7. Cấu trúc khóa luận
2.2.1. Miêu tả ngoại hình
Ngoại hình là diện mạo, là vẻ bề ngoài của nhân vật. Trong tác phẩm
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, thế giới nhân vật vô cùng đa dạng. Thế giới đó có cả con người và loài vật. Vì vậy, khi nói đến ngoại hình nhân vật trong tác phẩm cũng là nói đến ngoại hình của cả con người và loài vật.
Trước hết, nhà văn miêu tả ngoại hình của các con vật Mèo Gấu, Áo Hoa, Tí Hon, Út Hoa, giáo sư Chuột Cống.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, ngoại hình của các con vật hiện lên một cách đáng yêu. Tả về Áo Hoa, Nguyễn Nhật Ánh phác họa bằng chi tiết ấn tượng: Nhà văn miêu tả bộ lông của Áo Hoa rất êm ái và mềm mại như “cục bông”. Đối với chàng Mèo Gấu, ấn tượng ngoại hình chính là màu trắng và màu đen từ bộ lông trên cơ thể: “Gấu là một con mèo trắng nhưng ở hai tay và hai chân màu đen kéo từ các ngón lên tận khuỷu. Công chúa Dây Leo gọi chú là chú mèo mang vớ” [tr.48].
Đối với hai con chuột, nét vẽ cũng phân biệt chúng với các thành viên trong cộng đồng chuột. Đó là Út Hoa: Út Hoa là nàng chuột lang với một bên tai trắng, một bên tai đen và nàng mang trên mình bộ lông rất đẹp: “Nàng mặc áo hoa giữa một bầy chuột mặc áo xám” [tr.37].
Riêng với Tí Hon, bộ lông màu xám và cái thân hình quá bé nhỏ của nó làm cho nó càng bé nhỏ hơn: “Tí Hon là con bé nhất trong những con chuột bé” [tr.27]. Đã thế nó lại là một con chuột què một chân. Còn Chuột Cống có ngoại hình khác loài: “Bẩn thỉu, ướt át, to cồ cộ” [tr.125]
Vì là đồng thoại, con người không phải nhân vật chính, cho nên con người không được tác giả lưu tâm nhiều như loài vật. Tuy vậy, những nét khắc họa về con người cũng khá rõ. Trong văn chương, ngoại hình của con người thường để giúp khắc họa tâm trạng là chính. Hoàng hậu Năm Ngoái xuất hiện với những cái “chau mày, nhún vai và thở dài” trước sự vô dụng của Mèo Gấu. Tuy vậy, qua hai bàn tay luôn trắng vì bột của hoàng hậu, ta biết được nghề nghiệp của bà là gì. Hoàng hậu chính là người làm nghề làm bánh: “Quay vào bếp với đống bột nhồi làm tay bà trắng xóa tới giờ” [tr.8]; khi bà đan lát: “Một tay lăn tròn cuộn len trên váy áo, tay kia phe phẩy cây kim đan một cách kích động” [tr.96]. Để miêu tả nhà vua Sang Năm, Nguyễn Nhật Ánh lại chú tâm miêu tả khuôn mặt lo lắng, mệt mỏi, hốc hác vì mất ngủ:
“Sáng thức dậy, khuông mặt nhà vua xọp đi, nom hốc hác như vừa trải qua một trận ốm nặng” [tr.179]. Nhà vua “thường gõ những ngón tay xuống bàn” để thu hút sự chú ý của mình khi đưa ra một quyết định nào đó.
Bằng sự quan sát tinh tế, Nguyễn Nhật Ánh thực sự đem đến cho độc giả những hình ảnh cụ thể, gần gũi, chân thực nhất của con người và loài vật. Mỗi nhân vật, Nguyễn Nhật Ánh lại có cách nhìn và miêu tả khác nhau. Vì vậy, thế giới nhân vật trong truyện của ông khá sinh động.