Đời sống nông thôn với nhiều hủ tục nặng nề

Một phần của tài liệu Hiện thực đời sống và thân phận con người trong tiểu thuyết bến không chồng của dương hướng (Trang 26)

7. Cấu trúc của khóa luận

2.1.2. Đời sống nông thôn với nhiều hủ tục nặng nề

Trong tiểu thuyết Bến không chồng nhà văn Dương Hướng tái hiện lại đầy đủ bộ mặt của nông thôn miền Bắc thời hậu chiến với đủ những gam màu sáng, tối. Đặc biệt, nhà văn người Thái Bình ấy còn khắc họa thành công những hủ tục, tập tục lạc hậu của con người trong đêm trước Đổi mới.

2.1.2.1. Một nông thôn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ

Ở làng Đông, quan niệm trọng nam, khinh nữ được thể hiện ngay trong việc phân chia khu vực tắm trên bến Tình đã rõ ràng từ bao đời: “Đoạn cuối nước dành cho trẻ và trâu, đoạn giữa là dành cho đàn bà con gái, đoạn trên đầu nước ưu tiên cho cánh đàn ông. Đàn ông phải tắm ở đầu nước thì không sợ đàn bà bẩn mình” [8, 13]. Đàn bà, con gái luôn bị lép vế họ không có tiếng nói, không có quyền bình đẳng với “cánh đàn ông”. Ta làm sao quên được trong cuộc nói chuyện giữa các cụ trong dòng họ Nguyễn khi ông Khiên vừa qua đời. Những người tham gia góp ý kiến đều là nam giới, là các cụ ông. Dâu thẳng thắn, dũng cảm đứng lên phát biểu quan điểm của mình. Hành động ấy khiến cho Hạnh kinh hãi, van xin “Dâu! Tao van mày đừng có động vào các cụ” [8, 116], chú Xeng thì dọa dẫm “Mày hãy bỏ thói ngông cuồng đi” [8, 117]. Họ trọng nam nên trong họ mạc người đảm nhiệm cương vị trưởng tộc luôn là nam giới. Quan niệm này đã chi phối, ảnh hưởng tới cuộc sống, số phận của biết bao con người trong ngôi làng bé nhỏ ấy. Vì nó mà Nghĩa luôn day dứt giữa tình yêu và dòng tộc, Hạnh phải chịu bao cay đắng và oan ức còn Thủy thì đau khổ khi không có con trai để nối dõi tông đường cho dòng họ Nguyễn.

2.1.2.2.Một nông thôn với mối thâm thù gia tộc

Mối thù gia tộc, dòng họ được thể hiện cụ thể qua lời nguyền của cụ tổ họ Nguyễn với dòng họ Vũ. Bắt đầu từ câu chuyện đau lòng trên bến Tình,

“Đúng vào cái ngày họ Nguyễn ăn mừng lễ khánh thành ngôi từ đường to nhất làng Đông, cô con gái rượu duy nhất của cụ tổ họ Nguyễn tối hôm ấy bỗng nhiên lại hỡn mỡ mò ra bến Tình tắm. Cô gái đâu có biết trên đầu bến cũng có chàng trai họ Vũ đang tắm, sự gợi cảm của dòng nước bến Tình và cái thân thể tuyệt vời của cô gái đã làm chàng trai nổi loạn. Anh ta lặn một hơi dài chưa từng có đến ôm ghì lấy tấm thân mềm mại, mát lạnh của cô gái. Cô gái ngất xỉu trong vòng tay chàng trai. Thân thể đầy dục vọng của chàng trai, cô gái lại ngỡ là ba ba, thuồng luồng hay con ma mặt đỏ ở gốc ruối mò tới hiếp mình. Sáng hôm sau người ta thấy xác của cô gái trần truồng nổi dềnh ở chân cầu Đá Bạc” [8, 14]. Cái chết của cô gái rượu chắc chắn đã khiến cụ tổ họ Nguyễn đau lòng và dòng họ Nguyễn căm phẫn chàng trai họ Vũ. Để trả thù cho con gái của dòng tộc thì “Ngày hôm ấy ở làng Đông đã diễn ra một cuộc đổ máu chưa từng có giữa hai dòng họ Nguyễn và họ Vũ” [8, 14]. Không chỉ dừng lại ở đó, cụ tổ họ Nguyễn đã truyền cho con cháu họ Nguyễn lời nguyền độc đối với họ Vũ “Nước sông Đình ngàn năm không cạn – cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ – bến Tình còn đẹp còn mơ – mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi”

