Một số giải pháp về phía công ty Siêu thị Hà Nộ

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nguồn lực tài chính nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh tại công ty Siêu thị Hà Nội.DOC (Trang 42 - 47)

4.3.1.1. Giải pháp về huy động các nguồn lực tài chính của công ty

Hiện tượng thiếu vốn đầu tư là khó khăn chung hiện nay của tất cả các doanh nghiệp trong nước để mở rộng năng lực kinh doanh của mình. Điều này đặc biệt cần thiết đối với công ty Siêu thị Hà Nội bởi đây là doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ nên nhu cầu về vốn rất cao đặc biệt là vốn lưu động... Việc tăng nguồn vốn kinh doanh sẽ giúp công ty tăng thêm sức cạnh tranh của mình so với đối thủ và có thể kịp thời nắm bắt các cơ hội kinh doanh của mình. Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng rất lớn bởi nguồn lực tài chính, vì thiếu vốn kinh doanh nên công ty chưa phát huy được hết tiềm lực của mình. Do vậy để tăng nguồn vốn kinh doanh của mình thì công ty nên tìm kiếm các nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn, cụ thể:

* Tìm kiếm các nguồn vốn ngắn hạn

- Gia tăng khả năng chiếm dụng vốn của công ty: Để đảm bảo nhu cầu vốn lưu động của mình trước hết công ty phải huy động tối đa các nguồn lực tài chính bên trong của mình, tăng cường huy động các nguồn vốn ngắn hạn chưa đến hạn thanh

toán như: Các khoản phải trả công nhân viên, thuế và các khoản phải nộp ngân sách chưa đến kỳ hạn trả. Lợi thế của các khoản này là chi phí thấp.

- Nguồn vốn ngắn hạn của công ty có thể huy động từ chính sách bình ổn giá của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Hàng năm Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện các chương trình bình ổn giá theo chỉ thị của chính phủ nhằm hỗ trợ cho việc mua sắm của nhân dân trước tình hình “bão giá” như hiện nay. Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ cung cấp nguồn vốn vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp bán lẻ đăng ký bình ổn giá. Hiện nay công ty Siêu thị Hà Nội cũng là một trong những thành viên đi đầu trong việc triển khai chính sách này nên được nhà nước ưu tiên trợ cấp vốn với lãi suất 0% thời hạn thường là 10 tháng đến một năm. Do vậy để có thể huy động tốt hơn nữa nguồn vốn này thì công ty cần phải phát huy triệt để vai trò “ bình ổn giá” của mình, thực hiện bình ổn giá trên tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại đối với một số mặt hàng nhà nước quy định, đảm bảo được số lượng hàng hóa bình ổn giá đến được tay người tiêu dùng. Có như vậy thì Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội mới tin tưởng và cấp vốn ưu đãi cho công ty.

* Tìm kiếm các nguồn vốn dài hạn

- Vốn dài hạn từ ngân sách Nhà nước: Hiện nay nguồn vốn dài hạn của công ty chủ yếu là do ngân sách nhà nước cấp thông qua Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dựa vào chiến lược và nhu cầu vốn kinh doanh hàng năm của công ty Siêu thị Hà Nội, xem xét rồi tiến hành phân bổ vốn. Nguồn vốn của công ty siêu thị được cấp nhiều hay ít là do tính khả thi trong các dự án kinh doanh của công ty và hiệu quả kinh doanh hàng năm của công ty mang lại. Do vậy để có thể huy động nhiều hơn nữa vốn kinh doanh dài hạn thì công ty Siêu thị Hà Nội bắt buộc phải làm ăn có hiệu quả, phải xây dựng và khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường bán lẻ, đồng thời phải có tiềm năng phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai.

- Tăng nguồn vốn chủ sở hữu: Tuy là một đơn vị hạch toán phụ thuộc của một doanh nghiệp nhà nước, song ngoài việc phải nộp thuế và một phần lợi nhuận cho ngân sách nhà nước thì lợi nhuận kinh doanh của công ty vẫn được giữ lại nhằm duy trì hoạt động kinh doanh của công ty trong những năm tiếp theo. Do vậy để tăng nguồn vốn chủ sở hữu tức là phải tăng lợi nhuận giữ lại của công ty. Muốn vậy thì

công ty phải nâng cao hơn nữa việc sử dụng các nguồn lực, phát huy hơn nữa lợi thế kinh doanh của mình nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty.

4.3.1.2. Giải pháp về phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính của công ty * Phân bổ nguồn lực tài chính của công ty

Tính đến năm 2010, nguồn VCĐ chiếm 60% tổng nguồn vốn kinh doanh của công ty. Quá trình mở rộng mạng lưới kinh doanh của công ty sang các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Bắc đòi hỏi công ty cần phải có một lượng vốn cố định lớn để đầu tư thuê địa điểm kinh doanh, mua sắm máy móc, trang thiết bị...Tuy nhiên nếu nguồn VCĐ được sử dụng quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của công ty bởi nguồn vốn này không trực tiếp tạo ra doanh thu. Là một doanh nghiệp bán lẻ, thì nhu cầu VLĐ hàng năm rất cao bởi nguồn vốn này phục vụ cho việc mua hàng hóa về dự trữ và kinh doanh. Do vậy trong những năm tiếp theo công ty cần đầu tư hơn nữa cho nguồn VLĐ của mình, nâng cao tỷ trọng nguồn VLĐ trong cơ cấu nguồn vốn.

