Nhân vật huyền thoại

Một phần của tài liệu Dấu ấn cái phi lí của văn học Phương Tây trong tiểu thuyết Thiên sứ của Phạm Thị Hoài (Trang 53 - 70)

7. Cấu trúc của khóa luận

2.2.4. Nhân vật huyền thoại

Nhân vật là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học”.

Nhưng đó không phải là con người thực ngoài đời, được mô phỏng y nguyên mà là kết quả sáng tạo của nhà văn. Trong văn học, thế giới nhân vật được biểu hiện rất phong phú. Đó có thể là ma quỉ, thiên thần, có thể là con người, đồ vật. Nhưng chung qui lại thế giới nhân vật trong tác phẩm bao giờ cũng thể hiện đời sống đa dạng của con người. Với văn học sau năm 1975, đặc biệt là văn học sau năm 1986, nhân vật văn học đã có nhiều thay đổi: nhân vật không nằm trong thế khép kín và được định sẵn về số phận mà luôn mang tính bất ngờ. Trong tư duy nghệ thuật hiện đại, nhân vật có những thay đổi về cấu trúc mà tiêu biểu nhất là sự phân rã về tính cách. Khi mà nguyên tắc điển hình hóa không còn ám ảnh nhà văn thì chức năng của nhân vật cũng thay đổi. Nhiều khi nhân vật hiện lên như một trạng thái đời sống, một dòng chảy tư tưởng, một tiếng nói hay một cái nhìn. Không bằng lòng với những nguyên tắc xây dựng nhân vật phân tuyến trước đây (mà thực chất là đơn tuyến), Phạm Thị Hoài cũng như những nhà văn sau 1986 đặc biệt có ý thức tạo nên sự “lạ hóa” trong xây dựng nhân vật. Theo đó, nhân vật trong tiểu thuyết thời kì này có nhiều điểm khác biệt so với nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống về cấu trúc và chức năng. Để biểu đạt sự đa tạp và nhiều chiều của đời sống, nhiều nhà văn đã xây dựng kiểu nhân vật huyền thoại hoặc mang dáng dấp của những huyền thoại (cũng có khi chỉ là mảnh vỡ của các huyền thoại). Đây

Ngô Mai Liên K33A – Ngữ Văn 58

chính là sự học tập nghệ thuật xây dựng nhân vật của văn học hậu hiện đại vào văn học Việt Nam đương đại mà Thiên sứ là một điển hình.

Trong Thiên sứ cũng như nhiều tác phẩm khác, Phạm Thị Hoài thường tìm cách đặt lại tên hoặc không gọi tên nhân vật để tạo ra những hình tượng lạ hóa. Thông thường, mỗi nhân vật thường có một cái tên. Tên là dấu hiệu danh tính của cá nhân. Ngoài cái tên, nhân vật còn được giới thiệu bằng nghề nghiệp, địa vị. Với Thiên sứ, Phạm Thị Hoài đã đặt lại tên cho nhân vật. Trong tiểu thuyết này, chỉ có một số ít nhân vật được gọi tên đích danh, rõ ràng – những nhân vật có liên quan mật thiết đến cô bé Hoài: chị Hằng, anh Hạc, anh Hùng, Quang lùn, thầy Hoàng. Còn lại các nhân vật khác thì Phạm Thị Hoài lựa chọn cách gọi tên khác theo cách gọi tên nhân vật của văn học phi lí. Đó là kiểu nhân vật bị đánh số. Đọc Thiên sứ, ta thấy nhân vật cũng được hình dung thành hai nhóm mô hình (mô hình I và mô hình II) hoặc có các kiểu người homo A và homo Z. Nhân vật được xác định ở mức tối thiểu nhất có thể. Tác giả đã cố ý xóa bỏ dấu hiệu nhận biết, hầu hết các nhân vật đều không có tên, chúng thường được gọi bằng đại từ nhân xưng hay đại từ quan hệ. Xóa tên gọi cũ, bỏ qua mọi đăc điểm về phẩm hạnh, ngoại hình và địa vị xã hội, phân loại, đặt lại tên cho các hạng người là trò chơi chủ yếu trong Thiên sứ: “Mười lăm năm trời, bao nhiêu người đã đi qua bảng phân loại của tôi? Họ là ai, nghề nghiệp, tuổi tác, đẹp xấu, gầy béo, công dân hay ngoài vòng pháp luật, trinh tiết hay đã qua đủ cám dỗ, sống vững vàng bằng hai chân trên mặt đất hay phiêu diêu tận đẩu tận đâu, đạo tặc hay hiền nhân, nhóm máu này hay nhóm máu khác… tất cả không đáng kể” [16 - tr.89]. Hay “Ngày hai lần, tôi nghiên cứu những gương mặt, những dáng người ào đến, mất hút, hoặc ào đi, mất hút, trong và ngoài cánh cửa ấy. Đến bây giờ, tôi vẫn trung thành với bảng phân loại giá trị của mình về loài người. Chỉ có hai loại” [16 - tr.89]. Thậm chí, với ngôi nhà, tác giả cũng gọi nó bằng cụm từ “bốn

