1.4.2.1. Chất lượng thông tin
Thông tin được coi là đối tượng lao động của các nhà kinh doanh, nền kinh tế thị trường hiện nay là nến kinh tế thông tin hóa. Để kinh doanh thành công trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp cần rất nhiều thông tin về thị trường, về công nghệ, về người mua và người bán, thông tin của các đối thủ cạnh tranh, thông tin về môi trường kinh doanh… Không những thế, các doanh nghiệp cần phải biết về kinh nghiệm thành công, thất bại của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, biết được thông tin về những thay đổi chính sách của Nhà nước và của các nước có liên quan đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Chất lượng thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng phân tích tài chính, bởi một khi thông tin sử dụng không chính xác, không phù hợp thì kết quả mà phân tích tài chính đem lại chỉ là hình thức, không có ý nghĩa gì. Vì vậy, có thể nói thông tin sử dụng trong phân tích tài chính là nền tảng của phân tích
tài chính.
Từ những thông tin bên trong trực tiếp phản ánh tài chính doanh nghiệp đến những thông tin bên ngoài liên quan đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp, người phân tích có thể thấy được tình hình tài chính doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và dự đoán xu hướng phát triển trong tương lai.
Tình hình nền kinh tế trong và ngoài nước không ngừng biến động, tác động hàng ngày đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, hơn nữa, tiền lại có giá trị theo thời gian, một đồng tiền hôm nay có giá trị khác một đồng tiền trong tương lai. Do đó, tính kịp thời, giá trị dự đoán là đặc điểm cần thiết làm nên sự phù hợp của thông tin. Thiếu đi sự phù hợp và chính xác, thông tin không còn độ tin cậy và điều này tất yếu ảnh hưởng đến chất lượng phân tích tài chính doanh nghiệp.
1.4.2.2. Trình độ cán bộ phân tích
Có được thông tin phù hợp và chính xác nhưng tập hợp và xử lý thông tin đó như thế nào để đưa lại kết quả phân tích tài chính có chất lượng cao lại là điều không đơn giản. Nó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của cán bộ thực hiện phân tích. Từ các thông tin thu thập được, các cán bộ phân tích phải tính toán các chỉ tiêu, thiết lập các bảng biểu. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số và nếu chúng đứng riêng lẻ thì tự chúng sẽ không nói lên điều gì. Nhiệm vụ của người phân tích là phải gắn kết, tạo lập mối liên hệ giữa các chỉ tiêu, kết hợp với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp để lý giải tình hình tài chính của doanh nghiệp, xác định thế mạnh, điểm yếu cũng như nguyên nhân dẫn đến điểm yếu trên. Hay nói cách khác, cán bộ phân tích là người làm cho các con số “biết nói”. Chính tầm quan trọng và sự phức tạp của phân tích tài chính đòi hỏi cán bộ phân tích phải có trình độ chuyên môn cao.
1.4.2.3. Công nghệ và phần mềm sử dụng trong phân tích tài chính
Phân tích tài chính đòi hỏi số liệu tập hợp với số lượng lớn, nhiều nguồn, phải kiểm tra mức độ chính xác, tin cậy, nó cũng đòi hỏi khối lượng tính toán nhiều, có những phép tính phức tạp, dự báo chính xác, lưu trữ lượng thông tin lớn. Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần làm bằng phương pháp thủ công thì tốc độ rất chậm và không đáp
ứng được nhu cầu ra các quyết định nhanh chóng trong giai đoạn kinh tế hiện nay.Chỉ có các công nghệ và phần mềm chuyên biệt dành cho phân tích tài chính mới cho phép phân tích tài chính một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời đáp ứng nhu cầu quản lý tài chính doanh nghiệp.