Tổng quan về triết học siêu nghiệm của I.Kant

Một phần của tài liệu Phép biện chứng siêu nghiệm của I.Kant trong Phê phán lý tính thuần túy (Trang 42 - 48)

8. Kết cấu của luận văn

1.3. Tổng quan về triết học siêu nghiệm của I.Kant

Với Kant, triết học siêu nghiệm là môn siêu hình học nền tảng mà ông muốn xây dựng. Hệ thống triết học Kant được tiếp thu trong giai đoạn đầu nghiên cứu của ông - một hệ thống triết học thống trị tại Đức: triết học Lépnít - Vônphơ. Đó là chủ nghĩa duy lý, giáo điều, với khẳng định: tất cả những gì mà lý tính của tôi phát biểu về thế giới đều là chân thực. Có nghĩa là, khả năng phát triển một hình ảnh đúng đắn, chân thực về thế giới xuất phát từ những nguyên tắc (bẩm sinh) của lý tính, không cần đến sự trợ giúp của kinh nghiệm. Và đối với chủ nghĩa duy lý, kinh nghiệm không còn là nền tảng và cũng không phải là giới hạn của nhận thức con người. Siêu hình học như thế được hiểu là một khoa học vượt ra khỏi mọi kinh nghiệm để đạt tới cái siêu cảm tính. “Đã có thời siêu hình học được mệnh danh là nữ hoàng của mọi ngành khoa học” [17, 5].

Sau đó, tư tuởng của Kant đã diễn ra sự chuyển biến mạnh mẽ. Kant được đánh thức khỏi cơn mê giáo điều và đưa triết học của ông phát triển theo một hướng mới. Chính John Locke là người đã ảnh hưởng tới Kant. John Locke là người đi những bước đi đầu tiên đã đặt ra mục tiêu giống hệt Kant là khảo sát nguồn gốc, sự vững chắc và phạm vi của tri thức con người. Kant cho rằng John Locke đã đi một bước quyết định để mở đường cho lý trí với những tiêu chuẩn hoàn toàn mới mẻ. Sau John Locke, những kết luận có tính chất hoài nghi mà Davit Hium đã rút ra khi tìm hiểu khả năng của tri thức,

chắc chắn được xuất phát từ học thuyết của Locke. Locke cho rằng không có cái gì có trong lý trí mà trước đó không có trong cảm tính. Đó là chủ nghĩa kinh nghiệm triệt để. Duy nhất chỉ có kinh nghiệm là nguồn gốc và cũng là giới hạn của nhận thức của ta mà thôi. Đối với chủ nghĩa kinh nghiệm như thế siêu hình học với nghĩa là môn khoa học về cái siêu cảm tính không có sức thuyết phục. Vì bản thân kinh nghiệm không đem lại cơ sở cho cái siêu cảm tính. Sự ngờ vực quyền hạn của chủ nghĩa duy lý đã khiến Kant rời xa khỏi siêu hình học giáo điều. Kant muốn khảo sát siêu hình học và muốn nghiên cứu siêu hình học. Lần đầu tiên, quy định mới của Kant về về siêu hình học được phát biểu, siêu hình học là khoa học về những giới hạn của lý tính con người. Nhiệm vụ của triết học Kant là xác định giới hạn đó “Triết học siêu nghiệm là ý tưởng, hay đúng hơn là bản thân ý niệm về một khoa học mà sự phê phán lý tính thuần túy chỉ là sự phác họa toàn bộ kế hoạch một cách kiến trúc, tức là bao gồm các nguyên tắc đảm bảo sự hoàn chỉnh và vững chắc trong mọi bộ phận để tạo nên Tòa nhà triết học này” [17, 106 -107].

