CT hay chụp cắt lớp vi tính là một bước tiến cách mạng trong kỹ thuật chẩn đoán bằng bức xạ X quang. CT là từ viết tắt của thuật ngữ Computed Tomography, mang ý nghĩa là chụp cắt lớp với sự hỗ trợ của máy tính. Đây là phương pháp tạo ảnh dựa vào tính chất hấp thụ tia X của vật chất. CT cho phép thu thập các số liệu bên trong cơ thể bệnh nhân nhằm tái tạo cấu trúc giải phẫu bệnh nhân. Những hình ảnh này đã giúp cho các nhà lâm sàng và phẫu thuật nhận định một cách đầy đủ các tổn thương, từ đó chỉ định, tiên lượng ca mổ, theo dõi điều trị một cách hợp lí nhất.
Trong kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, ảnh được tái tạo từ các hình chiếu. Hình chiếu thu được bằng cách đo sự suy giảm của bức xạ qua vật thể tại các góc khác nhau. Ảnh gốc có thể xem là các đường chéo qua vật thể trong đó các giá trị cường độ biểu diễn mật độ của vật thể. Các hình chiếu thu thập bằng thiết bị phần cứng chuyên dụng và sau đó ảnh bên trong của vật thể được tái tạo bằng phép biến đổi Fourier ngược. Điều này cho phép quan sát cấu trúc bên trong cơ thể hay các vật thể mờ không thấy được bằng mắt thường. Để thực hiện phép chiếu nói trên, hệ thống phải có bộ phát và các bộ thu. Bộ phát và các bộ thu phải quay xung
38
quanh vật thể để thu các thông số hình chiếu của vật thể theo các hướng khác nhau.
CT được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán lâm sàng cũng như trong sinh thiết. Người ta dùng CT để chẩn đoán các phần cứng của cơ thể bị tổn thương như: sọ não, cột sống, xương... Trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay thì CT cho hình ảnh về các phần cứng của cơ thể rõ nhất. CT còn được dùng trong chẩn đoán ung thư, giúp phát hiện sớm khối u, các bệnh về tim mạch và trong nha khoa, nhi khoa, nhãn khoa hay để thực hiện nội soi ảo dùng kỹ thuật tạo ảnh 3D với sự hỗ trợ của máy tính. Ngoài ra, CT còn trợ giúp sinh thiết như sinh thiết tuyến tiền liệt, sinh thiết ung thư vú, sinh thiết cổ tử cung... Tuy nhiên, khi chụp CT người bệnh phải chịu một lượng bức xạ rất lớn, có hại đến sức khỏe, đặc biệt đối với sản phụ và trẻ em.