Đọc hiểu nhân vật

Một phần của tài liệu Đọc hiểu trích đoạn sử thi chiến thắng mtao mxây và ra ma buộc tội (SGK ngữ văn 10) (Trang 39 - 43)

2. Phương pháp đọc hiểu trích đoạn sử thi theo đặc trưng thể loại

2.2. Đọc hiểu nhân vật

2.2.1 Mục đích của đọc hiểu nhân vật

Trung tâm của cốt truyện sử thi nói riêng, của truyện dân gian nói chung là nhân vật. Nhân vật là chủ thể của những hành động, những biến cố, là nơi tập trung biểu hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Do vậy nắm được nhân vật là nắm được giá trị của tác phẩm.

Nhân vật dân gian nói chung và nhân vật sử thi nói riêng được xây dựng bởi một thi pháp riêng. Đó là những con người hoàn thiện, hoàn mỹ. Phẩm giá của nó thể hiện ở tất cả các mặt: sức mạnh, tài năng, đạo đức, ngoại hình, lòng dũng cảm…Nhân vật sử thi được ngợi ca với khát vọng tự do, vượt qua cả quyền uy, tập tục, khí phách anh hùng, ý thức nghĩa vụ, tinh thần cộng đồng, chinh phục thiên nhiên, chiến đấu chống giặc ngoại xâm để bảo vệ bộ tộc và địa vực cư trú. Vì vậy cần có phương pháp khai thác nhân vật phù hợp để vừa thấy được chất thơ, chất lí tưởng vừa thấy được chất đời thường ở nhân vật.

2.2.2. Phương pháp đọc hiểu nhân vật

 Bước 1: Phát hiện và thống kê nhân vật.

Đối với học sinh trung học phổ thông, đây là việc làm không khó, các em có thể dễ dàng thực hiện được. Thực chất bước 1 của phương pháp đọc hiểu nhân vật là rèn kĩ năng phát hiện cho học sinh.

Ví dụ: Đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây”:

CH: Hãy thống kê những nhân vật trong đoạn trích?

Nhân vật trong đoạn trích gồm: Đăm Săn, Mtao Mxây, ông Trời, dân làng… Đoạn trích “Ra - ma buộc tội”:

Đoạn trích gồm các nhân vật: Ra - ma, Xi - ta, Lắc - ma -na, anh em bạn hữu của Ra - ma, đội quân khỉ Va - na - na, quan quân dân chúng của vương quốc Rắc - sa - xa…

 Bước 2: Xác định nhân vật chính, nhân vật trung tâm của đoạn trích. Đó là những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong đoạn trích, được đoạn trích tập trung khắc hoạ để thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

Ví dụ: Nhân vật chính của đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” là Đăm Săn. Đoạn trích “Ra - ma buộc tội”, nhân vật chính là Ra - ma và Xi - ta.

Như vậy việc phát hiện, thống kê và phân loại nhân vật là cơ sở để tiến hành tìm hiểu nhân vật.

 Bước 3: Tập trung vào các chi tiết miêu tả nhân vật, như: nguồn gốc, ngoại hình, tâm lí, hành động, các mối quan hệ của nhân vật…

Tuỳ từng đoạn trích mà nhân vật được miêu tả có thể về nguồn gốc, ngoại hình; có thể về hành động hoặc có thể về tất cả các yếu tố đó.

Khi tìm hiểu nhân vật Đăm Săn trong “Chiến thắng Mtao Mxây”, giáo

viên đưa ra hệ thống câu hỏi:

CH: Đăm Săn được miêu tả ở những khía cạnh nào? Hãy tìm những chi tiết để chứng minh?

Đăm Săn được miêu tả chủ yếu qua hành động và ngoại hình. - Những chi tiết miêu tả hành động của Đăm Săn là:

+ Đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến + Múa khiên đâm Mtao Mxây

+ Cầu xin ông Trời và đâm chết Mtao Mxây. + Đưa nô lệ ra về và ăn mừng chiến thắng.

- Những chi tiết miêu tả ngoại hình Đăm Săn: Đó là một tù trưởng “đầu đội khăn kép, vai mang nải hoa”; “đôi mắt long lanh như chim ghếch ăn hoa tre”; “bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy”…

Nếu Đăm Săn được miêu tả chủ yếu về hành động thì Ra - ma, Xi - ta lại được tập trung khắc hoạ ở khía cạnh đời sống nội tâm. Vì vậy khi tìm hiểu

hai nhân vật này trong đoạn trích “Ra - ma buộc tội”, giáo viên có thể giúp

học sinh khám phá, tìm hiểu nhân vật qua những câu hỏi:

CH: Hãy tìm những chi tiết miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật Ra - ma và Xi - ta?

