Sự phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài đã khiến cho Hy Lạp trở nên rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong niềm tin của giới đầu tư. Tuy nhiên, những con số thống kê được công bố liên tục gây lo ngại cho các nhà đầu tư khi chúng luôn thay đổi, không nhất quán theo thời gian công bố và giữa các tổ chức công bố. Các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại khi vào tháng 10/2009, chính phủ Hy Lạp mới lên cầm quyền đưa ra con số ước tính thâm hụt ngân sách mới cho năm 2009 là 12,9% GDP, tăng lên gần gấp đôi so với con số ban đầu là 6,7%. Đến tháng 4/2010, Eurostat lại đưa ra con số ước tính thâm thụt ngân sách của Hy Lạp cao hơn nữa, khoảng 13,6% GDP. Các nhà đầu tư ngày càng trở nên lo lắng hơn về khả năng hoàn trả các khoản nợ đến hạn, ước tính vào khoảng 54 tỷ euro (72,1 tỷ đô la) của Hy Lạp cho năm 2010. Sự thiếu minh bạch trong số liệu thống kê của Hy Lạp đã làm mất niềm tin của các nhà đầu tư mà quốc gia này đã tạo dựng được với tư cách là một thành viên của Eurozone và nhanh chóng xuất hiện các làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng của Hy Lạp, đẩy quốc gia này vào tình trạng khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế. Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, thì minh bạch luôn là một đòi hỏi lớn của các nhà đầu tư và Hy Lạp là một minh chứng cho thấy niềm tin của thế giới với một quốc gia sẽ giảm sút nhanh chóng như thế nào khi sự minh bạch trong số liệu kinh tế của quốc gia đó liên tục bị đặt dấu hỏi.