Thân phận người phụ nữ

Một phần của tài liệu Hiện thực đời sống và thân phận con người trong tiểu thuyết bến không chồng của dương hướng (Trang 41)

7. Cấu trúc của khóa luận

2.2.2. Thân phận người phụ nữ

2.2.2.1. Những nạn nhân của chiến tranh

Ngay từ những trang đầu của tác phẩm, người đọc không khỏi xúc động, xót xa trước nỗi bất hạnh của chị Nhân, khi nghe chú Vạn – người lính Điện Biên vừa trở về sau chiến tranh báo tin chồng chị đã anh dũng hi sinh. Cái tin sét đánh đó, khiến chị Nhân chết lặng. Chị “vật vã khóc” câu nói của chị Nhân khi vừa nhìn thấy đứa con gái bé bỏng trên tay chú Vạn: “Con ơi, bố chết rồi” [8, 20] cứ ám ảnh trong lòng bạn đọc. Xa chồng bao năm, chị một mình nuôi dạy ba đứa con khôn lớn. Nay cái tin chồng chị đã hi sinh nơi chiến trận như quật ngã người đàn bà bất hạnh ấy, khiến cho: “Chị Nhân thấy mình như đang ở một thế giới khác, cảnh vật quanh chị đều nhuốm màu chết chóc” [8, 20]. Nhưng rồi dù đau đớn đến đâu, chị vẫn phải sống, phải nuôi ba đứa con còn nhỏ dại của mình. Chị sống bằng một niềm tin sắt đá cứ vững vàng mà sống. Hòa bình chị tin tưởng, hi vọng vào một tương lai mới.

Hòa bình vừa lập lại không được bao lâu thì chiến tranh lại ập đến. Nó xộc đến từng nhà, từng đường làng, ngõ xóm, nó lôi tất cả những người lính vào cuộc đụng độ sinh tử, nó cướp đi hạnh phúc chính đáng, cuộc sống yên bình của hàng triệu người phụ nữ trong đó có chị Nhân. Nếu cuộc kháng chiến chống Pháp cướp đi người chồng của chị thì cuộc kháng chiến chống Mỹ dữ dội này lại lấy đi hai đứa con chị dứt ruột đẻ ra. Chị òa khóc trong nghẹn ngào

xót xa: “Nghĩa ơi, thằng Hà thằng Hiệp chết hết rồi” [8, 202]. Hòa bình mỗi người mang một tâm trạng riêng nhưng ai cũng thấy cả làng Đông chỉ có mỗi chị Nhân là đau xót nhất. Lần thứ hai đón nhận tin Hà mất “Hạnh ngỡ ngàng vì thấy mẹ đón nhận cái tin khủng khiếp đáng sợ này một cách điềm tĩnh đến mức lạnh lùng. Mặt mẹ chỉ hơi tái đi khi nghe chú Vạn giải thích. Mắt chị Nhân ráo hoảnh không có lấy giọt nước mắt nghẹn ngào” [8, 146]. Mất mát quá lớn khiến chị không thể khóc, nước mắt không trào ra ngoài mà lặn sâu trong tim thật xót xa, u uất biết bao. Hạnh có ngờ đâu mẹ đã “âm thầm khóc cạn nước mắt suốt đêm qua” [8, 146]. Bằng linh cảm của người đàn bà đã từng đón nhận cái tin chồng hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, chị nhận ra con chị chắc chắn đã hi sinh: “Là người mẹ đẻ ra nó, tôi đã linh cảm thấy điều này từ lâu, từ mấy đám truy điệu trước ở làng này” [8, 146].

Gạt nước mắt, chị hi vọng đứa con thứ ba nơi chiến trường sẽ sống sót để trở về. Nhưng cái bóng của sự nghiệt ngã trong chiến tranh không buông tha chị. Hiệp đã hi sinh, quái ác hơn là tin Hiệp hi sinh lại đúng vào lúc cả nước, cả làng Đông hạnh phúc đón hòa bình trở lại: “chị Nhân thấy mình hẫng đi như người rơi tõm xuống chiếc hố sâu thẳm. Đêm chị nằm mơ thấy cả ba bố con nó dẫn nhau về oán trách. Chị nhìn vào mắt chồng, mắt hai đứa con cứ cháy rực lên” [8, 227]. Rồi trong cơn mê sảng đó, chị thấy từng người thân kết tội mình.