* Tăng cường hiệu quả sử dụng VCĐ

VCĐ có đặc điểm sử dụng trong dài hạn, chi phí sử dụng VCĐ được chuyển dần vào giá trị hàng hóa. Việc sử dụng TSCĐ hiệu quả hay không ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của công ty. Các giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng VCĐ của công ty bao gồm:

- Bảo toàn và phát triển VCĐ: Bảo toàn vốn là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Bảo toàn VCĐ về mặt hiện vật là phải duy trì thường xuyên năng lực sản xuất ban đầu của TSCĐ. Nghĩa là trong quá trình sử dụng công ty phải theo dõi, quản lý chặt chẽ không làm mất mát, không để hư hỏng trước thời hạn quy định. Bảo toàn VCĐ về mặt giá trị là duy trì được sức mua của vốn cố định ở mọi thời điểm so với thời điểm bỏ vốn đầu tư ban đầu.

- Tăng mức luân chuyển hàng hóa: Làm được như vậy chẳng những khai thác hết công suất TSCĐ mà còn góp phần giảm chi phí TSCĐ trên một đơn vị hàng hóa kinh doanh nhờ đó sẽ góp phần làm giảm giá bán nhờ chi phí thấp.

- Xây dựng kết cấu TSCĐ hợp lý: Tỷ trọng TSCĐ phải thấp hơn tỷ trọng VLĐ, TSCĐ đang sử dụng trong sản xuất kinh doanh phải lớn ngược lại TSCĐ chờ thanh lý phải chiếm tỷ trọng nhỏ.

- Sử dụng hợp lý quỹ khấu hao TSCĐ: Lựa chọn phương pháp khấu hao thích hợp đối với từng loại TSCĐ nhằm đảm bảo thu hồi kịp thời và đầy đủ TSCĐ

* Tăng cường hiệu quả sử dụng VLĐ

Cơ cấu VLĐ chiếm tỷ trọng tương đối trong cơ cấu nguồn vốn của công ty (năm 2010, chiếm 40% tổng nguồn vốn kinh doanh). Hiệu quả kinh doanh của công ty phụ thuộc cơ bản vào hiệu quả sử dụng VLĐ, bởi VLĐ là nguồn vốn trực tiếp tạo ra doanh thu cho công ty. Dưới đây là một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn lưu động của công ty:

- Tăng cường công tác quản lý HTK

Hiện nay HTK trong hệ thống các siêu thị bán lẻ của công ty còn khá nhiều, vẫn còn nhiều mặt hàng chậm tiêu thụ nên có khối lượng hàng tồn là khá lớn như nhóm hàng quần áo, đồ diện gia dụng...HTK cao sẽ gây ứ đọng vốn kinh doanh, làm giảm tốc độ chu chuyển và vòng quay vốn kinh doanh do vậy sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh của công ty. Đứng trước tình trạng này để giải quyết tốt HTK công ty cần sử dụng các biện pháp sau:

+ Quản lý tốt lực lượng dự trữ hàng hóa, để kịp thời thanh lý hàng ứ đọng, tồn kho chậm luân chuyển để giải phóng vốn. Tức là cán bộ quản lý kho ở các chuỗi siêu thị của công ty phải thường xuyên kiểm kê hàng hóa, xem xét số lượng hàng hóa còn tồn đọng, những mặt hàng nào chậm tiêu thụ... Để từ đó kiến nghị lên ban Giám đốc công ty để công ty có những giải pháp kịp thời nhằm thanh lý hàng ứ đọng, tồn kho đó.

+ Giảm giá những mặt hàng đã tồn đọng lâu ngày có thể sử dụng một phần hàng hóa để làm đồ khuyến mại kèm theo khi bán các sản phẩm hàng hóa khác. Đây chính là một trong những giải pháp Marketing hữu hiệu nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ thường dùng. Với các chiêu thức quảng cáo tung ra như mua 2 tặng 1, chiết khấu hàng hóa với những hóa đơn mua hàng có giá trị từ 500 nghìn đồng trở lên...Các chiêu thức này không những kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng mà còn giúp cho công ty giải phóng được một lượng lớn hàng tồn kho của mình. Việc giảm giá hay tặng kèm với hàng hóa khác sẽ giúp cho công ty giảm bớt rủi ro và tiết kiệm được chi phí hơn so với việc thanh lý hay hủy bỏ hàng tồn kho khi nó hết hạn sử dụng.

