- Đổi mới nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị - tư tưởng theo hướng gắn liền với đặc thù của ngành y. Giáo dục đạo đức truyền thống của ngành y tế: học tập, làm theo lời thề Hy-pô-crát, lời thề và những điều y đức của Lê Hữu Trác, tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức, đức hy sinh vì khoa học, vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng,... Tài liệu dạy và học:
cần có sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo hơn nữa về đạo đức y học để sinh viên có thể tự nghiên cứu bên cạnh những giời giảng trên lớp của giảng viên.
- Về mặt nội dung theo tác giả cần đưa ra những tiêu chí để xây dựng lý tưởng đạo đức nghề y một cách thiết thực: Bởi đã hành nghề y thì chỉ có tài thôi là chưa đủ. Trong đó xác định rõ nội dung cần rèn luyện, đó là những kỹ năng thực hành nghề cũng như những kỹ năng trong giao tiếp. Điều đó có nghĩa là thầy thuốc không chỉ biết làm cho bệnh nhân giảm đau về bệnh tật mà việc làm cho bệnh nhân giảm đau về tinh thần cũng quan trọng không kém. Để làm được điều đó, đòi hỏi thầy thuốc phải biết thương yêu người bệnh như người thân của mình thì trong giao tiếp mới có thể nhẹ nhàng giải thích, chia sẻ với người bệnh… trong nghề y tính nhân đạo cũng là một tiêu chí cần hướng đến, người thầy thuốc phải có tình người mới đối xử công bằng với những người bệnh, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo… Những tiêu chí ấy rất quan trọng để đánh giá người thầy thuốc ấy có đức hay không…
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua giảng dạy các môn học, đặc biệt là Y đức, tâm lý y học, y tế công cộng… Coi môn đạo đức học và đạo đức y học là môn học của khoa học y học, có vai trò quan trọng đối với sinh viên trường Đại học Y Hà Nội như các môn khoa học khác.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua thực tập thực tế lâm sàng tại các cơ sở y tế. Biểu dương, khen thưởng những nhân viên y tế tận tâm, có nhiều sáng kiến, cải tiến để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Kịp thời phê phán và xử lý nghiêm minh những nhân viên y tế có biểu hiện tiêu cực trong khám, chữa bệnh. Từ đó có những biện pháp khen thưởng đối với những thực tập sinh tận tâm trong quá trình thực tập, trực ở các cơ sở y tế.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên và các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao. Đòi hỏi cần có những nội dung, hình thức phong phú
thu hút sinh viên vào những hoạt động tập thể, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động giải trí lành mạnh.
Sinh viên là đối tượng năng động, thích sinh hoạt tập thể. Trong quỹ thời gian rỗi trong ngày, trong tuần của họ nếu không có những hình thức tổ chức hoạt động tập thể phù hợp để thu hút họ thì họ sẽ tham gia vào các hoạt động khác, thậm chí còn dính líu vào các hoạt động tiêu cực, thiếu lành mạnh, có thể dẫn đến phạm pháp. Các hoạt động tập thể, hoạt động nghiên cứu khoa học có thể do nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức. Nó là một nhân tố quan trọng góp phần hình thành và phát triển nhân cách đạo đức cho sinh viên. Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể dưới các hình thức như: hoạt động câu lạc bộ theo năng khiếu, hoạt động tham quan, du lịch thắng cảnh, hoạt động giao lưu văn hóa giữa các trường đại học, hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên... giúp sinh viên hiểu biết về xã hội, về pháp luật, về truyền thống dân tộc về khoa học tự nhiên, xã hội. Các hoạt động này làm hình thành và phát triển tính cộng đồng, ý thức tập thể, định hướng cho mỗi sinh viên trong trong mối quan hệ cá nhân - tập thể - xã hội. Từ đó, mỗi sinh viên điều chỉnh hành vi của bản thân sao cho phù hợp với những chuẩn mực của xã hội, làm bớt đi tính cá nhân vị kỷ trong mỗi người.
C.Mác là người đầu tiên thấy thời gian rỗi là điều kiện đem lại những giá trị mới cho con người. Theo C.Mác khi người ta tiết kiệm thời gian lao động là tăng thêm thời gian tự do, là thời gian dùng cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, sự phát triển đó tác động trở lại sức lao động và làm tăng sức lao động. Về phương diện sản xuất trực tiếp thì thời gian mà họ tiết kiệm có thể được coi là dùng để sản xuất vốn cố định, một vốn cố định làm nên con người.
