Đánh giá chung về thực trạng

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên trung học cơ sở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 68 - 72)

8. Cấu trúc của luận văn

2.4.Đánh giá chung về thực trạng

2.4.1. Thành công

Công tác quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THCS quận 5 trong những năm nói chung đã có những chuyển biến tích cực như: tỉ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên là 100% và trên chuẩn xấp xỉ là 83%, đa số có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năng lực sư phạm của phần lớn giáo viên được nâng lên, bước đầu đáp ứng được nhu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

2.4.2. Hạn chế

Tuy tỉ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhưng chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng, kỹ năng sư phạm hạn chế, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới. Số giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ ,và công nghệ thông tin còn chiếm tỷ lệ chưa cao. Cơ cấu giáo viên vẫn còn mất cân đối giữa các môn học ở một số trường. Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn một số trường thiếu giáo viên các môn có tính đặc thù như công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, giáo dục công dân, ngoại ngữ... dẫn đến tình trạng giáo viên dạy kiêm nhiệm không đúng chuyên môn đào tạo còn khá phổ biến, không bảo đảm chất lượng giáo dục.Đặc biệt là giáo viên còn nặng về “Dạy chữ” mà chưa chú trọng “ Dạy người”.

2.4.3.Nguyên nhân của những hạn chế

2.4.3.1. Về mặt quản lý

- Công tác xây dựng quy hoạch, phát triển đội ngũ chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức.

- Công tác quản lý, chỉ đạo và tham mưu của các cấp còn bộc lộ những hạn chế, một số chủ trương chính sách và nhiệm vụ còn triển khai thiếu đồng bộ, thiếu sát sao, thiếu cương quyết nên kết quả thực hiện còn chưa cao so với yêu cầu đặt ra.

- Công tác quản lý ở một số trường còn bị buông lỏng và bộc lộ hạn chế cả về năng lực lẫn trình độ, phương pháp, kinh nghiệm với các biểu hiện cụ thể như: Phân công công việc không rõ ràng, xử lý thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trách nhiệm với công việc, thiếu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, thiếu kiên quyết trong việc xử lý các biểu hiện vi phạm, thiếu công khai dân chủ trong lãnh đạo, thiếu minh bạch trong quản lý tài chính.

- Một số cán bộ quản lý năng lực còn yếu, ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa cao, chưa có phương pháp lãnh đạo, chưa năng động nhạy bén trong quản lý, chưa chủ động sáng tạo trong quản lý điều hành, triển khai nhiệm vụ. Một số cán bộ còn làm việc dựa theo theo chủ nghĩa kinh nghiệm, theo kiểu độc đoán, chỉ đạo tầm xa, thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát hoạt động của cán bộ giáo viên, còn để cho giáo viên vi phạm quy chế, quy định chuyên môn.

(Phòng GD&ĐT quận 5, Báo cáo tổng kết năm học 2011 - 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2012 - 2013)

2.4.3.2. Về mặt nhận thức của giáo viên

- Một bộ phận giáo viên trình độ năng lực chuyên môn yếu, ý thức kỷ luật kém, còn bảo thủ không chịu học hỏi đồng nghiệp để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

- Công tác thanh, kiểm tra có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả tác dụng. Việc xử lý sau thanh tra còn vướng mắc, thiếu cương quyết, đồng bộ nên tạo ra tâm lý coi thường kỷ cương, nền nếp trong một số cán bộ quản lý và giáo viên.

- Nhận thức về công tác thi đua khen thưởng của một số nhà trường và cán bộ giáo viên trong ngành chưa đáp ứng được với tình hình hiện nay đặc biệt là còn nặng về bệnh thành tích, các văn bản hướng dẫn chỉ đạo mới có nhiều thay đổi và vẫn còn những bất cập đã làm hạn chế đến việc nắm bắt chủ trương, tiêu chuẩn, hình thức trong việc bình xét các danh hiệu thi đua.

- Mặt trái của cơ chế thị trường, các biểu hiện tiêu cực bên ngoài xã hội đã ít nhiều có tác động, ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Để đánh giá được đầy đủ thực trạng giáo dục THCS quận 5 giai đoạn từ 2009 đến 2012, chúng tôi đã phải sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận, điều tra và khảo sát khác nhau. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như công tác quản lý đội ngũ giáo viên THCS quận 5 trong những năm qua đã đạt được những thành tích đáng kể, song vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế cần phải khắc phục. Để xây dựng được đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhà giáo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN THCS QUẬN 5, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên trung học cơ sở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh (Trang 68 - 72)