Đây là một hình thức dự trữ tài chính chuyên dùng thường được trích ra từ lợi nhuận sau thuế nhằm có nguồn để bù đắp thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Vấn đề trích lập quỹ chủ yếu phát sinh từ yêu cầu quản lý tài chính, không phải là đòi hỏi của kế toán.
Theo quy định hiện hành của NHNN, các ngân hàng nói riêng, các tổ chức tín dụng nói chung phải trích 10% lợi nhuận sau thuế để lập quỹ dự phòng tài chính, quỹ này sẽ được sử dụng để trang trải rủi ro phát sinh từ hoạt động ngân hàng. Có thể nói, đây là một biện pháp quản lý tài chính bắt buộc mang tính lịch sử cần được thực thi theo yêu cầu khách quan từ môi trường hoạt động kinh doanh đặc thù của Việt Nam, vốn có tỉ trọng các khoản cho vay chiếm trên 60% các khoản mục tài sản Có của ngân hàng. Mặt khác, do NHNN chưa đưa ra yêu cầu lập dự phòng giảm giá tài sản, hình thức dự trữ tài chính này còn giúp bảo đảm nguồn vốn, duy trì an toàn hoạt động của các ngân hàng và do đó bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Để thực hiện công tác trích lập quỹ dự phòng rủi ro đòi hỏi những nhà quản lý RRTD trong ngân hàng phải nắm vững các điểm sau:
- Một là, do được trích từ lợi nhuận sau thuế nên quỹ được trình bày trong phần nguồn vốn chủ sở hữu, bên tài sản Nợ của bảng tổng kết tài sản.
- Hai là, quỹ thường được lập vào cuối kỳ báo cáo sau khi đã xác định được kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Ba là, tỉ lệ trích lập quỹ cần được xác định trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp và giá trị ước tính nhu cầu sử dụng quỹ.
Tóm lại trong tình hình hiện nay, khi hoạt động ngân hàng còn khá đơn giản, chủ yếu tập trung vào hoạt động tín dụng như hiện nay, tổng dư Nợ cho vay của Ngân hàng là một khoản mục trọng yếu trong báo cáo tài chính, có thể nói lập dự phòng các khoản cho vay khó đòi là yêu cầu dự phòng chủ yếu và quan trọng nhất. Với hai phương pháp xử lý khác nhau đối với RRTD đã nêu trên, các nhà quản lý rủi ro cần nghiên cứu, xem xét và áp dụng sao cho phù hợp với thực tiễn hoạt động và khả năng của ngân hàng mình.
3.2.3 Nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các công cụ dẫn xuất tín dụng (credit derivatives) nhằm dự phòng kịp thời rủi ro tín dụng. (credit derivatives) nhằm dự phòng kịp thời rủi ro tín dụng.
Có thể nói, hiện nay các nỗ lực của nhà quản lý rủi ro tín dụng tập trung vào hai lĩnh vực. Một là phát triển các mô hình đo lường RRTD và hai là đưa ra các hợp đồng dẫn xuất (phái sinh) để có thể chuyển giao RRTD. Các công cụ dẫn xuất (CCDX) là một biện pháp đem lại hiệu quả rõ rệt song do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chúng chưa được sử dụng phổ biến trong các ngân hàng ở VN. Đặc điểm chung của các công cụ quản lý rủi ro này là chúng giữ nguyên các tài sản Có trên sổ sách kế toán của các tổ chức khởi tạo ra những tài sản đó, đồng thời chuyển giao một phần RRTD sẵn có trong những tài sản này sang các đối tác khác, thông qua đó sẽ đạt một số mục tiêu như có thể chuyển giao RRTD mà không phải bán tài sản Có đi, bởi việc bán tài sản Có sẽ làm suy yếu mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Về giải pháp sử dụng các CCDX xin được tập trung vào hai công cụ chính là Swap tổng lợi tức và Swap tín dụng.