Từ lâu, Đức và Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ song phương
có giá trị đặc biệt. Hiện nay ở Đức có khoảng 125.000 người Việt Nam và người Đức gốc Việt sinh sống, ở Việt Nam có khoảng 100.000 người biết nói tiếng Đức.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang năm 2011, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Liên bang năm 2012 cũng như chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh năm 2012 đã tiếp thêm động lực cho mối quan hệ giữa hai nước. Tháng 10 năm 2011, Bà Thủ tướng TS. Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký kết bản "Tuyên bố chung Hà Nội" chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam.
Đức không chỉ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật trong khuôn khổ Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt. Với khoảng 70 hội thảo, các cuộc trao đổi về chuyên môn và các chuyến đi khảo sát mỗi năm, Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt đề cập đến rất nhiều nội dung: tư vấn đối với các dự án luật của Việt Nam, tiếp tục phát triển hệ thống pháp luật, bồi dưỡng thẩm phán, công tố viên, luật sư và công chứng viên, tư vấn thực hiện các công ước và quy tắc quốc tế, cải cách pháp luật dân sự (bao gồm pháp luật sở hữu, bảo vệ sở hữu trí tuệ) và pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật lao động, công đoàn và xã hội, tiếp tục phát triển pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, pháp luật thương mại, cơ chế xét xử của tòa án hiến pháp, khuyến khích các quyền con người, tương trợ tư pháp và các chủ đề khác.
Tuy vậy nhưng quá trình học hỏi, trao đổi nghệ thuật và kinh nghiệm đối ngoại giữa hai quốc gia chưa thực sự được diễn ra một cách hiệu quả. Việt Nam gặp phải nhiều hạn chế khi tiếp nhận các hoạt động ngoại giao như cơ chế chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp có lúc còn bị động, lúng túng, nhất là trước những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động đối ngoại bổ trợ tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm và chưa đầy đủ. Nội dung chính xách chưa thay đổi cho phù hợp với tình hình thế giới mới. Thông tin về thế giới vào Việt Nam còn thiếu chọn lọc. Thông tin đối nội và đối ngoại chưa gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, có lúc có một số sơ hở để các
thế lực thù địch lợi dụng. Công tác đấu tranh dư luận chưa được tiến hành một cách có hệ thống, lập luận đấu tranh trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, biên giới lãnh thổ chưa chú ý đến những đối tượng ít thông tin, những đối tượng dễ bị lợi dụng, kích động. Việc ứng dụng các công nghệ mới vào thông tin đối ngoại còn chậm và nhiều yếu kém. Lực lượng thông tin đối ngoại còn dàn trải, cán bộ còn thiếu và chưa đồng đều về năng lực công tác.
Những hạn chế đó đã khiến cho chính sách đối ngoại khu vực của Việt Nam chưa đạt được nhiều thành tựu tương xứng với những tiềm năng sẵn có. Trước sự phát triển hội nhập chóng mặt và sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ sự chuyển đổi trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia đã đặt ra yêu cầu, động lực cho Việt Nam không ngừng học hỏi và tích cực hơn nữa trong việc xác định trọng tâm đối ngoại đúng đắn.