Vì vậy, Nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cần phải quản lý sao cho mỗi sinh viên đều ý thức được sự quý giá của thời gian rỗi và biết dùng những thời gian đó vào những hoạt động hữu ích cho bản thân. Muốn
vậy, nhà trường và các đoàn thể cần tổ chức được các hoạt động thu hút sinh viên. Các hoạt động này vừa mang tính chất giải trí, vừa mang tính chất giáo dục, rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị và nhân cách đạo đức cho mỗi sinh viên.
Có thể khẳng định các hoạt động tập thể, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động giải trí văn hóa lành mạnh là cơ sở góp phần hoàn thiện nhân cách đạo đức cho sinh viên.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua kỷ niệm các ngày lễ, hội mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và phát huy tính năng động sáng tạo của sinh viên. Việc tổ chức các hình thức hoạt động phải hợp lý cả về thời điểm và độ dài thời gian, tránh tổ chức quá nhiều các hình thức hoạt động ảnh hưởng đến thời gian học tập và sinh hoạt của sinh viên. Trong một xã hội "đầy ắp" thông tin như hiện nay, vấn đề thời gian càng trở nên "vàng ngọc". So với các thế hệ sinh viên trước đây, sinh viên ngày nay có nhiều cơ hội học tập hơn, điều kiện học tập cũng tốt hơn... Do đó, họ cũng cần có nhiều thời gian hơn cho việc học bài, đến thư viện đọc sách, tham gia các đề tài khoa học. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các phong trào... cần phải tính toán kỹ lưỡng, tránh hình thức, gây lãng phí thời gian, ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch học tập của sinh viên.
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp thông qua quá trình tự giáo dục của sinh viên. Đạo đức là nội dung cơ bản thể hiện văn hóa của con người- văn hóa đạo đức, là mặt giá trị của con người, nó hướng con người vươn tới những giá trị đích thực của cuộc sống. Đạo đức ở mỗi con người không phải tự nhiên mà có đó là kết quả của cả quá trình phấn đấu, rèn luyện vô cùng khó khăn gian khổ. Người có đạo đức phải là người được giáo dục, qua giáo dục và tự giáo dục. Thông qua hoạt động và giao lưu, con người hiểu rõ hơn về vai trò của lương tâm, nghĩa vụ, ý thức danh dự và các phẩm chất đạo đức cần thiết của cá nhân đối với đời sống cộng đồng.
Cùng với quá trình giáo dục là quá trình tự giáo dục, quá trình tự giáo dục là một quá trình "tự thân vận động", đòi hỏi phải có một nghị lực, một ý chí và quyết tâm cao để chiến thắng chính bản thân mình. Nếu không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên thì rất dễ bị gục ngã trước những cám dỗ của đồng tiền và tâm lý hưởng thụ. Do vậy, tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức không phải là một công việc dễ dàng và đơn giản Hồ Chủ tịch đã để lại cho chúng ta một kiệt tác về tinh thần tự rèn luyện:
Gạo đem vào giã bao đau đớn Gạo giã xong rồi trắng tựa bông Sống ở trên đời người cũng vậy Gian nan rèn luyện mới thành công.
Đạo đức không phải là cái gì sẵn có, mà nó được củng cố phát triển chủ yếu do sự đấu tranh rèn luyện hàng ngày, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cũng giống như "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Trên thực tế có nhiều sinh viên được giáo dục đạo đức và đã hiểu rất rõ các phạm trù, nguyên tắc đạo đức nhưng khi ra trường công tác thì lại hành động tỏ ra không có đạo đức, hoặc vi phạm đạo đức.
Việc phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên là một trong những nội
dung hiện đại hóa phương pháp giáo dục: Lấy học sinh làm trung tâm, giáo
viên là chủ đạo, là hoàn toàn phù hợp với nguyên lý "tự thân vận động" của triết học. Với ý nghĩa đó, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp cho sinh viên có cơ hội để thể hiện mình, để tự mình vươn lên trong cuộc sống. Tính tự giác, tính chủ động, vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của sinh viên là con đường tất yếu đối với sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của sinh viên ngày nay.