Ngô Mai Liên K33A – Ngữ Văn 59

trăm ô vuông nâu”. Cái thế giới hỗn mang ấy tạo một cảm giác một kiểu địa ngục biến dạng và những con người trong thế giới ấy đang gánh lấy hình phạt của chính mình. Độc giả còn bắt gặp sự gần gũi giữa nhân vật nhà thơ Ph., homo A, homo Z… với Josef K. trong Vụ án hay K. trong Lâu đài của Kafka. Đó đều là những nhân vật được gọi tên bằng cách viết tắt chữ cái đầu. Với những cái tên viết tắt ấy, chúng ta có thể hiểu nhân vật đó là bất cứ ai, bất cứ con người nào trên thế giới này. Tình trạng tha hóa, khước từ lối sống cộng đồng xã hội và tâm trạng cô đơn… chính là điểm chung của cả một lớp người trong thời đại bấy giờ.

Bên cạnh cách gọi tên nhân vật bằng chữ cái viết tắt, Phạm Thị Hoài còn sử dụng cách gọi tên nhân vật bằng chức danh nghề nghiệp – tức vai xã hội. Đây cũng là một đặc điểm quen thuộc của nghệ thuật xây dựng nhân vật trong các sáng tác của văn học phi lí. Có thể bắt gặp trong Thiên sứ một loạt các nhân vật kiểu dạng như vậy: anh nhân viên bộ ngoại giao (chồng chị Hằng), anh kĩ sư trồng vườn, anh chuyên gia hối đoái và thị trường, chàng bác sĩ phẫu thuật, chàng phó tiến sĩ khoa học lịch sử, chàng nhân viên ngành xây dựng, anh kiến trúc sư (những người đến cầu hôn chị Hằng); anh chàng bán vé số, vợ anh chàng bán vé số hay anh chàng bơm xe đạp trước cổng nhà máy bia rượu, cô vũ nữ. Tất cả những nhân vật ấy đều được Phạm Thị Hoài gọi tên bằng nghề nghiệp, chức vụ. Đây chính là cách gọi tên nhân vật quen thuộc của các nhà văn phi lí, góp phần làm gia tăng yếu tố khác thường ở các nhân vật và tạo ra sự lạ hóa. Trong Vụ án của Kafka có bảy lăm nhân vật. Trong số đó có năm mươi bảy nhân vật không được gọi đích danh bằng tên riêng cụ thể mà tác giả dùng vai xã hội để gọi, chẳng hạn như: Ông linh mục, kĩ nghệ gia, viên thẩm phán, giám đốc ngân hàng… Không đặt tên cho nhân vật, xóa bỏ dấu hiệu nhận biết trên bình diện tâm lí, nhà văn đã buộc người đọc tiếp xúc

Ngô Mai Liên K33A – Ngữ Văn 60

với hình tượng bằng điểm nhìn từ phía bên ngoài, nhà văn làm cho hình tượng lúc nào cũng là một đối tượng xa lạ với độc giả.