Triết học siêu nghiệm (Transzendentalphilosophie) diễn tả sự linh hoạt, khả năng vượt của trí tuệ con người. Siêu nghiệm hay “ở trên kinh nghiệm” gần với chữ “tiên nghiệm ” (a priori) là một trong những đặc tính của triết học siêu nghiệm, diễn tả tính độc lập và giá trị phổ quát khác với những dữ kiện thường nghiệm hay hậu thiên (a posteriori) của kinh nghiệm. Nhưng “tính tiên thiên” của những mô thức trong triết học siêu nghiệm tuy độc lập hoàn toàn với kinh nghiệm, nhưng chúng lại là những điều kiện chỉ có giá trị khách quan khi được ứng dụng vào thực tại bên ngoài để tạo nên tri thức về sự vật cho chúng ta. Kant cho rằng: “Tôi gọi mọi nhận thức là siêu nghiệm khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu chung về phương cách nhận thức của ta về các đối tượng, trong chừng mực phương cách ấy có thể có

được một cách tiên nghiệm. Một hệ thống các khái niệm như vậy sẽ được gọi là triết học siêu nghiệm”. [17, 105].

Không phải bất kỳ nhận thức tiên nghiệm nào cũng là siêu nghiệm, trái lại, chỉ những nhận thức tiên nghiệm cho ta biết tại sao và bằng cách nào một số biểu tượng chỉ được hay chỉ có thể được áp dụng một cách tiên nghiệm mới được gọi là siêu nghiệm. Các khoa học tuy chứa đựng toàn các nhận thức tiên nghiệm (toán học) hay một số yếu tố tiên nghiệm (khoa học tự nhiên) nhưng không phải là triết học siêu nghiệm. Trước hết nhận thức siêu nghiệm phải chứng minh rằng quả thật có một số biểu tượng “không có nguồn gốc thường nghiệm, tức là tiên nghiệm (như mô thức của trực quan: không gian và thời gian và các khái niệm thuàn túy của giác tính – các phạm trù)”. Thứ hai chứng minh các biểu tượng tiên nghiệm ấy có thể và bằng cách nào “quan hệ được với các đối tượng của kinh nghiệm” một cách tiên nghiệm. Vì lý do đó, không gian hay bất kỳ tính quy định hình học tiên nghiệm nào về không gian đều không phải là một biểu tượng siêu nghiệm, trái lại, chỉ có nhận thức rằng các biểu tượng này không hề có nguồn gốc thường nghiệm và chính khả thể làm thế nào để nhận thức ấy, mặc dù là tiên nghiệm vẫn có thể quan hệ được với những đối tượng của kinh nghiệm mới có thể được gọi là siêu nghiệm. Lý luận siêu nghiệm như đã nói là học thuyết về những điều kiện tiên nghiệm của nhận thức chúng ta (gồm Cảm năng học siêu nghiệm, Logic học siêu nghiệm và nói chung là triết học siêu nghiệm). “Triết học siêu nghiệm có đặc điểm riêng biệt này: ngoài quy tắc vốn được mang lại trong khái niệm thuần tuý của giác tính, nó đồng thời có thể chỉ ra một cách tiên nghiệm các quy tắc ấy phải được áp dụng trong trường hợp nào. Ưu thế mà triết học siêu nghiệm có được trong việc này đối với các khoa học khác (ngoại trừ toán học) là do nguyên nhân sau: nó chỉ nghiên cứu các khái niệm liên hệ với đối tượng của chúng một cách tiên nghiệm, do đó, tính giá trị khách quan của các khái niệm này

không thể được chứng minh bằng cách hậu nghiệm…” [17, 377]. Các đối tượng của học thuyết này như là các quan năng nhận thức tương ứng, bản thân các mô thức tiên nghiệm và cả chủ thể siêu nghiệm như là sự thống nhất siêu nghiệm của thông giác đều được gọi là siêu nghiệm.

