Vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng tăng trưởng, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, … Về quy mô, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP quý I năm 2016 đạt 32,2% GDP. Tỷ lệ này đã ở mức khá cao so với tỷ lệ cả năm 2015 (32,6%) và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP và tốc độ tăng trưởng GDP (giá so sánh) năm 2015 đã giảm so với năm 2014 (4,88 lần so với 5,18 lần) và thấp nhất trong hàng chục năm qua (lần đầu tiên tính từ năm 2006 đã xuống dưới 5 lần). Điều đó chứng tỏ hiệu quả đầu tư cao lên so với trước. Đây là kết quả tích cực.
Mục tiêu năm 2016 là tăng trưởng kinh tế cao hơn, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm xuống đã hàm ý rằng phải nâng cao hiệu quả đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư (thể hiện bằng hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP với tốc độ tăng GDP) giảm, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn. Vì vậy, có thể thấy xu hướng chuyển dịch cơ cấu các nhóm nguồn vốn sẽ diễn ra theo hai hướng: Hướng thứ nhất là tăng lượng vốn đầu tư phát triển từ hai nguồn. Nguồn vốn khu vực nhà nước chủ yếu tăng thông qua cổ phần hóa (thực hiện kế hoạch đã đề ra), thoái vốn ngoài ngành. Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước chủ yếu tập trung vào việc thu hút nguồn vàng, ngoại tệ còn tồn đọng lớn trong dân, vừa tiếp tục hạn chế tình trạng vàng hóa, đô la hóa, trên cơ sở khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, hạn chế tình trạng phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang là thời cơ tập trung vào những ngành chế biến, chế tạo…
Hướng thứ hai và là hướng chủ yếu: nâng cao hiệu quả đầu tư, trên cơ sở giảm mạnh hơn nữa tỷ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và tốc độ tăng GDP. Để giảm hệ số trên, một mặt cần chuyển ngạch cơ cấu nguồn vốn đầu tư (tăng nguồn vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước vì khu vực này có hiệu quả đầu tư cao); mặt khác nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước trên cơ sở giảm thiểu tình trạng dàn trải, thi công kéo dài, tình trạng lãng phí, thất thoát…
Do vậy, cần chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo nguồn (loại hình kinh tế), bởi hiệu quả đầu tư của nguồn vốn ngoài nhà nước thường cao gấp đôi nguồn vốn nhà nước. Mặt khác cần giảm lãng phí, thất thoát vốn trong quá trình quy hoạch, đầu tư, thi công, tránh dàn trải, thi công kéo dài... trong đầu tư công, rà soát lại các công trình chưa thật cần thiết…