Hiện nay công ty đã mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình sang các tỉnh ở khu vực phía Bắc như: Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình... Việc mở rộng mạng lưới tiêu thụ sẽ giúp cho công ty có một thị trường tiêu thụ rộng hơn và bán được nhiều hàng hóa hơn, góp phần làm giảm lượng hàng tồn kho trong công ty. Mặt khác ở những tỉnh mà công ty chưa xây dựng được các địa điểm kinh doanh thì công ty có thể tổ chức bán hàng lưu động ở các tỉnh đó vào những ngày lễ tết hay vào các dịp hội chợ...Việc bán hàng lưu động ở các tỉnh này không những giúp cho công ty gia tăng được doanh số bán, giảm lượng hàng hóa tồn kho mà còn giúp cho công ty tìm hiểu rõ hơn về thị trường này để xác định xem sức cầu ở thị trường này ra sao, tiềm năng của nó thế nào... Các nhà quản trị sẽ tiến hành xem xét, phân tích và đưa ra quyết định có nên đầu tư vào thị trường này hay không.

+ Công tác quản lý HTK trong nội bộ công ty cũng nên tổ chức theo hướng phân cấp cụ thể, hợp lý, giao chỉ tiêu kinh doanh xuống các đơn vị bán lẻ, đơn vị nào hoàn thành đạt mục tiêu sẽ được thưởng. Do bản chất là đơn vị nhà nước nên hàng năm công ty Siêu thị Hà Nội nói chung và các siêu thị bán lẻ Hapromart nói riêng đều được giao nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm. Khi được giao nhiệm vụ thì bản thân những nhà quản trị, những cán bộ quản lý trong công ty phải lập ra những kế hoạch kinh doanh cụ thể để đạt được những mục tiêu mà cấp trên giao phó.

+ Rút ngắn thời gian làm thủ tục mua bán, vận chuyển: Thủ tục rườm rà, vận chuyển mất nhiều thời gian sẽ làm ứ đọng hàng hóa, giảm hiệu quả sử dụng vốn. Vì vậy thực hiện tốt các thủ tục hành chính và lựa chọn phương tiện vận tải phù hợp cũng là vấn đề rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.

- Quản lý vốn trong thanh toán

Quản lý tốt vốn trong thanh toán sẽ làm tăng tốc độ luân chuyển của VLĐ, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, làm tăng doanh thu và lợi nhuận cho Công ty Siêu thị Hà Nội. Đồng thời điều này còn tạo uy tín và thế đứng vững vàng cho công ty trên thị trường dựa vào việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp với bạn hàng. Hạn chế khoản vốn bị chiếm dụng đến mức thấp nhất. Tuy nhiên việc quản lý các khoản phải thu, phải trả cũng cần đảm bảo sao cho phù hợp lợi ích giữa các bên

với nhau. Để thúc đẩy tốc độ thu hồi các khoản phải thu, công ty cần chú ý các vấn đề sau:

+ Tìm hiểu rõ thực trạng nguồn vốn của khách hàng, thường xuyên thu thập các thông tin về họ để có thể kiểm soát được khả năng thanh toán, có thể tìm hiểu qua báo cáo tài chính hàng năm trên trang web của công ty ( nếu là công ty cổ phần), hoặc có thể tìm hiểu nguồn lực tài chính của công ty đó qua ngân hàng hay các tổ chức tín dụng...Từ đó công ty sẽ lựa chọn đối tác kinh doanh có triển vọng, có thể đáp ứng nhu cầu thanh toán cho công ty một cách tốt nhất.

+ Ưu đãi về giá cả, điều kiện vận chuyển để khuyến khích khách hàng đẩy nhanh quá trình thanh toán. Công ty nên thực hiện chiết khấu thương mại nếu khách hàng mua với một số lượng lớn hàng hóa, vận chuyển hàng hóa đến tận nơi với những hóa đơn thanh toán có giá trị cao (bán kính tối đa 15km) với việc hỗ trợ khách hàng tốt như vậy sẽ khuyến khích khách hàng sớm thanh toán khoản nợ của mình với công ty.

- Sử dụng chi phí kinh doanh hợp lý

Việc sử dụng chi phí kinh doanh hợp lý sẽ giúp cho công ty giảm được chi phí, gia tăng lợi nhuận trên một đồng vốn bỏ ra góp phần nâng cao năng suất lao động. Để sử dụng chi phí kinh doanh hợp lý, trong hoạt động của mình công ty cần phải thực hiện những giải pháp sau:

+ Tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng điện, điện thoại, fax, văn phòng phẩm.

+ Tiết kiệm trong hội nghị, tiếp khách

+ Tiết kiệm trong mua sắm: Để giảm thiểu chi phí trong mua sắm thì bản thân công ty cần phải tìm kiếm và lựa chọn các nhà cung ứng có nguồn hàng đa dạng, giá cả hợp lý.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nguồn lực tài chính nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh tại công ty Siêu thị Hà Nội.DOC (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(51 trang)
w