Kant muốn khai phá con đường mới trước đó chưa ai đi nhằm đưa siêu hình học ra khỏi bế tắc bằng cách thiết lập một toà án: “Rõ ráng thái độ này không phải là hậu quả của sự nhẹ dạ mà là của óc phán đoán đã chín muồi của thời đại, không chịu chấp nhận một tri thức giả mạo nào nữa cả và là một sự kêu đòi lý tính hãy, một lần nữa, làm công việc khó khăn, vất vả nhất trong mọi công việc của nó, đó là công việc tự nhận thức chính mình; và hãy thiết lập một phiên tòa để vừa bảo vệ những yêu sách chính đáng, đồng thời bác bỏ mọi đòi hỏi không có cơ sở, không phải bằng các phán quyết độc đoán mà dựa trên các quy luật hằng cửu và bất di bất dịch của lý tính. Tòa án này không gì khác hơn là sự phê phán bản thân lý tính thuần túy” [17, 8].

Trái với thuyết duy nghiệm, nhận thức này có những nhận thức phổ quát và tất yếu. Do đó, nhận thức độc lập với kinh nghiệm (nhận thức thuần tuý tiên nghiệm) là có cơ sở. Nhưng đồng thời, trái với thuyết duy lý, nhận thức này chỉ có hiệu lực trong phạm vi kinh nghiệm khả hữu mà thôi và chỉ được sử dụng trong phạm vi này. Như vậy, đối với những đối tượng bên ngoài phạm vi của kinh nghiệm mọi khẳng định của lý tính là không có cơ sở. Lý tính sẽ rơi vào chỗ tự mâu thuẫn nếu chỉ đùa giỡn với các khái niệm của chính mình. Cả hai phái duy lý lẫn duy nghiệm đều phạm sai lầm: có những ý niệm của lý tính thuần tuý nhưng chỉ như các nguyên tắc điều hành để định hướng và thúc đẩy sự tăng tiến của kinh nghiệm chứ không phải các nguyên tắc cấu tạo nên kinh nghiệm. Các đối tượng đích thực của siêu hình học phải dành cho lý tính thực hành, tức lĩnh vực tu dưỡng đạo đức và nhân sinh.

Kant phản đối phái duy lý, vì theo ông, chỉ với tư duy đơn thuần, không thể nhận thức được thực tại. Ông cũng bác bỏ thuyết duy nghiệm, vì tuy Kant thừa nhận rằng mọi nhận thức bắt đầu từ kinh nghiệm nhưng không phải tất cả đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Kant muốn chứng mình rằng kinh nghiệm cũng không thể có được nếu không có những nguồn suối độc lập với kinh nghiệm. Như vậy theo Kant, Siêu hình học không phải là môn học thường nghiệm mà phải là học thuyết siêu nghiệm về kinh nghiệm.

Kant không trực tiếp dùng chữ “phương pháp siêu nghiệm” nhưng ta hiểu tinh thần cốt lõi của phương pháp này là: điểm xuất phát của triết học không phải là kinh nghiệm được chấp nhận một cách ngây thơ về những đối tượng được mang lại một cách cảm tính mà là sự phản tư về chủ thể nhận thức và về những điều kiện nằm bên trong chủ thể vể khả năng của nhận thức khách quan. Vì Kant cho rằng các điều kiện tiên nghiệm này chỉ có thể được dùng để cấu tạo nên những đối tượng như là hiện tượng thôi nên phương pháp siêu nghiệm sẽ dẫn ông đến thuyết duy tâm siêu nghiệm hay thuyết phê phán siêu nghiệm.

Mục đích của sự phê phán siêu nghiệm, như đã nói “không phải là mở rộng mà là điều chỉnh và hướng dẫn nhận thức, lấy đó làm tiêu chuẩn để kiểm tra mọi nhận thức tiên nghiệm xem có giá trị hay không” [17,105]. Nó là bước chuẩn bị cần thiết để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh về lý tính thuần túy - tức là siêu hình học mà Kant gọi là triết học siêu nghiệm. Triết học siêu nghiệm, tức học thuyết về Siêu hình học đã được điều chỉnh theo phương pháp mới, chỉ có thể hình thành sau khi việc phê phán siêu nghiệm đã giải quyết về nguyên tắc các điều kiện khả thể của nó. Kant nhấn mạnh: “Phê phán lý tính thuần túy nghiên cứu những gì tạo nên Triết hoc siêu nghiệm, nó là ý niệm toàn diện về triết học siêu nghiệm nhưng chưa phải là bản thân môn khoa học

này vì nó chỉ làm công việc phân tích trong mức độ cần thiết để hiểu được đầy đủ nhận thức tổng hợp tiên nghiệm” [17, 107].