“Chồng chị nói: Mình là kẻ giết người, là mụ đàn bà ác độc? Tôi đã đi rồi sao mình không để các con được sống?”

Thằng Hà nói: “Bố và con đã đi rồi, sao mẹ không để cho em con được sống”.

Thằng Hiệp nói: “Sao mẹ lại vui mừng khi con đi vào chỗ chết?” [8, 228] Hỡi ơi, nào có ai kết tội chị đâu? Những lời lẽ trách cứ của chồng, con chị kia chỉ là những lời luận tội từ lương tâm chị. Nó vò xé, làm người phụ nữ

khốn khổ ấy tiều tụy, xót xa. Chị khiếp sợ hét lên: “Không! Tôi không phải là kẻ ác. Tôi không muốn thế, không phải tại tôi. Tất cả là do thằng Pháp, thằng Mỹ. Tôi không phải là kẻ giết người. Tôi lạy mình hãy tha cho tôi. Mẹ lạy các con hãy tha thứ cho mẹ” [8, 228]. Lời chị thống thiết, đáng thương biết bao. Giặc Pháp, Mỹ đã vĩnh viễn cướp đi sự bình yên trong tâm hồn người vợ, người mẹ liệt sĩ ấy.

Nỗi đau ấy, chị nén chặt trong lòng. Người ra đi chẳng trở về nữa. Chị dồn tình yêu, hi vọng cuối cùng vào Hạnh – đứa con gái út. Nhưng cuộc hôn nhân của Hạnh và Nghĩa cũng lại đổ vỡ, đi vào ngõ cụt. Hạnh buộc phải li hôn với Nghĩa sau bao nhiên đau khổ, oan khuất. Người nhà Nghĩa kết tội Hạnh “sẽ chẳng bao giờ có con” [8, 243]. Bất hạnh đó đâu phải ở nơi Hạnh? Mà do Nghĩa bị chiến tranh cướp đi quyền làm bố. Thấy con gái khăn gói trở về nhà, chị Nhân “cuống cuồng ngỡ trời sập” [8, 273]. Giá như không có chiến tranh thì tình vợ chồng của Nghĩa và Hạnh đâu phải bị sứt mẻ như thế? Và chị Nhân cũng không phải rơi vào tột cùng bất hạnh như vậy? Chồng và hai con trai đều đã nằm lại nơi chiến địa mù sương, còn hạnh phúc của đứa con gái cũng chỉ như gió thoảng, mây bay. Cả cuộc đời chị là những chuỗi dài của bi kịch. Tất cả những bi kịch đó đều do chiến tranh gây ra. Người phụ nữ ấy đã đi qua hai cuộc chiến tranh và đi qua cả những bất hạnh ở thời bình. Chị sẽ chẳng còn hi vọng vào ngày mai được nữa. Người phụ nữ đáng thương và tội nghiệp ấy phải sống “gần như câm lặng” cho đến hết những tháng ngày còn lại.

Cộng hưởng vào nỗi đau, bất hạnh của phụ nữ trong chiến tranh đó là hình ảnh của bà Khiên. Cũng tiễn chồng ra trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng bà may mắn hơn chị Nhân và nhiều người phụ nữ khác bởi chồng bà còn sống sót trở về. Nhưng trong mấy người bị giặc Pháp bắt rồi được trở về thì riêng ông Khiên – chồng bà bị tra tấn, đánh đập nhiều nhất.