[8, 14]. Từ bao đời nay, lời nguyền độc ấy đã thấm vào não cân và huyết quản của con cháu họ Nguyễn. Chính thì thế mà “Bao nhiêu năm nay thanh niên làng Đông cứ phải đi mò sang làng khác lấy vợ. Gái làng Đông ta từ xưa đến nay nết na mà cứ phải khăn gói đi làm dâu thiên hạ” [8, 85]. Họ không thể lấy nhau cũng bởi vì có mối thù truyền kiếp của dòng tộc.

Nguyễn Vạn, người lính Điện Biên, người lính cụ Hồ kiên trung ấy không bao giờ khuất phục trước làn tên, mũi đạn của kẻ thù nơi sa trường nhưng lại gục ngã, bị khuất phục bởi lời nguyền độc của dòng họ. Chính lời

nguyền đó đã cướp đi ở Vạn tình yêu thiêng liêng nhất – tình yêu với chị Nhân. Họ tộc quy tội Vạn khi Vạn yêu thương chị Nhân: “Họ bảo họ Nguyễn đến ngày mạt vận. Đã thấy nhục chưa? Mạt vận từ ngày thằng Vạn tí tớn với mẹ con Hạnh nên từ đường họ mới bốc cháy đùng đùng, thằng Xeng, thằng Xình mới bị chết oan, ông nhà ta mới bị điên khùng thế” [8, 131]. Nhưng họ không biết rằng “dòng họ Nguyễn mạt vận” chính là do những mâu thuẫn nội tại bên trong kìm thúc. Từ khi cụ Nghiên, ông Khiên mất đi, cả họ như rắn mất đầu. Họ tranh nhau ngôi từ đường, tranh nhau chức trưởng nam, mạt sát, đay nghiến nhau bằng những lời lẽ thô tục. Cuối cùng, mọi người đều vỡ lẽ, ngôi từ đường cháy không phải là do tình cảm của chú Vạn mà là do ông Xung: “Còn tao, tao có tội, tuy chẳng ai biết tao có tội nhưng tao biết rõ là tao có tội. Mày biết tội gì không? Tội đốt từ đường! Chính tao đã đốt từ đường họ - Ông Xung bỗng tu lên khóc” [8, 204]. Chính ông Xung là người đốt từ đường nhưng chú Xeng lại một mực gán ghép cho Nguyễn Vạn đã xúc phạm đến lời nguyền của cụ tổ. Lời nguyền cay độc từ ngàn đời luôn ám ảnh, khắc ghi trong tâm can mỗi người trong dòng họ Nguyễn. Nó đã xé nát tình yêu lúc xế chiều mà chú Vạn và chị Nhân dành cho nhau. Lúc nào Vạn cũng nơm nớp một nỗi lo: “Vạn lo mỗi điều lỡ có ai trong họ lại hỏi về quan hệ của mình với gia đình chị Nhân. Chuyện này thì Vạn cũng không hiểu chính lòng mình. Vạn thương lũ trẻ, thương con Hạnh hay thương chính mẹ của chúng?” [8, 30 - 31]. Cuối cùng, trong thẳm sâu người lính Điện Biên ấy đã lựa chọn dòng tộc mình và không dám bước vào cánh cửa của hạnh phúc với chị Nhân.

