7. Cấu trúc của khóa luận
3.1.2. Biểu tượng “ngôi từ đường họ Nguyễn”
Hình ảnh “ngôi từ đường họ Nguyễn” mọc lên khang trang giữa làng Đông luôn là niềm tự hào của con cháu trong dòng tộc bao đời “Ba gian từ đường có hai hàng cột cái và hai hàng cột con, cả thảy là mười sáu cột. Những chiếc cột lim to một ôm đẫy cứ đen bóng lên. Các chân cột đặt đá tảng xanh, nổi vân trắng, nền từ đường lát đá đỏ, ngoài thềm lát đá xanh. Gian hậu cung cuốn bằng gạch chỉ vữa trộn mật với vôi, cát rắn như đá. Trên bệ thờ là những con rồng đắp bằng vữa, sơn son, thếp vàng rực rỡ. Cỗ ngai đặt ở giữa bệ thờ, có bát hương to lúc nào cũng tỏa khói thơm ngát” [8, 23 - 24]. Qua “ngôi từ đường họ Nguyễn” và những ngày giỗ tổ hàng năm được các vị trưởng nam, con cháu trong họ tổ chức linh đình, chúng ta thấy được đời sống tâm linh, quan hệ họ hàng ở nông thôn được giữ gìn, bảo tồn, nối tiếp qua các thế hệ. Đây là một nép đẹp văn hóa đáng trân trọng, tuy nhiên, hình ảnh ngôi từ đường họ Nguyễn được Dương Hướng sử dụng ở đây với một dụng ý nghệ thuật khác. Nó là hiện thân cho biết bao nhiêu thiên kiến cổ hủ, lạc hậu của một bộ phận người trong dòng tộc đã gây ra bao đau xót, bi kịch cho con cháu đời sau. Nó khiến cho Nguyễn Vạn và chị Nhân không thể đến được với nhau, Nghĩa và Hạnh luôn phải sống trong day dứt, khổ đau.... Vấn đề tâm linh đè nặng lên suy nghĩ, tâm hồn mỗi con người. Điều đó, khiến cho làng Đông nhỏ bé ấy không hề bình yên, cuộc sống con người luôn bị khuấy đảo, bất an.