Đặc trưng ẩm thực Bắc bộ

Một phần của tài liệu Ẩm thực trong ca dao người việt (Trang 38 - 43)

7. Cấu trúc khoá luận

2.1.1. Đặc trưng ẩm thực Bắc bộ

Dọc theo chiều dài tổ quốc, vùng đất mà ta phải nói đến đầu tiên là miền Bắc. Miền Bắc - cái nôi của những nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc, ẩm thực miền đất này có những nét đặc trưng đầy thú vị. Ẩm thực miền Bắc có vị vừa phải, không quá nồng nhưng lại có mắu sắc sặc sỡ, thường không đậm các vị cay, béo, ngọt, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Các món ăn đậm chất dân dã nhưng lại chứa chan tình cảm.

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương Nhớ ai dãi nắng dầm sương Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

“Canh rau muống” - món “đặc sản” dân dã, quê mùa không thể thiếu

trong bữa cơm mùa hè của người Việt. Lê Quý Đôn cho biết: sách Thảo mộc trang chép: “Rau muống (úng thái) tính lạnh, vị ngọt. Người nước Nam lấy cỏ lau ken làm bè thưa để hở lỗ nhỏ, thả trên mặt nước rồi trồng rau muống lên trên. Khi cây rau đã lớn, ngọn và lá từ lỗ bè mọc lên, theo nước lên xuống. Ấy là một thứ rau lạ của phương Nam” (Vân đài loại ngữ ) [7, 111]. “Thứ rau

lạ” ấy kết hợp với hương vị mặn, ngọt, chua, cay của “cà dầm tương” thì quả thực không món sơn hào hải vị nào có thể sánh được. Những món ăn đạm bạc mà đậm đà phong vị quê hương gợi nên trong lòng những người con xa xứ một nỗi nhớ quê nhà da diết khôn nguôi. Đây có thể coi là món ăn quen thuộc và đặc trưng của làng quê miền Bắc.

Ẩm thực còn gắn liền với ngày lễ tết trong năm. Đến với ngày tết của người miền Bắc ta không thể không nhắc đến các món ăn:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Không phải là những món sơn hào hải vị cao sang, tất cả đều đơn giản nhưng mang đậm hương vị ngày tết quê hương. Chỉ bấy nhiêu thôi mà đã tạo

nên không khí xuân, sắc màu xuân và hương vị xuân. Nó làm cho con người cảm thấy ấm áp hơn trong những ngày đầu năm mới. Dường như, nó cũng đã trở thành nỗi nhớ của người đi xa khi hướng về quê hương trong những ngày đầu xuân. Rõ ràng, ẩm thực không chỉ là ăn uống đơn thuần mà nó đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt.

Còn đây là kinh nghiệm được tổng kết qua bao đời:

Con gà cục tác lá chanh Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.

Ta thấy, bốn thứ gia vị ( lá chanh, hành, riềng, tỏi) phù hợp và cần thiết cho bốn loại thịt (gà, lợn, chó, trâu), thử hỏi mấy người Việt Nam không biết. Nhưng biết rồi mà tại sao khi nghe bài ca dao này nói lại vẫn thích thú và càng nghĩ càng thấy hay? Điều quan trọng là ở nghệ thuật trình bày, thể hiện của tác giả. Ở đây không phải là sự tổng kết kinh nghiệm làm thức ăn một cách khô khan, đơn điệu mà là một sự kể chuyện về các loài vật (gà, lợn, chó, trâu), mỗi con một tính, mỗi con đòi hỏi một món ăn riêng, cách đòi cũng khác nhau, không con nào giống con nào, khiến cho bài ca dao nói về cách chế biến thức ăn trở thành một bài thơ kể chuyện loài vật đặc sắc và hấp dẫn, giống như một chuyện ngụ ngôn hay.

Qua ca dao, ẩm thực còn có vai trò to lớn khi nó thể hiện được nét đẹp tâm hồn của con người. Nói về tình cảm cha mẹ có câu:

Trời mưa cho ướt là dừa Cho tươi liếp cải cho vừa lòng em

Cho em hái đọt rau dền Nấu tô canh hến dâng lên mẹ già

Chỉ với những món ăn đơn giản, dân dã mà người con thể hiện được tấm lòng hiếu thảo của mình đối với bậc sinh thành:

Đói lòng ăn hạt chà là Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

Ông cha ta thật khéo léo khi khai thác nét đẹp tâm hồn con người từ góc nhìn ẩm thực. Qua hành động đó ta thấy được sự kính trọng, lễ phép của người con đối với cha mẹ.

Không chỉ thế, những ngày tháng khó khăn của cuộc sống, tình cảm vợ chồng được gợi lên từ món ăn thanh đạm nhất:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon

“Râu tôm” và “ruột bầu” là hai thứ thường không được sử dụng khi chế biến món ăn. Thế nhưng, trong hoàn cảnh khó khăn, bằng tình cảm gia đình hạnh phúc, món canh tôm nấu với ruột bầu lại thật ngon bởi nó nói lên được tình cảm vợ chồng ấm áp. Phải chăng, món ăn ấy chính là món ăn của sự hạnh phúc, tình cảm yêu thương đã đưa con người đến gần nhau hơn.

Cá rô, canh cải nấu gừng Ăn thì ăn chớ xin đừng mỉa mai

Đó là cách nấu thêm gừng để nước canh cải đậm đà hơn, ấm bụng và cũng bớt đi mùi tanh cá, được ưa chuộng ở miền Bắc, có nét rất riêng không lẫn vào đâu được. Miền Bắc cũng có món canh cá trê nấu dưa muối rất quyến rũ, đến nỗi:

Chồng chê thì mặc chồng chê Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ

Những ruộng rau cần là một nét đẹp của vùng quê miền Bắc, là niềm ao ước của các bậc sinh thành, mong sao khi tuổi già xế bóng có con cháu quây quần bên cạnh:

Có con mà gả chồng gần Có bát canh cần,nó cũng đem cho

Và món ăn dân dã cũng là đối tượng để người phụ nữ Việt Nam thể hiện sự khôn khéo của mình trong cách cư xử với chồng:

Chàng ơi giận thiếp mà chi

Thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng

Thiếp chỉ như cơm nguội nhưng sẽ có lúc chàng cần đến thiếp. Và thiếp sẽ làm ấm lòng chàng những lúc chàng cần sự quan tâm, sẻ chia. Phải chăng, đó là lời nhắn gửi mà người phụ nữ muốn gửi gắm đến người chồng của mình?

Không chỉ nói về tình cảm gia đình, qua ẩm thực, tình cảm lứa đôi cũng được thể hiện một cách sâu sắc.

Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Và cũng thật thâm thuý khi nói với nhau rằng:

Rủ nhau xuống biển mò cua Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

Em ơi, chua ngọt đã từng

Non xanh nước biếc xin đừng quên nhau

Vị chua ngọt của những món ăn dân dã sẽ là sợi dây tình cảm gắn kết anh và em.

Như vậy, có thể nói, ẩm thực miền Bắc trong ca dao thường là những món ăn thanh đạm nhưng qua đó thể hiện biết bao những cung bậc tình cảm của con người. Ẩm thực ở đây đã biểu hiện những nét văn hoá của con người. Đó là tình cảm giữa người với người, tình yêu quê hương, dân tộc.

Một phần của tài liệu Ẩm thực trong ca dao người việt (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)