0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (49 trang)

Nghiên cứu về kỳ vọng từ phía cha mẹ và tác động của những kỳ vọng

Một phần của tài liệu ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG TỪ CHA MẸ VÀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 29 -31 )

vọng đó đến CLCS của trẻ ở Việt Nam

Kỳ vọng của các bậc cha mẹ Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi các giá trị văn hóa truyền thống. Nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lý Phật giáo và Nho giáo. Cả hai tôn giáo này đều nhấn mạnh và đề cao mối quan hệ cha mẹ - con cái, đạo Phật nói rằng mối quan hệ này là nhân duyên, còn Nho giáo coi đây là một trong ba mối quan hệ (Tam cương) quan trọng nhất của đời người. Cả Phật giáo và Nho giáo đều không chỉ khuyến khích cha mẹ xem việc nuôi dạy con cái là nền tảng đạo đức, là trách nhiệm cao cả và phải có những sự đầu tư cũng như những kỳ vọng lớn vào con cái mà còn giáo dục những người con phải có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện những kỳ vọng, mong muốn của cha mẹ mình. Mặc dù theo thời gian, nền văn hóa Việt Nam có nhiều sự thay đổi nhưng “lòng hiếu thảo” vẫn luôn là một khái niệm chính trong cả Phật giáo và Nho giáo, là giá trị cốt lõi của dân tộc ta3. Con cái thường được mong đợi là sẽ làm rạng danh gia đình, tổ tiên hoặc đạt được những kỳ vọng từ phía cha mẹ như một cách để “báo hiếu”. Với quan niệm con cái là “tài sản vô giá”, “lộc trời ban”, nhiều bậc phụ huynh tin rằng bên cạnh những đầu tư về vật chất thì việc truyền tải những kỳ vọng

18

cao tới con cái là một cách thức giúp trẻ có được sự tự tin, lòng tự trọng, những tiêu chuẩn về phẩm chất cá nhân, giá trị cuộc sống và động lực để phát triển bản thân.

Đến hiện tại, các nghiên cứu về kỳ vọng của cha mẹ Việt Nam chưa nhiều và chủ yếu chỉ tập trung nghiên cứu đơn thuần mức độ kỳ vọng của cha mẹ vào con cái ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Trần Thị Thanh Hà (2000) đã nghiên cứu kỳ vọng của bố mẹ về thành tích học tập của con cái là học sinh THCS và THPT. Kết quả cho thấy cha mẹ có kỳ vọng nhiều vào sự thành đạt của con cái trong tương lai. Khi nghiên cứu kỳ vọng của cha mẹ về sự thành đạt của con cái trên 100 phụ huynh có con là học sinh THPT ở Hà Nội, Bùi Đình Tuân (2015) đã tìm ra rằng hầu hết phụ huynh đều mong rằng con mình sau này sẽ thành đạt. Các bậc cha mẹ đều có những cách thức khác nhau để thể hiện sự quan tâm hay truyền tải những kỳ vọng của mình đến con cái thông qua việc quản lý, giáo dục con cái và phản ứng trước những thành công hay thất bại của con. Còn nghiên cứu của Lã Thị Thu Thủy (2009) trên 270 phụ huynh có con đang học lớp 3 và lớp 4 trên địa bàn Hà Nội lại cho thấy mức độ kỳ vọng của cha mẹ vào con cái lứa tuổi tiểu học là khá cao. Trong đó, mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh với trẻ tiểu học là sức khỏe thể chất và phẩm chất đạo đức.

Về tác động của những kỳ vọng từ phía cha mẹ đến sức khỏe tâm thần của trẻ, vấn đề này đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này thì rất ít. Kết quả nghiên cứu trên 100 thiếu niên tuổi 16 – 17 đang học lớp 10 tại Hà Nội của Văn Thị Kim Cúc (2005) đã chỉ ra rằng mức độ kỳ vọng của cha mẹ vào sự thành đạt của con cái có mối liên hệ với sự tự đánh giá bản thân của trẻ. “Việc bố mẹ không mong đợi gì vào sự thành công của con mình hoặc sự mong đợi thái quá có thể gây ra những khó khăn cho trẻ về mặt cảm xúc, những rào cản trong cuộc sống học đường và những hạn chế cho việc hoạch định các kế

19

hoạch tương lai.” Nguyễn Thị Nhân Ái và Tô Thị Hoan (2014) cũng đã chỉ ra một số bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa mức độ kỳ vọng của cha mẹ và sự căng thẳng tâm lý của học sinh THPT trong một nghiên cứu trên 150 học sinh THPT và 50 phụ huynh của các em tại Hà Nội. Kết quả cho thấy phần lớn phụ huynh có mức độ kỳ vọng vừa phải vào thành tích học tập hiện tại và thành công trong học tập, định hướng nghề nghiệp tương lai của con cái. Có sự tương đồng giữa cha mẹ và con cái trong đánh giá về mức độ kỳ vọng của cha mẹ. Nhiều học sinh cảm thấy căng thẳng trước những mong đợi từ phía cha mẹ, các em thấy lo lắng và sợ hãi vì sợ làm bố mẹ thất vọng hoặc cảm thấy buồn và xấu hổ khi không đạt được những mong đợi đó. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này chưa thực sự làm nổi rõ mối quan hệ giữa những kỳ vọng của cha mẹ và sự căng thẳng tâm lý của trẻ.

Từ việc tổng quan các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, ta có thể thấy trên thế giới đã có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa việc đáp ứng kỳ vọng từ cha mẹ và CLCS của trẻ nhưng ở Việt Nam thì có rất ít nghiên cứu đi theo hướng này. Trong khi đó, những kỳ vọng của cha mẹ lại có sự khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau vì vậy mà những bằng chứng nghiên cứu trên thế giới về vấn đề này chưa chắc đã phù hợp với bối cảnh văn hóa của Việt Nam.

Một phần của tài liệu ĐÁP ỨNG KỲ VỌNG TỪ CHA MẸ VÀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (Trang 29 -31 )

×