3. Tổ chức thực hiện đề án
3.1.2. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng
- Về đổi mới nội dung đào tạo bồi dưỡng
Trên thực tế, việc đổi mới hoàn toàn nội dung là quá lớn, vượt tầm của một trung tâm cấp huyện. Đổi mới nội dung được đề cập ở đây là các biện pháp vừa đảm bảo khung lý thuyết cơ bản, vừa gắn với nội dung thực tiễn tại địa phương trong từng thời kỳ.
* Biện pháp thực hiện
Công việc này cần tiến hành theo hai hướng cơ bản sau:
- Căn cứ vào định hướng, khung chương trình, nội dung cơ bản của các bài giảng do cấp trên ấn định, lãnh đạo trung tâm và từng giảng viên cụ thể hoá trong chương trình từng lớp và từng bài soạn, trong đó nhất thiết phải có phần liên hệ thực tiễn. Phải "địa phương hoá" những nội dung các lớp bồi dưỡng sát với điều kiện, hoàn cảnh của huyện và gần hơn với nhu cầu cũng như khả năng tiếp thu của người học. Công việc này đặc biệt quan trọng với những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng cán bộ các đoàn thể.
- Không thụ động với các chương trình có sẵn và theo sự chỉ đạo từ trên, Trung tâm cần bám sát yêu cầu thực tiễn của các địa phương và các ngành để chủ động đề xuất mở những lớp bồi dưỡng như đã từng làm như: bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, bồi dưỡng về truyền thống quê hương…
- Về đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng * Mục tiêu của giải pháp:
Về phía giảng viên, giúp giảng viên linh hoạt trong việc truyền đạt nội dung, tránh nặng nề trong diễn đạt. Về phía học viên, giúp học họ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, khắc phục những biểu hiện tư duy bị động, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học LLCT.
* Biện pháp thực hiện:
Thứ nhất, công tác chuẩn bị: Đây là khâu hết sức quan trọng trong quá trình dạy học, cũng là yếu tố tạo tâm lý thoải mái, tự tin cho giảng viên khi lên lớp. Công tác chuẩn bị theo tôi nên thực hiện theo các bước:
Bước 1: Trước hết giảng viên phải tìm hiểu sơ lược về đối tượng dạy, trả lời câu hỏi ''dạy cho ai?'' để khi trình bày vấn đề, thể hiện phong cách sư phạm, lấy dẫn chứng, ví dụ... cho phù hợp. Mặt khác, trong đối tượng đó bản thân mình quen biết những ai để bước đầu tạo bầu không khí tâm lý lớp học sôi nổi, cởi mở, thân mật.
Bước 2: Giảng viên nghiên cứu giáo trình, nội dung bài dạy và tìm kiếm những thông tin, ví dụ, dẫn chứng có liên quan. Yêu cầu người dạy phải nắm chắc nội dung và chuyển hoá nội dung thành cách hiểu của mình, cách diễn đạt của mình thì mới tạo điều kiện để khi lên bục giảng thoát ly được giáo án và trình bày các vấn đề một cách lôgíc. Nhưng muốn có thông tin người dạy phải có quá trình tích luỹ và nên ghi vào sổ những thông tin đã từng được đọc, nghe và chứng kiến rồi lựa chọn liên kết với nội dung dạy.
Bước 3: Thiết kế bài dạy. Trước hết nên xây dựng kế hoạch bài giảng, nó mang tính khái quát, tóm tắt khoảng bài giảng và phân bổ thời gian hợp lý. Thiết kế giáo án người dạy phải dự kiến được các tình huống dạy học có thể xảy ra và nên đưa một hệ thống câu hỏi trong đó có câu hỏi chính và câu hỏi gợi mở để dẫn dắt.
Thứ hai, tiến hành lên lớp: Trước hết phải tạo bầu không khí tâm lý sôi nổi, hợp tác. Đối với giảng viên nên có khâu chuẩn bị tâm lý cho mình thoải mái phù hợp với từng đối tượng học viên. Việc đặt vấn đề, đặt câu hỏi linh hoạt gợi mở, lấy dẫn chứng, ví dụ minh hoạ thiết thực tạo sự cuốn hút cho học viên tham dự. Cách neo chốt kiến thức gắn gọn, súc tích dễ nhớ, dễ hiểu.