4.4.1. Siêu âm bụng
Trong nghiên cứu của chúng tôi, siêu âm bụng được thực hiện trên 19 bệnh nhân (40,4%), phát hiện được u bóng Vater trong 4 trường hợp (21,1%), tất cả các
trường hợp đều phát hiện được hình ảnh gián tiếp là ống mật chủ dãn. Theo nghiên cứu trước đó của các tác giả như Đoàn Tiến Mỹ, Trịnh Ngọc Hiệp và Gandolfi, độ nhạy của siêu âm tương ứng là 25%, 22% và 25%; và siêu âm cho biết tình trạng tắc mật hơn là phát hiện khối u bóng Vater [3, 5, 31]. Theo Qiao, độ nhạy của siêu âm bụng đối với u bóng Vater chỉ khoảng 7,9% [66]. Kết quả của chúng tôi tương đồng với đa số các tác giả nhưng cao hơn so với tác giả Qiao.
Như vậy, siêu âm bụng ít có giá trị trong tầm soát u bóng Vater do tỉ lệ phát hiện u bóng Vater qua siêu âm chỉ dao động trong khoảng 22 – 25% [31, 72].
4.4.2. X - quang cắt lớp điện toán
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, có 19/29 trường hợp (65,5%) CT Scan bụng phát hiện được u bóng Vater, 6/29 trường hợp (20,7%) phát hiện hạch ổ bụng trước mổ và tất cả trường hợp đều có ghi nhận ống mật chủ dãn (100%).
Kết quả của chúng tôi tương đồng với các tác giả trong và ngoài nước về tỉ lệ phát hiện u bóng Vater [3, 5, 48]. CT Scan bụng được sử dụng với mục đích phát hiện u, di căn hạch ổ bụng và di căn xa. Theo Cannon, độ nhạy của CT Scan trong phát hiện hạch di căn là 23% và khi sử dụng X – quang cắt lớp điện toán xoắn ốc hay đa lát cắt, tỉ lệ này được nâng lên khoảng 31% [17]. Tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện di căn hạch ổ bụng trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với các nghiên cứu khác. Sự khác biệt này có thể liên quan đến người đọc, kĩ thuật chụp cũng như cỡ mẫu.
4.4.3. Cộng hưởng từ mật - tụy
Kết quả của chúng tôi về tỉ lệ phát hiện u bóng Vater qua MRCP tương đồng với kết quả của tác giả Kim về tỉ lệ (66,7% so với 62%), tuy nhiên, do số
trường hợp được thực hiện còn ít nên chưa thể diễn giải chính xác kết quả nghiên cứu [47]