- Những chi tiết miêu tả đời sống nội tâm của Ra- ma là:

+ Nỗi đau khi buộc tội Xi - ta: “Lòng Ra - ma đau như dao cắt”.

+ Tâm trạng, thái độ khi Xi - ta bước vào giàn lửa: “Lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần chết vậy”, “Ra - ma vẫn ngồi đó, mắt dán xuống đất”.

- Những chi tiết miêu tả đời sống nội tâm của Xi - ta:

+ Khi Ra - ma gặp nàng trước sự chứng kiến của mọi người, Xi - ta “khiêm nhường đứng trước Ra - ma”.

+ Nghe Ra - ma buộc tội mình, Xi - ta ngạc nhiên, hoảng hốt, đau đớn: “Gia - na - ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ”.

+ Nghe những lời chối bỏ của Ra - ma, Xi - ta “đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát”; “Gia - na - ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình”; “nước mắt nàng đổ ra ra như suối”; “giọng nghẹn ngào, nức nở”…

+ Sau khi dứt lời thanh minh, “Gia - na - ki oà khóc”.

Bên cạnh đó, Xi - ta còn được miêu tả thông qua ngôn ngữ của nàng với chồng, với em ,với chính bản thân mình và với thần linh.

CH: Qua ngôn ngữ của Xi – ta với các nhân vật trong tác phẩm cho thấy Xi – ta là con người như thế nào?

- Ngôn ngữ Xi - ta nói với chồng để thanh minh: “Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của thiếp ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng nhu thế đâu có phải. Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi.”

- Hành động chứng minh sự trong trắng của mình qua ngôn ngữ nói với em: “Hỡi Lắc - ma - na, em hãy chuẩn bị một giàn hoả thiêu. Với nông nỗi đáng buồn hiện nay, đó là phương thức duy nhất cho chị”.

- Chấp nhận dùng cái chết để minh oan qua ngôn ngữ nói với chính bản thân mình: “từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa.”

- Cầu xin thần lửa A - nhi minh chứng và bảo vệ: “Nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra - ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con. Ra - ma đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trong trắng, xin thần A - nhi phù hộ cho con.”

- Dũng cảm bước vào ngọn lửa như “một lễ vật trong lễ tế sinh.” Như vậy, thông qua các chi tiết miêu tả thái độ, hành động của nhân vật, tính cách, phẩm chất của nhân vật đã phần nào được hiện lên.

 Bước 4: Khái quát tổng hợp các mặt đã phân tích về nhân vật để nêu bật tính cách, phẩm chất của nhân vật cũng như ý nghĩa, tác dụng nhận thức, giáo dục thông qua nhân vật đó.

Sau khi phân tích các khía cạnh của nhân vật Đăm Săn, giáo viên nêu câu hỏi khái quát để học sinh nhận xét về nhân vật.

CH: Qua phân tích trên, em thấy Đăm Săn là một con người như thế nào?

Đăm Săn là hiện thân của một tù trưởng giàu mạnh, hùng cường, tài năng trong cuộc chiến đấu vì danh dự, hạnh phúc và sự thịnh vượng của buôn làng. Đó là nhân vật anh hùng sử thi tượng trưng cho khát vọng của toàn thể cộng đồng trong một thời đại, là hiện thân cho lẽ sống cao đẹp của mỗi cá

nhân trong cộng đồng: hi sinh, phấn đấu vì danh dự và hạnh phúc yên vui của cả cộng đồng.

Đối với nhân vật Ra - ma và Xi - ta, giáo viên cũng nêu câu hỏi tương tự.

CH: Em có nhận xét gì về nhân vật Ra - ma và Xi - ta?

Qua việc tìm hiểu thái độ, hành động của Ra - ma và Xi - ta ta thấy Ra - ma là hiện thân của một quân vương mẫu mực, Xi - ta là hình ảnh của một phụ nữ đức hạnh. Đó là ước mơ, khát vọng, quan niệm của người dân ấn Độ cổ về người anh hùng, về đấng quân vương, về người phụ nữ lý tưởng.

Như vậy, trung tâm của các trích đoạn sử thi là nhân vật. Các nhân vật đó đại diện cho sức mạnh, lý tưởng của cộng đồng trong một thời đại lịch sử. Do vậy, nắm được nhân vật là nắm được con đường để đi đến đích của một giờ đọc hiểu tác phẩm văn chương, tức là hiểu được chủ đề, tư tưởng của các trích đoạn sử thi nói riêng và của cả bộ sử thi nói chung.

Một phần của tài liệu Đọc hiểu trích đoạn sử thi chiến thắng mtao mxây và ra ma buộc tội (SGK ngữ văn 10) (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)