Phạm Thị Hoài cũng học tập Franz Kafka trong việc láy tên nhân vật với tên của chính mình. Cách gọi tên nhân vật K. trong Lâu đài, Josef K. trong Vụ án láy chữ cái đầu trong tên tác giả. Còn Gregor Samsa trong Biến dạng lại là sự láy vần tên tác giả. Có thể thấy được sự tương đồng trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài. Nhân vật chính trong tác phẩm được đặt tên trùng với tên của nhà văn. Đây có lẽ cũng là một dụng ý trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Phạm Thị Hoài.

Dấu ấn cái phi lí trong nghệ thuật xây dựng nhân vật còn được thể hiện ở một phương diện khác trong Thiên sứ - đó là sự xuất hiện của kiểu nhân vật “phản truyền thống”. Đó là kiểu nhân vật không được xây dựng rõ nét về số phận, biến cố cuộc đời, nhân vật bị hủy hoại tính cách.

Alain Robbe – Grillet – nhà lí luận của tiểu thuyết Mới đã nói rất hay về nhân vật theo quan điểm truyền thống: “Một nhân vật phải có tên riêng, và tên đúp nếu có thể: họ và tên. Nó phải có cha mẹ, có một lai lịch. Nó phải có một nghề nghiệp. Nếu nó có tài sản thì càng tốt. Sau rốt, nó phải có một “tính cách”, một gương mặt phản ánh tính cách đó, một quá khứ nặn đắp lên tính cách đó và gương mặt đó. Tính cách của nhân vật xui khiến các hành động của nó, làm cho nó phản ứng với mỗi sự kiện theo cách đã định. Tính cách của nhân vật cho theo người đọc đánh giá, yêu hay ghét nhân vật đó. Nhờ tính cách này mà một ngày nào đó nhân vật để lại tên mình cho một típ người, sẽ được khẳng định” [dẫn theo 27 - tr.56].

Đọc Thiên sứ, ta thấy tác giả không quá chú ý đến sự hoàn chỉnh của tính cách vì bản thân cuộc sống đã hàm chứa bao điều bất định. Nhân vật không hiện lên với tính cách điển hình mà hiện lên với những dòng suy tư đứt nối, những mảnh ghép tâm trạng, những ám ảnh vô thức trong nhiều tình

Ngô Mai Liên K33A – Ngữ Văn 61

huống khác nhau. Chân dung cô bé Hoài hiện lên trong dòng ý thức của nhân vật. Cuộc đời và bi kịch chị Hằng lại hiện lên chủ yếu qua những trang nhật kí chất chứa bao nỗi niềm tâm trạng. Khép lại tác phẩm là sự hóa thân tính cách của cô bé Hoài – từ chú vịt con xấu xí thành người đàn bà xinh đẹp. Song số phận của nhân vật vẫn chưa được rõ ràng. Nhân vật phản truyền thống, bị hủy hoại tính cách chính là đặc điểm lớn mà độc giả bắt gặp trong Lâu đài hay Nữ ca sĩ hói đầu.

Một thủ pháp đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng nhân vật chịu ảnh hưởng của văn học phi lí trong Thiên sứ là việc sử dụng yếu tố huyền thoại tạo nên kiểu nhân vật huyền thoại. Phạm Thị Hoài đã sử dụng huyền thoại, tái tạo lại các huyền thoại bằng cách trao cho chúng những chức năng mới trong cấu trúc nghệ thuật của mình.