Chiến tranh đã cướp mất sức khỏe của ông: “Về nhà ông có làm được việc gì nặng đâu, nhúng chân xuống bùn là về ho sù sụ” [8, 135]. Một tay bà phải lo toan, gánh vác việc đồng, việc nhà, việc của dòng tộc. Tiếp bước cha, con trai bà cũng hăng hái lên đường nhập ngũ. Thương con bao nhiêu thì khi chia tay lòng người mẹ ấy càng đau khổ bấy nhiêu. Làm gì có người phụ nữ nào lại muốn con mình dấn thân vào chỗ chết, vào nơi mưa bom bão đạn? Nhưng con trai bà ra đi để cứu trăm nhà khỏi cảnh tan tác, lầm than. Bà đau đớn đến gần như ngất xỉu khi Nghĩa thì thầm vào tai bà: “Con đi”. Người mẹ đáng thương ấy không thể cầm nổi lòng mình trước cảnh chia tay ấy: “Bà lạnh cả người nhìn theo bóng thằng Nghĩa chạy vụt ra ngõ. Bà vội đứng dậy chạy vào bếp đứng lặng cho nước mắt chảy xuống đôi gò má khô gầy của bà. Bà cố kìm lòng để không bật khóc thành tiếng” [8, 97]. Bà Khiên đã trao đứa con duy nhất của mình vào tay Tổ quốc. Con trai đi, ông Khiên biết chuyện và luôn tự trách mình, trách bà, trách Nghĩa đã giấu ông. Vì danh dự, uy tín luôn giằng xé, đấu tranh trong lòng con người đau khổ ấy khiến ông chết đột tử. Cái chết của ông làm cho bà đau khổ quằn quại: “bà bỗng kêu lên mấy tiếng thất thanh rồi ngất xỉu” (…) “bà Khiên không gượng dậy nổi phải vào giường nằm” [8, 117].

Tháng ngày xa con bà như chiếc bóng, tâm trạng luôn phấp phỏng ngóng tin con nơi chiến trường. Bà mang tâm trạng đó vào cả trong những giấc mơ: “Đêm hôm qua tao nghe rõ tiếng bố thằng Nghĩa về báo mộng thằng Nghĩa bị cụt mất một tay… Đúng ngày 17 là nó về. Thôi, nó cụt tay là may…” [8, 157]. Bà tuy sống ở làng Đông nhưng tâm trí lại luôn song hành trên mỗi bước đường hành quân đầy vất vả, nhọc nhằn của Nghĩa. Mong muốn con trai được bình yên trở về, bà đi lễ chùa cùng với mấy bà trong làng. Con người ta vẫn vậy, khi bị đẩy vào hoàn cảnh lo âu, sợ hãi thì người ta hay tìm đến với tâm linh để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Ngày lại ngày không có tin Nghĩa bà héo hắt hẳn đi, bà ốm liệt giường và chỉ khi được tin

con thì bà liền khỏe ra trông thấy. Nghĩa về và niềm vui, hạnh phúc lại gõ cửa nơi tâm hồn già nua vì thương nhớ con. Bao năm nay bà mới lại biết đến nụ cười. Chiến tranh đã lấy đi của bà những niềm vui, hạnh phúc. Nó cầm tù, biến bà trở thành nạn nhân trong suốt những tháng ngày đằng đẵng xa con. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Nghĩa lại ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Hạnh phúc thật ngắn ngủi so với những tháng ngày đau buồn mà bà phải xa con. Song với bà Khiên, hạnh phúc chỉ là một chấm nhỏ giữa muôn trùng đau khổ. Chiến tranh đã cướp đi quyền làm bà của người phụ nữ ấy. Trở về sau chiến tranh, nhưng không nguyên vẹn, Nghĩa không thể có con khiến cho niềm đau thiêu đốt, cháy rụi hi vọng và sự bình yên trong gia đình vốn đơn độc, nhỏ bé của bà. Để lại cho người phụ nữ bất hạnh ấy là những niềm đau vô bờ bến. Đó là sự tan vỡ trong hạnh phúc của những đứa con, bởi mặc cảm không làm tròn bổn phận làm dâu trong dòng tộc, bởi khao khát tiếng trẻ thơ của đứa cháu nội cứ đau đáu, da diết trong bà. Đáng thương thay, tội nghiệp thay cuộc đời bất hạnh của biết bao người mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam khi buộc phải trở thành những nạn nhân của chiến tranh, bị chiến tranh vùi dập tất cả những gì là tốt đẹp nhất.

