dồn cho một nhóm người nào đó trong xã hội, đồng thời cho thấy những thông tin hữu ích về phân phối chi phí và lợi ích. Nói cách khác, sự khác biệt giữa các giá kinh tế và giá tài chính phản ánh một đối tượng khác ngoài chủ dự án hoặc được hưởng lợi ích của dự án hoặc gánh chịu chi phí cho dự án. Như thế, khi phân tích tài chính, ta xem xét chủ dự án bỏ ra bao nhiêu tiền và chủ dự án thu về bao nhiêu dòng tiền ròng. Còn khi phân tích kinh tế, chúng ta không chỉ xem xét chủ dự án bỏ ra và thu về bao nhiêu dòng tiền ròng mà còn xét đến cả lợi ích và chi phí của những đối tượng không trực tiếp tham gia vào dự án. Bằng cách nhận diện các nhóm đối tượng ngoài chủ dự án được hưởng lợi từ dự án và các nhóm gánh chịu chi phí của dự án, chúng ta sẽ thu thập được những thông tin về động cơ khuyến khích nhóm này ủng hộ còn nhóm khác phản đối.
Trong các nền kinh tế ít méo mó, giá thị trường có thể được dùng làm chi phí cơ hội của các đầu vào và các đầu ra. Trong nền kinh tế mà giá cả bị bóp méo thì giá thị trường không thể sử dụng để xác định chi phí kinh tế. Mà phân tích kinh tế phải đánh giá được đóng góp của dự án đối với phúc lợi xã hội hay lợi ích của toàn thể đất nước. Do đó cần phải triệt tiêu sự méo mó của giá cả bằng cách sử dụng giá mờ (shadow price) là mức giá phản ánh xấp xỉ chi phí cơ hội và lợi ích của dự án, thay vì dùng giá thị trường.