Lời nguyền của cụ tổ không chừa bất cứ ai là con cháu trong dòng họ Nguyễn. Ông bà Khiên (bố mẹ Nghĩa) bàng hoàng, kinh hãi bởi tình yêu “tày trời” mà đôi trẻ Nghĩa và Hạnh dành cho nhau. “Bà Khiên mở mắt thao láo nhìn con trai rồi nhìn Hạnh. Ông Khiên đang kéo dở hơi thuốc lào bỗng ho

sặc sụa” [8, 75]. Họ phản đối kịch liệt tình yêu tội lỗi ấy. Với ông Khiên, Nghĩa lấy Hạnh về làm vợ chẳng khác nào “rước voi về dày mả tổ” [8, 76].

Nhưng vượt lên trên tất cả, đôi trẻ vẫn đến với nhau và quyết định làm đám cưới “như thể trêu tức hai họ” [8, 77]. Đám cưới ấy diễn ra ở “nhà kho hợp tác xã” [8, 77]. Vì họ dám chống lại, bước qua lời nguyền của cụ tổ nên cả họ không ai tới dự, những bậc cha mẹ, cô, dì, chú bác cũng chẳng ai dám đến. Kết thúc đám cưới, cả hai vợ chồng không dám về nhà. Họ dẫn nhau ra bến Tình bởi: “cũng chẳng còn nơi nào ngoài cái bến nước. Cả thế giới, không cặp vợ chồng nào lại có đêm tân hôn như Hạnh và Nghĩa” [8, 78]. Kết cục của cuộc “vượt rào”, bước qua lời nguyền là những tháng ngày Nghĩa và Hạnh phải vụng trộm, lén lút gặp nhau như “một đôi tình nhân” ở bến Tình. Tình yêu của họ dành cho nhau sâu đậm biết bao nhiêu nhưng cũng chỉ có những người ngoài tộc, những ông sao, và màn đêm se lạnh làm chứng mà thôi. Điều này, khiến bạn đọc cảm thông cho nỗi bất hạnh, đau khổ của hai vợ chồng. Qua đây, Dương Hướng đã dự báo kết cục của tình yêu ấy rồi cũng sẽ phải trải qua bao sóng gió, gian truân.

Bản chất người nông dân Việt Nam từ xưa đến nay luôn hiền lành, thuần phát nhưng khi họ đã mang một mối hận nào đó thì nghĩa là họ sẽ nô lệ cho nó suốt đời, hơn thế nữa họ còn truyền lại cho con cháu, giam cầm con cháu trong xiềng xích vô hình đó. Ở đây cũng vậy, lời nguyền của cụ tổ họ Nguyễn từ ngàn xưa luôn ám ảnh con cháu, hướng con cháu theo lời nguyền độc đó. Họ luận tội chú Vạn có tình cảm với bà Nhân, nguyền rủa, đay nghiến tình yêu của Hạnh và Nghĩa bằng những lời cay độc: “Đấy rồi bà con xem, cụ tổ sẽ trừng trị nó. Nó rước kẻ thù về làm vợ. Nó làm điều ác, gia đình nó sẽ tuyệt tự. Con Hạnh sẽ chẳng bao giờ có con” [8, 237 - 238]. Con người luôn tự làm khổ nhau, làm tổn thương nhau chỉ bởi những mâu thuẫn của thế hệ trước. Ta làm sao quên được những lời lấy khẩu cung của lão Kình trong Trần

gian đời người của Dương Hướng. Lão ta ngày ngày tra tấn đứa cháu sau bữa cơm chiều, cốt để người cháu khắc ghi vào tâm não mối thù sinh tử: “

- Bức ! – lão Kình cất giọng rõ oai.

- Dạ !

- Ai là người đẻ ra bố mày ?

- Bẩm ông ạ, ông là người đẻ ra bố con

- Ai là người đẻ ra mày ?

- Dạ bẩm ông bố mẹ con ạ

- Bố mày là người thế nào ?

- Bẩm ông bố con là người vô cùng tốt bụng ạ

- Thế bố mày đâu rồi ?

- Bẩm bố con chết rồi ạ

- Tại sao bố mày lại chết

- Bẩm ông bố con bị treo cổ chết ạ

- Đứa nào treo cổ bố mày ?

- Bẩm ông tay Lưỡng, tay Học, tay Bấc

- Tay Lưỡng là tay nào ?