Xen vào giữa truyện, Dương Hướng có kể cho chúng ta câu chuyện của một bà lão bảy mươi tuổi bên bến phà Triều ở Hưng Yên. Đó là một người phụ nữ phải chịu bao nhiêu mất mát, đau khổ. Chồng bà chết, con trai lớn cũng nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo. Ghi tiếp những trang sử hào hùng của cha ông, đứa con trai út của bà cũng xông pha trận mạc. Bà mẹ già ngày ngày ngóng tin con nhưng ngày qua ngày vẫn bặt vô âm tín. Lòng người mẹ ấy run sợ, bà sẽ ra sao nếu như lại một lần nữa nhận tin dữ nơi chiến trường như chị Nhân? Có lẽ, bà không đủ nghị lực để vượt qua. Dù vẫn biết, đã có chiến tranh là phải có hi sinh nhưng với người mẹ già đã 70 tuổi cứ ngày càng “lập cập”

biết bao thương cảm, xót xa. Không thể chịu đựng đau khổ thêm nữa, người mẹ già ấy hi vọng, mơ ước: “Ước gì thằng út nhà này nó cũng bị thương như anh để được về” [8, 175]. Dù có bị tật nguyền hay ra sao chăng nữa thì bà lão bảy mươi tuổi ấy cũng chỉ mong muốn con trai mình được sống sót mà trở về. Câu nói của mẹ đã lật trắng sự thật về sự khốc liệt của chiến tranh.

Đọc Bến không chồng ta không thể quên nhân vật Cúc – người con gái phải chịu “cơn chấn động về tinh thần” quá lớn. Cúc yêu Thành, thương Thành. Nhưng người lính chống Mỹ ấy khi chiến đấu trở về, gương mặt anh không còn lành lặn nữa. Những vết sẹo chằng chịt trên mặt của anh đã đẩy cuộc đời Cúc vào tột cùng đau khổ, bi kịch, Cúc cũng chỉ là một nạn nhân của chiến tranh. Khi ngày ngày đối diện với Thành, cô nhận ra cô không thể yêu Thành được nữa: “Nghe giọng nói thì đúng là anh ấy nhưng khi nhìn lên mặt anh, em lại thấy anh ấy hoàn toàn xa lạ, xa lạ tới mức đáng sợ” [8, 160]. Cúc thấy “bàng hoàng”, thấy “mọi sự đều tan biến đổ vỡ hết”. Mới có ba ngày Cúc nhận trầu cau đã trả lại: “Cúc nhào vào ôm choàng lấy Hạnh khóc nức nở” [8, 160], rồi nấc lên trong nghẹn ngào, day dứt “em đúng là kẻ ác độc, em có tội với anh ấy, có tội với mọi người” [8, 161]. Yêu Thành, thương Thành nhưng Cúc không thể làm vợ Thành vì không thể chấp nhận khuôn mặt dị dạng, đáng sợ của Thành. Gương mặt của Thành còn ám ảnh Cúc trong những lúc mơ. Cúc đau đớn nhận ra sự thật nghiệt ngã, phũ phàng: “Em không thể yêu anh ấy, em không thể yêu anh ấy. Ôi giá mà đôi mắt của e mù lòa đi không nhìn thấy mà chỉ nghe anh ấy nói” [8, 161]. Chiến tranh với những di họa của nó đã để lại ở cả Thành và Cúc những “vết dập xóa trên thân thể và trong tâm hồn”. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau mà nó để lại vẫn tồn tại mãi mãi trong thời bình. Nó đeo bám hiện hữu dai dẳng trong cuộc đời họ không cho họ được hưởng những gì bình dị nhất: Quyền yêu, được yêu và gắn bó với nhau trong hạnh phúc vợ chồng. Thành suốt đời

phải mang bộ mặt dị dạng không vợ con còn Cúc cũng đành gạt nước mắt làm vợ lẽ ông Ba Chương.