Chương III “Bé Hon” đậm đặc yếu tố cổ tích. Nhân vật bé Hon được xây dựng trên cơ sở các huyền thoại cổ xưa. Điều này trước hết được thể hiện ở sự thụ thai kì lạ của bà mẹ và nguồn gốc của bé Hon: “Bé Hon ra đời khi mẹ tôi tưởng còn không sinh nở được nữa. Một bữa không hiểu sao cả dây quần áo nhà phơi bỏ quên qua đêm ngoài trời. Kỳ lạ chỉ riêng bộ đồ lót của mẹ đẫm sương và loang lổ vết tựa như chàm” [16 – tr.93]. Và “không lâu sau mẹ mang thai” [16 - tr.93]. Độc giả có thể nhận thấy trong chi tiết này hình bóng của nhiều huyền thoại Đông – Tây. Sự ra đời của bé Hon mang đậm dáng dấp sự ra đời của Đức chúa Giêsu hay Thánh Gióng. Bé Hon không ra đời bình thường giống như những đứa trẻ khác. Bé Hon là kết quả của sự thụ thai rất đỗi kì lạ. Bé hiện lên trong tác phẩm cũng đặc biệt. Phạm Thị Hoài không đi sâu miêu tả đời sống nội tâm, tính cách của bé mà tập trung xây dựng nhân vật như nhân vật chức năng. Bé Hon hiện lên với chức năng cứu rỗi, ban phát tình yêu thương cho con người. Với nụ cười thiên thần và lời thỏ thẻ “Thơm nào”, bé Hon mang tình nhân ái đến cho mọi người, trước hết là đến với

Ngô Mai Liên K33A – Ngữ Văn 62

những thành viên trong gia đình nhỏ bé. Bé Hon đã đem lại sự thay đổi lớn. Anh Hạc – người ngỗ ngược nhất trong gia đình luôn dậy sớm để được đón nhận nụ cười diệu kì của bé như một món quà tuyệt vời cho ngày mới. Ngỡ tưởng bé Hon đã thực hiện được chức năng cứu rỗi của mình nhưng cuối cùng lại là sự thất bại. Thiên sứ bị mọi người ruồng bỏ. Nụ cười ấm áp và tình yêu thương của bé đã gặp phải sự ghẻ lạnh từ chính những người thân yêu của bé. Bé Hon không tìm được một vị trí cho dù là nhỏ nhất trong thế giới tha hóa và vô cảm này. Hầu hết mọi người trong gia đình đều xa lánh và hắt hủi bé. Có lúc bố tức giận:“Cười cái gì! Có cái gì mà cười! Ai cười với mày!” [16 – tr.94]. Có lúc mẹ quát bé nặng lời:“Ra chỗ khác, thơm với tho gì,không kịp mở mắt đây này!” [16 – tr.95]. Còn anh Hạc – người từng yêu mến bé Hon cũng thốt ra những lời thậm tệ: “anh gạt phắt nó sang bên, lầu bầu: Cút!” [16 – tr.95]. Thiên sứ tìm mọi cách thân thiện với mọi người nhưng thật đáng buồn vì chẳng ai thèm quan tâm đến nó. Ngay cả khi bé Hon trở về thiên đường xa xôi, cả nhà cũng đâu có biết gì: “Hôm sau bé Hon không dậy nữa. Cả nhà bận bịu với buổi liên hoan tiễn đưa anh tôi lên đường, chẳng ai để mắt đến nó.” [16 – tr.95]. Bé Hon ra đi, mọi người không quá xót thương đau đớn. Mẹ chỉ đưa ra lời nhận xét: “Sau này, mẹ bảo: Tôi ngó vào, tưởng nó ngủ. Ngủ mà vẫn cười cơ chứ.” [16 – tr.95]. Còn bố buông một câu nói thật vô tình: “Thôi thì của thiên trả địa.” [16 – tr.96]. Bố mẹ - những người thân yêu, ruột thịt nhất của bé Hon đã hóa thành những cái máy vô hồn. Họ hoàn toàn vô cảm trước sự ra đi của đứa con thơ dại. Bố mẹ cũng như anh Hạc chính là những hình ảnh chung cho lớp người thiển cận, ngốc nghếch khi họ không nhận ra quà tặng mà chúa trời ban phát cho con người – tình yêu thương và lòng nhân ái. Hình phạt nặng nề cho sự tha hóa, đánh mất cảm xúc ấy chính là những tiếng chửi rủa, chì chiết của bố mẹ sau mỗi cơn mưa dột lên mái nhà xơ xác, là cuộc sống gia đình không có hạnh phúc và niềm vui. Con người