- Bẩm ông là bố con Nga

- Con Nga là ai ?

- Bẩm ông là vợ con

- Ai trị tội nó

- Bẩm ông, con ạ” [7, 154]

Những câu hỏi lặp đi lặp lại ấy như những nhát dao khắc vào trí não của Bức. Nó cướp đi sự bình yên, hạnh phúc trong gia đình lão Kình. Nó làm Bức đau đớn đến tột cùng.

2.1.2.3. Một nông thôn với những định kiến nặng nề

Dư luận và định kiến xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc và quyết định đến tính cách, số phận của các nhân vật trong Bến không chồng.

Đầu tiên, đó là nhân vật Nguyễn Vạn, một người luôn trung thành với Tổ quốc, một người lính cụ Hồ, luôn sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc. Những tưởng, bước ra khỏi cuộc kháng chiến trở về với cuộc đời, Vạn sẽ được hưởng hạnh phúc. Nhưng không! Vạn đau khổ, tự tay bóp chết tình yêu của mình với chị Nhân: “Vạn run run đưa tay nắm lấy bàn tay con Hạnh – chú đây cũng có thời yêu mẹ cháu. Nếu mà chú không vững vàng giữ mình thì bây giờ cũng đã mất mát hết cả” [8, 69]. Vì sao Vạn lại có suy nghĩ như vậy? Bởi Vạn biết búa rìu dư luận sẽ không buông tha cho tình yêu của họ. Làm sao một người lính Điện Biên – người vẻ vang nhất làng Đông, người lính hào hùng của một thời lửa cháy lại có thể lấy người vợ của đồng đội mình – vợ liệt sĩ? Cả hai con người luống tuổi này nếu đến với nhau thì dư luận làng Đông sẽ như thế nào? Đấy là còn chưa kể cả hai người đứng ở hai bờ vực khác nhau của hai dòng họ Nguyễn – Vũ truyền đời thù oán.

Tình yêu của hai người không đủ sức mạnh để đương đầu với bão tố nơi miệng đời. Chính vì thế, cho dù cả hai người có những giây phút không làm chủ được bản thân, lí trí bị con tim đánh bại thì họ lại vội vàng tỉnh giấc, không dám liều lĩnh bước qua dư luận: “Toàn thân chị run rẩy ôm xiết lấy chú Vạn (…) Chị thấy hai bàn tay chú Vạn lướt nhẹ lên khắp cơ thể chị. Đã tưởng cái cơ thể chị nguội lạnh lâu nay, giờ bỗng cháy bùng lên rạo rực. Chị thở hổn hển giãy giụa khỏi vòng tay chú Vạn. Bất chợt cả hai người đều vùng dậy hoảng hốt nhảy ra khỏi giường” [8, 151].

Mụ Hơn là vợ của Công – con trai của địa chủ Hào đã bao lần chọc ghẹo, ve vãn Nguyễn Vạn. Khi thì mụ nói gần nói xa: “Nhà Lang mấy năm nay cứ sòn sòn năm một. Chiều đến cứ nhìn ông ấy bắt tụi trẻ trần truồng đứng xếp hàng ở cầu ao lấy gầu té nước tắm cho tụi trẻ mà thèm” [8, 189].

Lúc thì mụ lu loa: “Ôi bác Vạn ơi, bác trông kìa! con gà nhà bác nó “hủy hoại” con gà nhà em” [8, 188]. Nhưng dù thế nào thì mụ Hơn cũng là người thuộc giai cấp tư sản còn Nguyễn Vạn là chiến sĩ vững vàng trong hàng ngũ

