Phiên tòa sơ thẩm giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự (Trang 53 - 56)

Về nguyên tắc, phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất được tiến hành như các phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được quy định tại Chương XIV gồm 46 Điều từ Điều 196 đến Điều 241 của BLTTDS. Theo đó, phiên tòa sơ thẩm với thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa, nghị án và tuyên án.

Tuy nhiên, phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có một số điểm khác như sau:

- Về sự tham gia của Kiểm sát viên: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 của BLTTDS thì Viện kiểm sát nhân dân phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Như vậy, theo quy định trên thì đối với vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất hầu hết đều có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa là bắt buộc, được quy định tại Điều

207 BLTTDS. Về thông báo kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp; thông báo thay đổi việc phân công kiểm sát viên được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT - VKSNDTC - TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự. Nếu vắng mặt Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.

- Về đương sự tham gia phiên tòa sơ thẩm tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Thông thường đương sự tham gia phiên tòa sơ thẩm thường là những người thừa kế. Song, đối với trường hợp đã có sự chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh… đối với quyền sử dụng đất là di sản thừa kế thì Tòa án triệu tập tất cả những người tham gia các giao dịch về tài sản thừa kế tham gia phiên tòa.

- Về việc hoãn phiên tòa. Do số lượng đương sự trong vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thường rất đông, nên mặc dù Tòa án triệu tập hợp lệ các đương sự vẫn thường vắng mặt dẫn đến Tòa án phải hoãn phiên tòa. Việc này đã làm thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2012 theo quy định của Luật sử đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS thì trong trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà đương sự vắng mặt có lý do hoặc không có lý do thì đều phải hoãn phiên tòa. Nhưng khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung, trừ trường hợp đương sự vắng mặt vì trở ngại khách quan. Với việc pháp luật tố tụng quy định số lần triệu tập đương sự không quá hai lần (tính chung cho các đương sự) đã hạn chế được việc hoãn phiên tòa trong các vụ án tranh chấp dân sự nhất là các vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.

- Thủ tục hỏi, tranh luận tại phiên tòa: Nếu các đương sự không rút đơn khởi kiện, không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án,

sau khi nghe các bên đương sự trình bày về yêu cầu và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác tập trung hỏi để làm rõ, khẳng định lại các nội dung như: Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc ai? Người để lại di sản chết ngày nào? Có di chúc hay không có di chúc? Tính hợp pháp của di chúc? Kể từ thời điểm mở thừa kế có sự chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh... đối với quyền sử dụng đất là di sản thừa kế hay không? Diện và hàng thừa kế? Nghĩa vụ tài sản và chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán từ di sản?..Những vấn đề các đương sự đã thỏa thuận được với nhau và chưa thỏa thuận được với nhau. Trên cơ sở đó, đương sự tranh luận với nhau về những vấn đề mà đương sự còn mâu thuẫn, không thống nhất.

Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì việc giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cũng tuân theo trình tự, thủ tục chung giống như đối với các tranh chấp dân sự khác. Tuy nhiên, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là một loại tranh chấp đặc thù nên trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp này có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, đặc trưng về thẩm quyền giải quyết của Tòa án không xác định theo nơi có bất động sản là di sản thừa kế mà xác định theo nơi cư trú bị đơn hoặc theo thỏa thuận của đương sự. Đặc thù về những tài liệu chứng cứ mà đương sự phải xuất trình khi khởi kiện hoặc tham gia tố tụng. Đặc thù về thu thập chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử…..

Trên cơ sở quy định của pháp luật tố tụng, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất của Tòa án đã đạt được những kết quả nhất định cũng còn tồn tại không ít hạn chế. Vấn đề thực tiễn giải quyết tranh chấp và kiến nghị hoàn thiện trong giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất sẽ được làm rõ tại chương 3 của luận văn này.

Chương 3

THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)