Từ việc phát hiện các yếu tố tiên nghiệm trong “Phê phán siêu nghiệm”, triết học siêu nghiệm sẽ là hệ thống tất cả các nguyên tắc của lý tính thuần túy, triển khai các yếu tố ấy một cách toàn diện trong lãnh vực nhận thức tự nhiên và nhất là trong sinh hoạt đạo đức. Với Kant, triết học siêu nghiệm là môn siêu hình học nền tảng mà ông muốn xây dựng. Điều đó có nghĩa là, siêu hình học không phải là môn học thường nghiệm mà phải là học thuyết siêu nghiệm về kinh nghiệm. Điều không thể phủ nhận chính là luận điểm của ông cho rằng: nhiệm vụ của triết học là phá hủy mọi ảo tưởng, khắc phục sự huyễn hoặc, vì “thời đại chúng ta đích thực là thời đại của sự phê phán, buộc tất cả phải phục tùng tòa án của lý tính” [17,8], cùng với cuộc cách mạng Copernic về chủ thể siêu nghiệm; sự kết hợp giữa học thuyết về nhận thức và học thuyết về đối tượng; sự chứng minh các yếu tố tiên nghiệm trong nhận thức cũng như sự phân biệt giữa hiện tượng và vật tự nó đã cải biến sâu sắc nội dung của siêu hình học vốn được xem là môn “đệ nhất triết học”. Với quan niệm cho rằng, toàn bộ siêu hình học truyền thống đã lấy lý tính làm nền tảng cơ sở, và từ đó cố gắng xây dựng hệ thống triết học của mình dựa trên quan niệm về lý tính thuần túy, Kant đã khẳng định hạn chế của toàn bộ siêu hình học truyền thống là nó nghiên cứu sự hoạt động của lý tính một cách sai lệch. Kant phê phán quan niệm của siêu hình học truyền thống về năng lực lý luận của lý tính. Qua đó, tư tưởng của ông làm thay đổi hẳn bộ mặt của triết học Tây phương. Đồng thời, nó cũng khẳng định vững chắc vị trí và công lao lịch sử của Kant. Ông đã đánh đổ siêu hình học cổ truyền ở cả ba trụ cột chính: Vũ trụ học thuần lý, tâm lý học thuần lý và thần học thuần lý.

Kant không cần chống lại một nền siêu hình học mà trong thế kỷ của ông không còn được ai tin nữa và ông đã phơi bày rõ thái độ thờ ơ, dửng dưng phổ biến thời bấy giờ. Đúng ra, ông đã giải thích sự thất bại của nó, tạo cho toàn bộ mục đích của siêu hình học các cơ sở mới bắt nguồn từ việc nghiên cứu bản thân lý tính. Như thế, điều Kant thật sự quan tâm không phải lao vào một cánh cửa đã mở. Điều khiến ông bất bình không phải là một tình trạng bế tắc, không thể cứu vãn của siêu hình học mà là thái độ bàng quan trước tình trạng ấy. Ông chỉ ghi nhận tình trạng của siêu hình học nhưng ông phản đối việc khinh thị các vấn đề siêu hình học, người ta có thể thờ ơ trước những cuộc tranh cãi tư biện vô vị, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học tự nhiên, nhưng không được dửng dưng trước “các vấn đề thiết cốt của bản tính con người” [17, 7]. Những vấn đề ấy tuy mỗi thời có thể đặt ra mỗi khác nhưng chỉ siêu hình học mới trả lời được. Đó cũng là vấn đề then chốt xuyên suốt các tác phẩm triết học của Kant.

Một phần của tài liệu Phép biện chứng siêu nghiệm của I.Kant trong Phê phán lý tính thuần túy (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)