của tầng lớp vô sản cần lao. Làm sao Vạn lại có thể dung hòa cùng bọn tư sản mà cả đời Vạn thù oán? Mặc dù cố gắng cưỡng lại, kìm chế những ham muốn của mình nhưng có lúc Vạn không thể kìm nén được bản năng: “Rõ dơ! thích hử - Mụ Hơn nói nhỏ và chộp lấy tay Vạn đặt nhanh lên ngực mụ… Mụ Hơn thở hổn hển. Nguyễn Vạn cũng thấy bủn rủn cả chân tay. Cũng tại cái xu chiêng mềm mềm trên ngực mụ nó như có ma lực hút kiện lí trí Vạn. Bàn tay Vạn run rẩy đang gây tội lỗi mà Vạn không biết. Khi hai cánh tay của mụ Hơn choàng lên cổ Vạn và cái mùi xà phòng tư bản cùng với mùi hôi nách của mụ xộc lên mũi, Vạn mới bừng tỉnh” [8, 264 - 265]. Nhưng rồi những phút giây yếu lòng đó cũng chỉ là thoáng qua. Dư luận, định kiến xã hội cũng như bản thân Vạn sẽ không cho phép Vạn buông thả, chung chạ với người vợ của một tên địa chủ.

Vạn lơ lửng giữa chị Nhân và mụ Hơn nhưng cuối cùng lí tưởng, phẩm chất trung kiên của người lính cụ Hồ thời chiến lại kéo Vạn về với bến bờ của cô đơn, chiếc bóng. Vạn khép lòng mình lại, tự đóng cũi sắt tình cảm của mình để đến cuối đời Vạn lại ngẩn ngơ tiếc nuối: “Đến bây giờ Vạn mới thấy tiếc mình không lấy vợ sớm” [8, 87].

Dư luận và định kiến xã hội luôn là điều mà người làng Đông sợ nhất. Dư luận xã hội tốt có thể khiến cho con người mở mày mở mặt, phát triển đi lên, dư luận theo chiều hướng xấu có thể kìm tỏa, giết chết một con người. Ông Khiên – vị trưởng tộc dòng họ Nguyễn luôn phải sống trong dằn vặt suốt thời gian con trai ông đi lính. Thâm tâm ông luôn day dứt, vò xé bởi suy nghĩ: “Thầy thấy nhục nhã về việc con phải lẻn đi, làm mọi người đã coi thầy là kẻ hèn nhát, ích kỉ, lạc hậu” [8, 112]. Sự day dứt ấy đã lôi tuột ông xuống hố sâu của tuyệt vọng. Cuối cùng ông Khiên chết vì lòng tự trọng vì lo sợ dư luận xã hội.

Dư luận, định kiến xã hội cũng như một lưỡi dao oan nghiệt phạt ngang hạnh phúc của Nghĩa và Hạnh. Đôi trẻ dũng cảm bước qua lời nguyền, mối

thù truyền kiếp của dòng họ để đến với nhau. Hành động táo bạo này lập tức bị dư luận, định kiến xã hội đuổi theo, truy bức. Nghĩa bị thương trong chiến tranh khiến anh mất đi khả năng làm bố. Vì lạc hậu, kém hiểu biết, dân làng và gia tộc Nghĩa buông lời rèm pha Hạnh. Họ rỉ tai nhau: “Bà thiếu tá phu nhân họ Nguyễn bị điếc”. Những lời lẽ cay độc ấy đã quật ngã người phụ nữ đáng thương như Hạnh khiến cô phải li hôn với Nghĩa và sống trong đau khổ, tủi nhục.

Thông qua tiểu thuyết Bến không chồng, Dương Hướng đã vẽ ra trước mắt chúng ta thảm cảnh của đời sống nông thôn miền Bắc thời hậu chiến biết bao tăm tối, lầm lạc. Những quan niệm sai lầm, chủ quan duy ý chí, những hủ tục lạc hậu đã dồn đẩy, cướp đi hạnh phúc, sự bình yên trong mỗi con người. Bản chất của người nông dân từ bao đời nay luôn hiền lành, cần mẫn, sống tình nghĩa. Nhưng khi bị đặt trong những cơn dâu bể của thời đại thì họ dễ trở nên mù quáng, tàn nhẫn, tự tay cướp đi cuộc sống của chính mình và hủy hoại

Một phần của tài liệu Hiện thực đời sống và thân phận con người trong tiểu thuyết bến không chồng của dương hướng (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)