Thời kì toàn phát

Một phần của tài liệu Bệnh uốn ván Tác giả: BS. Nguyễn Hồng Hà (Trang 25 - 27)

5. Biểu hiện lâm sàng của bệnh uốn ván

5.4.Thời kì toàn phát

Thời kì này kéo dài từ 1 đến 3 tuần [5] với ba biểu hiện rõ nhất là co cứng cơ toàn thân liên tục, các cơn co giật toàn thân trên nền co cứng và rối loạn thần kinh thực vật mà có tác giả đã gọi là tam chứng UV [33].

Co cứng cơ toàn thân liên tục tăng lên khi có kích thích và rất đau. Điển hình thì người bệnh nhân ưỡn cong. Co cứng các cơ hô hấp làm giảm khả năng ho khạc, khạc yếu gây ứ đọng đờm rãi. Nhiều trường hợp bệnh nhân co cứng cơ hô hấp tới mức độ di động lồng ngực không đảm bảo đủ chức năng thông khí, bệnh nhân trong tình trạng “chẹn ngực”, cần hỗ trợ hô hấp cấp cứu. Cơ thanh quản có thể co cứng gây ngạt, ngừng thở-ngừng tim. Phản xạ nuốt bị rối loạn: bệnh nhân khó nuốt, dễ sặc và ứ đọng đờm rãi. Các cơ vòng cũng co cứng gây bí đại tiểu tiện [10].

Hình 8. Cơn co cứng của bệnh nhân uốn ván

Trên nền co cứng cơ như vậy, bệnh nhân xuất hiện các cơn co giật toàn thân một cách tự nhiên, cơn tăng khi có các kích thích. Trong cơn, bệnh nhân vẫn tỉnh nhưng dễ bị co thắt thanh quản, co cứng cơ hô hấp dẫn đến ngạt. Cơn giật kéo dài từ vài giây đến vài phút hoặc lâu hơn. Sau cơn bệnh nhân mệt lả, vã nhiều mồ hôi.

Rối loạn thần kinh thực vật gặp trong các thể nặng, xuất hiện vài ngày sau co giật và kéo dài trong 1-2 tuần [33]. Bệnh nhân có tình trạng nhiễm độc toàn thân, da xanh tái, nổi vân tím, thân nhiệt tăng cao, nhịp tim nhanh, huyết áp dao động, thở nhanh, tăng tiết đờm rãi, vã nhiều mồ hôi... Tình trạng này thường có các biến chứng suy tuần hoàn, suy hô hấp... dễ dẫn đến tử vong. Sốt hầu như bao giờ cũng có. Trong các trường hợp nặng, sốt tới 390C và khi có cơn co cứng thì lên tới 400C. Sau khi bệnh nhân tắt thở, nhiệt độ vẫn còn lên [10].

Bảng 5. Các rối loạn thần kinh thực vật gặp trong UV [21] • Tăng huyết áp kéo dài hoặc thoáng qua

• Hạ huyết áp tiến triển và dai dẳng • Co mạch ngoại vi

• Nhịp tim nhanh (thường từng cơn) • Nhịp tim chậm và vô tâm thu • Loạn nhịp tim

• Sốt

• Vã mồ hôi, ứa nước bọt • Tăng dịch tiết phế quản • Ứ trệ dạ dày và liệt ruột • Bí đái

Trong giai đoạn toàn phát, về mặt xét nghiệm có thể thấy mất nước ngoại bào. Do dùng thuốc điều trị barbituric và diazepam có thành phần tá dược gây rối loạn tính thấm thành mạch mà Na, protein và nước có thể thoát ra khoảng kẽ, gây phù kẽ và giảm thể tích tuần hoàn. Muộn hơn, có thể thấy thiếu máu và tăng bạch cầu [15], chức năng điều hòa glucose bị rối loạn [10] và có thể tăng đường niệu thoáng qua [62]. Những trường hợp co giật nhiều có thể tăng creatin phosphokinase trong máu [9].

Một phần của tài liệu Bệnh uốn ván Tác giả: BS. Nguyễn Hồng Hà (Trang 25 - 27)