Điều kiện địa chất vùng ĐBSCL

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp đảm bảo giao thông thủy đối với cầu giao thông nông thôn vùng đồng bằng sông cửu long (Trang 28 - 31)

IV. Kết quả đạt được của luận văn:

2.1.1.Điều kiện địa chất vùng ĐBSCL

Khu vực ĐBSCL được hình thành bởi trầm tích bở rời Kanozoi với chiều dày khá lớn . Theo tài liệu nghiên cứu của liên đoàn địa chất 8, trừ các khu đồi núi ở phía Tây Bắc, phần lớn diện tích vùng ngập lũ có lớp đá gốc cách mặt đất khoảng từ 100 ÷ 1000 m. Càng đi về phía hạ lưu chiều dày lớp trầm tích càng lớn. Khu vực Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn là khu vực có tầng đá gốc dưới 100m.

Nham thạch cổ nhất lộ ra trong phạm vi Đồng bằng Nam Bộ và vùng ven rìa phía Đông là các khối xâm nhập thuộc Xêri-Hecxin (granit, granodiorit) có tuổi xếp vào cổ sinh đại (Pz) cao nhất là núi Bà Đen có đỉnh 980m . Vào đầu đại trung sinh (Mz) biển bắt đầu xâm nhập đồng thời với việc tích tụ các trầm tích lục nguyên khá dày. Sự xen kẹp giữa trầm tích biển và lục nguyên được gọi là thành tạo Indoxinit để ra đá vôi quan sát thấy ở sát biên giới Campuchia về phía Bắc Tống Lê Chân. Loại trầm tích lục nguyên gồm sạn kết, cát kết, bột kết lộ ra trên một diện khá lớn (cao nhất là núi Ong có đỉnh 280m) ở vùng trung lưu sông Sài Gòn. Đồng bằng Nam Bộ được cấu tạo bởi tầng trầm tích đệ tứ mà có nơi đạt tới độ dày 460m (Bải Xâu-Gò Công). Theo các kết quả thăm dò địa chất thủy văn trên một mặt cắt từ Biển Hồ ra tới Vũng Tàu, cũng như mặt cắt ngang Đồng bằng Nam Bộ từ Biên Hòa tới Cà Mau thì trầm tích đệ tứ nầy có thể phân thành làm 2 tầng từ dưới lên trên:

- Tầng bồi tích cổ gồm các loại trầm tích hạt thô. - Tầng bồi tích trẻ gồm các loại trầm tích hạt mịn.

Dấu hiệu phân biệt của tầng bồi tích cổ là sự có mặt của các lớp cuội sỏi và lớp sét laterit. Bề mặt của tầng bồi tích cổ trong phạm vi Đồng bằng Nam Bộ thường gặp ở độ sâu trên 50-75m.

Trừ khu vực Phía Bắc vùng TGLX là sản phẩm phong hóa và Bắc vùng Đồng Tháp Mười là thêm phù sa cổ. Diện tích phần còn lại là lớp trầm tích được bồi tích bởi phù sa sông và phù sa biển. Nhìn chung phần lớn đất đai trong vùng là thuộc dạng mềm yếu, khi xây dựng công trình cần phải xử lý nền móng.

Theo tài liệu đo vẽ địa chất thu thập được, các kết quả khảo sát ĐCCT trong khu vực, tham khảo bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 do Tổng cục Bản đồ Địa chất xuất bản năm 1995 cho thấy địa chất khu vực đồng bằng sông Cửu Long gồm:

Trầm tích hệ Bình Chánh (QIV1-2 bc) [2]

Trầm tích hệ này phân bố rộng rãi trong khu vực nghiên cứu và có thành phần khá đa dạng. Đất đá chưa được nén chặt nên có hệ số rỗng lớn, độ bền thấp. Các thành tạo trầm tích có nguồn gốc khác nhau, thường có đặc điểm về thành phần và tính chất khác nhau. Chính điều này lại ảnh hưởng đến việc lựa chọn giải pháp thích hợp xử lý nền đất yếu.

- Trầm tích nguồn gốc Biển: Thường lộ ra ở bậc địa hình có cao độ 2 ÷ 5 m. Chúng được chia thành 2 lớp chính:

+ Lớp trên: Thành phần chủ yếu là sét và sét pha màu xám xanh, trạng thái dẻo mềm đến dẻo chảy.

+ Lớp dưới: Thành phần chủ yếu là cát pha, cát sạn lẫn ít sét bột màu xám đen, độ hạt biến đổi thô dần theo chiều sâu, thường phân bố ở độ sâu 15 ÷ 20 m.

- Trầm tích nguồn gốc hỗn hợp sông – biển:

Phân bố khá phổ biến trong khu vực nghiên cứu và lộ ra ở nhiều nơi, một số nơi bị phủ bởi trầm tích Cần Giờ (QIV1-2

cg). Thành phần trầm tích chủ yếu là sét dẻo mềm, dẻo chảy, bùn sét, bùn sét pha, đôi chỗ có cát pha và cát mịn. Bề dày trầm tích không lớn.

Trầm tích thuộc hệ tầng này phân bố khá rộng rãi và có nhiều nguồn gốc khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến hơn cả là các trầm tích nguồn gốc sông Biển, đầm lầy ven biển và đầm lầy sông.

- Trầm tích nguồn gốc hỗn hợp sông biển. Trầm tích này có thể phân thành 2 lớp:

+ Lớp trên: Thành phần là cát lẫn bột màu vàng, bão hòa nước. Tuy nhiên, nhiều nơi không có lớp này và lộ ra lớp dưới.

+ Lớp dưới: Thành phần chủ yếu là bùn sét, bùn sét pha màu xám đen, lẫn thực vật phan hủy kém.

Do các trầm tích mềm yếu hệ tầng Cần Giờ và hệ tầng Bình Chánh trực tiếp phủ lên nhau nên bề dày của những khu vực này rất lớn.

- Trầm tích nguồn gốc đầm lầy ven biển.

Phân bố chủ yếu ở vùng đầm lầy Đồng Tháp Mười với thành phần chủ yếu là bùn sét và bùn chứa sét pha chứa 20 – 30 % hữu cơ và vụn thực vật phân hủy kém. Bề dày trầm tích thường từ 2 – 10 m và lớn hơn. Trầm tích nguồn gốc đầm lầy ven biển phủ trực tiếp trên các trầm tích hệ tầng Bình Chánh, bề mặt thường bị ngập nước và phát triển thảm thực vật đầm lầy nước mặn.

- Trầm tích nguồn gốc đầm lầy sông:

Phân bố chủ yếu ở khu vực Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau. Theo đặc điểm thành phần có thể chia trầm tích này thành 3 lớp:

+ Lớp trên: Thành phần là bùn sét màu xám đen chứa mùn thực vật, dày 0,1 ÷ 0,3 m.

+ Lớp giữa: Thành phần là than bùn màu xám nâu, xốp nhẹ, dày 0,1 ÷ 1,5 m. + Lớp dưới: Thành phần là bùn sét màu xám nâu, chứa các di tích thực vật phân hủy tốt, bề dày 1,5 ÷ 3,5 m.

Như vậy trong phần này tác giả đã trình bày về điều kiện địa chất đặc thù của vùng ĐBSCL, thực tế khi xây dựng cho một công trình cụ thể cần tiến hành khảo sát địa chất để đánh giá chính xác điều kiện địa chất vùng.

Một phần của tài liệu nghiên cứu giải pháp đảm bảo giao thông thủy đối với cầu giao thông nông thôn vùng đồng bằng sông cửu long (Trang 28 - 31)