Ngô Mai Liên K33A – Ngữ Văn 63

đánh mất đi tình yêu thì làm sao có được những điều tốt đẹp trong đời sống tinh thần. Họ dằn vặt nhau và luôn khốn khổ trong bi kịch. Thiên sứ đã ghé trần gian trong một khoảng thời gian ngắn ngủi vì cái thế giới vô hồn ấy không có chỗ cho sự xuất hiện của bé. Thiên sứ diệu kì ấy là sự chết yểu của tình yêu trong một thế giới chạy theo đồng tiền và bao điều phù phiếm. Lắng lại trong suy nghĩ độc giả là niềm xót xa vô hạn: “Tới phút chót, cặp môi đòi vô tận những cái hôn của bé vẫn chói rực như hai mảnh than hồng rơi lạc giữa trần gian u ám, lạnh lùng” [16 – tr.96].

Nhân vật Quang lùn trong tác phẩm này cũng là một nhân vật huyền thoại được Phạm Thị Hoài xây dựng thành công. Quang lùn xuất hiện chủ yếu trong chương tám (“Mô hình I”) của cuốn tiểu thuyết. Là một chàng thanh niên hai mươi mốt tuổi, song Quang lùn lại có một vẻ bề ngoài rất đỗi trẻ thơ: “Một mét hai mươi sáu phân chiều dài sinh học, đóng khung trong chiếc áo len cổ lọ màu xanh ra trời, chiếc quần vàng nhạt, hai ống là thẳng tắp như hai cây cột bất động.” [16 – tr.111]. Hay“Mười lăm tuổi, mười bảy, rồi hai mươi, giờ đây ba mươi mốt tuổi, anh ta vẫn chỉ nhỉnh hơn cậu bé lên mười đôi chút, cân đối, với đầy đủ các bộ phận cơ thể công khai và không công khai, một ông hoàng pic mê chính cống. Cả gương mặt ác nỗi cũng không chịu già theo tuổi tác, tròn trĩnh, nhẵn nhụi, nhạo báng thời gian.” [16 - tr.112]. Ngoại hình của Quang lùn làm ta liên tưởng đến những cậu bé tí hon trong các câu chuyện cổ tích. Thay đổi chiều kích nhân vật là một trong những cách để xây dựng nhân vật huyền thoại theo nguyên tắc lạ hóa.

Trong giai đoạn văn học 1945 – 1975, các nhân vật hiện lên là nhân vật đơn nhất, nguyên phiến. Trong khi đó, nhân vật Quang lùn lại tiêu biểu cho loại nhân vật đa diện, phản sử thi – một kiểu nhân vật mới của văn học hiện đại và hậu hiện đại. Bản thân nhân vật này tồn tại cả mặt hay và chưa hay, hình thức bề ngoài và nội tâm bên trong hoàn toàn mâu thuẫn. Tuy vẻ ngoài

Ngô Mai Liên K33A – Ngữ Văn 64

bé nhỏ đến tội nghiệp nhưng Quang lùn lại có một ý chí phi thường. Quá trình luyện tập kiên trì, bền bỉ để thay đổi vóc dáng cơ thể cũng như quá trình phấn đấu, học tập nhằm trở thành một chàng trai tài giỏi là minh chứng xác thực cho nghị lực của nhân vật này. Rõ ràng, ngoại hình bên ngoài và vẻ đẹp tiềm

Một phần của tài liệu Dấu ấn cái phi lí của văn học Phương Tây trong tiểu thuyết Thiên sứ của Phạm Thị Hoài (Trang 53 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)