Lạm phát cầu kéo xảy ra khi các thành phần của chi tiêu gia tăng khiến cho tổng cầu tăng, tiếp theo, tổng cầu tăng lên sẽ tác động làm cho sản lượng tăng và mức giá chung tăng lên gây ra lạm phát, điều này đặc biệt dễ xảy ra khi sản lượng đã đạt hoặc vượt quá mức tự nhiên.
Lạm phát có thể hình thành khi có sự gia tăng đột biến trong cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Chẳng hạn, việc tăng nhanh cầu tiêu dùng vào thời điểm đầu hoặc cuối mỗi năm có thể kích thích tổng cầu tăng khiến cho giá tăng lên. Tương tự, nếu như doanh nghiệp rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế, môi trường kinh doanh, hay doanh nghiệp có dự báo rằng cầu sản phẩm của doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới thì trong hiện tại, họ có thể tăng mạnh đầu tư, do đó, đẩy mức giá tăng lên. Trường hợp khác, chi tiêu chính phủ tăng quá mức cũng có thể gây ra tình trạng tăng lạm phát, ví dụ như: chính phủ tăng cường chi tiêu thường xuyên, tăng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển vùng hoặc ngành kinh tế trọng điểm mới, … thì mức giá sẽ tăng lên. Ngoài ra, cầu về hàng xuất khẩu tăng, lượng còn lại để cung ứng trong nước giảm cũng có thể làm tăng mức giá trong nước; …
Giả sử ban đầu, nền kinh tế đạt trạng thái cân bằng dài hạn ban đầu tại E0 (P0, Y0) là giao điểm của ba đường ASL ∩ ASS ∩ AD0. Nếu như chính phủ tăng chi tiêu của nền kinh tế sẽ dẫn đến tổng cầu của nền kinh tế tăng lên và dịch chuyển sang phải từ AD0 đến AD1. Tương ứng với tổng cầu mới, trạng thái cân bằng mới được xác định tại E1 (P1, Y1). Từ đó, so sánh giữa trạng thái cân bằng mới và trạng thái cân bằng ban đầu, có thể thấy rằng, nền kinh tế có tăng trưởng, sản lượng tăng (Y1 > Y0), tuy nhiên kéo theo đó là mức giá chung cũng tăng lên (P1 > P0). Vì mức sản lượng đã vượt mức sản lượng tiềm năng Y* cho nên tốc độ tăng giá chung lớn hơn tốc độ tăng trưởng, nền kinh tế xảy ra lạm phát cầu kéo.