Đất nước có chiến tranh, những người chồng, người con lên đường chiến đấu và có không ít người đã hi sinh, để lại trong lòng người phụ nữ những vết thương lòng, những nỗi đau âm ỉ không bao giờ tắt. Có biết bao phụ nữ phải xa chồng những tháng ngày đằng đẵng và những người góa bụa chịu đựng nỗi đau về sự mất mát, hi sinh của người mình thương yêu nhất. Đó là nhân vật Hạnh, người phụ nữ chịu bao nhiêu thiệt thòi bởi chiến tranh. Hạnh lấy chồng chưa được bao lâu thì hai vợ chồng phải tạm xa nhau. Nghĩa đi bộ đội, Hạnh cô độc, lẻ loi, lo âu, phấp phỏng, mòn mỏi chờ chồng: “Đã tám năm nay Hạnh nhận ra mình sống bằng những kỉ niệm với Nghĩa nhiều hơn là chờ đợi ở tương lai. Những hi vọng ngày một mong manh, dù mong manh vẫn hơn là tắt hẳn. Hạnh lội xuống bến rửa chân, lòng ngẩn ngơ nhìn mặt trăng loang loáng dưới nước. Hạnh thấy mình lạc vào thế giới mông lung sâu thẳm của những câu chuyện huyền thoại xa xưa…” [8, 185]. Hạnh thật sự đã trở thành “bến đợi”, thành hòn Vọng phu ngay khi đang sống. Nỗi trông đợi mòn mỏi của Hạnh được nhà văn miêu tả với một cái nhìn đầy cảm thương, trân trọng: “Mãi đến khi Nghĩa đi, Hạnh mới kì công tự làm lấy chiếc gối đôi thêu bông hoa hồng và đôi chim, con bay con đậu. Hạnh tự nhận mình là con chim đậu chờ đợi con chim bay đi trở về. Chiếc gối đôi hạnh phúc mà chưa một lần hai vợ chồng được gối chung. Chiếc gối đôi hạnh phúc đã thấm bao mồ hôi và nước mắt của Hạnh, Hạnh đã giặt không biết bao nhiêu lần sờn cũ đi mà anh vẫn chưa về. Chiếc gối khâu bằng vải pơ pô lin trắng dài tới tám mươi phân, mỗi lần đem ra sông Đình giặt, Hạnh phải giấu giếm không muốn để ai nhìn thấy sợ người ta quở, khi phơi Hạnh cũng phải mang ra tận ngoài vườn chuối để phơi cho đỡ chướng” [8, 159].

Bao năm trôi qua, bù lại nỗi đau quá lớn trước sự ra đi của cả hai người anh trai ruột thịt, Nghĩa trở về với Hạnh sau bao nhiêu tháng ngày chờ đợi mỏn mòi ngóng trông. Hạnh vẫn cứ ngỡ đó là mơ, niềm vui, niềm hạnh phúc tột đỉnh trước sự thật quá bất ngờ. Đêm hôm trước Nghĩa về Hạnh gần như thức trắng, “Hạnh đứng bên cửa sổ lấy gương soi… Hạnh thấy mình già đi bao nhiêu. Mười năm rồi còn gì” [8, 200]. Chiến tranh, thời gian và biết bao lo toan bộn bề mà Hạnh gồng mình lên để gánh vác… Tất cả đã cướp mất tuổi xuân, sự tươi trẻ ở Hạnh. Sự thật đó làm ta xót xa. Sau bao xa cách được ở bên chồng, Hạnh thấy lòng mình rạo rực biết bao. Rồi đây “mọi biến động đã qua, sự bình yên đã trở lại. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, khát khao Hạnh muốn được mãi thế này” [8, 207]. Tưởng như sóng yên, bể lặng, Hạnh sẽ

Một phần của tài liệu Hiện thực đời sống và thân phận con người trong tiểu thuyết bến không chồng của dương hướng (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)