văn hóa
Kỳ vọng của cha mẹ phụ thuộc vào nền văn hóa mà trẻ sinh sống. Cha mẹ trong các gia đình khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau đều có những kỳ vọng khác nhau, và những sự kỳ vọng đó được con cái họ diễn dịch theo những cách khác nhau. Bố mẹ trong những gia đình châu Á và Mỹ gốc Á có thể nắm giữ quyền kiểm soát con cái lâu hơn so với bố mẹ trong những gia đình châu Âu và Mỹ gốc Âu (xem Nguyễn Văn Đồng, 2012). Nhiều gia đình châu Á hoặc gốc Á thường đề cao các mục tiêu của Nho giáo (Confucian goals), trong khi các gia đình châu Âu hoặc gốc Âu thì lại đề cao những mục tiêu lấy trẻ làm trọng tâm (child-centered goals). Các mục tiêu của Nho giáo
15
nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, học tập chăm chỉ, phục tùng, và nhạy cảm với những mong muốn của cha mẹ (ví dụ: “tôn trọng những người lớn tuổi”, và “luôn ưu tiên việc học tập”), những mục tiêu lấy trẻ làm trọng tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự độc lập và tự thể hiện bản thân (ví dụ: “khác biệt và là chính mình”, và “tự thể hiện và diễn đạt bằng lời”) (xem Russell và cộng sự, 2010).
Những trải nghiệm cuộc sống và thái độ tiếp biến văn hóa của cá nhân cũng định hình những kỳ vọng của họ (Li, 2001). Trong một nghiên cứu của mình, thông qua phỏng vấn định tính những phụ huynh Trung Quốc di cư đến Canada, Li (2001) đã xác định năm chiều cạnh của những kỳ vọng từ phía cha mẹ: kỳ vọng về văn hóa, kinh nghiệm cuộc sống, thái độ tiếp biến văn hóa, khát vọng nghề nghiệp, và tư tưởng dân tộc thiểu số. Kỳ vọng về văn hóa và tư tưởng dân tộc thiếu số phản ánh một cách rõ ràng biến văn hóa và bản chất của những phụ huynh di cư. Những kỳ vọng về nghề nghiệp là yếu tố duy nhất nổi lên, có thể là vì tính phổ biến của văn hóa châu Á trong nghiên cứu này. Những kỳ vọng của các bậc phụ huynh này đã được thay đổi theo hoàn cảnh để phù hợp với bối cảnh văn hóa – xã hội của Canada.
Chen (2001) đã chỉ ra sự khác nhau về kỳ vọng dành cho con cái giữa các cha mẹ trong gia đình Mỹ, gia đình Mỹ gốc Hoa và gia đình Hoa. Nghiên cứu của Chen thực hiện trên 185 học sinh người Hoa, 140 học sinh Mỹ, 39 học sinh người Mỹ gốc Hoa và cha mẹ của tất cả những học sinh đó để tìm hiểu về thái độ và kỳ vọng của cha mẹ đối với giáo dục khoa học. Kết quả cho thấy cả cha mẹ và học sinh người Hoa có thái độ về giáo dục khoa học tích cực hơn so với nhóm đối chứng là người Mỹ. Cha mẹ người Hoa nhấn mạnh vào sự tự cải thiện hơn, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, và thường xuyên giúp đỡ con cái trong việc học tập hơn so với cha mẹ người Mỹ. Thái độ của những người Mỹ gốc Hoa cho thấy họ chịu ảnh hưởng của cả truyền thống Trung Hoa và văn hóa Mỹ.
16
Một nghiên cứu khác của Cakiroglu (2004) trên hai nhóm cha mẹ (cha mẹ sinh ra ở Mỹ và cha mẹ di cư, tất cả gồm 24 người) cũng đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai nhóm này về sự tham gia và những kỳ vọng của cha mẹ vào hoạt động học tập của con cái. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có nhiều sự khác biệt giữa cha mẹ sinh ra ở Mỹ và cha mẹ di cư về sự tham gia vào các hoạt động học tập của con cái. Tuy nhiên, khi xem xét những kỳ vọng của cha mẹ ở hai nhóm thì có sự khác biệt, cha mẹ di cư có kỳ vọng vào con cái cao hơn ở một số lĩnh vực về thành tích học tập. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa làm nổi bật được sự khác biệt đó. Có thể là do số lượng mẫu quá nhỏ và vẫn còn có sự chênh lệch nhất định về thu nhập cũng như trình độ học vấn giữa các khách thể.
Sự khác biệt về kỳ vọng không chỉ là khác biệt giữa các bậc cha mẹ ở những nền văn hóa khác nhau mà còn bao gồm cả sự khác biệt giữa những người con ở những nền văn hóa khác nhau trong nhận thức về những kỳ vọng của cha mẹ mình. Thay vì diễn giải hành vi của cha mẹ là sự kiểm soát, thanh thiếu niên Mỹ gốc Hoa có thể xem xét chúng như những kỳ vọng về lòng hiếu thảo (xem Russell và cộng sự, 2010). Oishi và Sullivan (2005) đã phát hiện ra rằng sinh viên Mỹ gốc Á nhận thức về những kỳ vọng của cha mẹ một cách cụ thể hơn so với sinh viên Mỹ gốc Âu.
Sự khác biệt về những kỳ vọng của cha mẹ không chỉ xảy ra khi so sánh nền văn hóa phương Tây với phương Đông mà ngay cả khi so sánh giữa các nước châu Á hoặc giữa các vùng khác nhau trong một đất nước cũng có thể thấy được sự khác biệt này. Khi tiến hành phát triển và hiệu lực hóa một thang đo nhận thức về kỳ vọng của cha mẹ, Sasikala và Karunanidhi (2011) đã tham khảo bảng kiểm sống theo kỳ vọng của cha mẹ (Living-up-to parental Expectation Inventory – LPEI) của Wang và Heppner (2002). Sau khi tiến hành nghiên cứu, Sasikala và Karunanidhi đã thu được một bảng hỏi có nhiều sự tương đồng với bảng hỏi của Wang và Heppner do những điểm chung của văn hóa châu Á. Tuy nhiên, giữa hai bảng hỏi vẫn có nhiều sự khác biệt. Đặc
17
biệt, trong văn hóa Ấn Độ, thần linh rất được tôn sùng nên cha mẹ Ấn Độ kỳ vọng con cái họ tin vào những lực lượng siêu nhiên. Một nghiên cứu của Found và Sam (2013) đã chỉ ra rằng những sinh viên sinh ra ở Đại Lục (Trung Quốc) nhận thức những kỳ vọng của cha mẹ ở mức độ cao hơn một cách rõ rệt so với những sinh viên đến từ Ma Cao.
Những nghiên cứu trên cho thấy có những khác biệt và đặc trưng trong kỳ vọng của cha mẹ ở những nền văn hóa khác nhau và trong cả cách mà những đứa con của họ diễn dịch về các kỳ vọng đó. Sự khác biệt này khá rõ nét khi so sánh giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây.