ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở HẢI PHÒNG 1 Quan điểm, mục tiêu

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế du lịch thực trạng hoạt động dụ lịch ở thành phố hải phòng từ 2010 – 2017 và đề xuất phát triển du lịch bền vững (Trang 29 - 34)

2.1 Quan điểm, mục tiêu

• Quan điểm phát triển du lịch bền vững.

Quá trình phát triển du lịch bền vững phải kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ “sản xuất” và “tiêu dùng” du lịch, nhằm mục đích bảo tồn và tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bảo sắc văn hoá dân tộc.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, thành phố Hải Phòng hiện còn lưu giữ hơn 1.000 di tích, bao gồm 537 ngôi chùa, 107 nhà thờ, số còn lại là các đình đền, miếu phủ…Trong đó, có 103 di tích được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia; 165 di tích được Uỷ ban nhân dân thành phố xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Đặc biệt Hải Phòng có quần đảo Cát Bà được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới và 3 khu danh lam thắng cảnh là vùng non nước Đồ Sơn, danh thắng Tràng Kênh Bạch Đằng, Núi Voi Xuân Sơn, hai làng nghề cổ truyền gồm tạc tượng Đồng Minh, sơn mài Bảo Hà ở huyện Vĩnh Bảo. Toàn thành phố có 252 lễ hội cổ truyền. Trong đó có một lễ hội cấp quốc gia (Hội chọi trâu Đồ Sơn), 1 lễ hội cấp ngành (Lễ hội làng cá đảo Cát Bà), 5 lễ hội cấp vùng, 91 lễ hội cấp xã và 156 lễ hội làng.

Ngoài ra, những năm gần đây, du lịch Cát Bà hình thành nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng biển, đảo. Theo đó, nhóm sản phẩm du lịch tham quan Vườn Quốc gia Cát Bà, vịnh Lan Hạ, hệ thống hang động, điểm quan sát trên cao, di tích lịch sử, văn hóa… Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái ở Cát Bà với trải nghiệm thiên nhiên Vườn quốc gia Cát Bà, rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng ngập nước trên địa hình núi đá vôi ở Ao Ếch trong hành trình xuyên rừng từ Vườn quốc gia đến xã Việt Hải. Sản phẩm du lịch cộng đồng dựa vào thiên nhiên, sản vật và văn hóa người bản địa ở các xã Hiền Hào, Gia Luận, Xuân Đám.

Do đó, phát triển du lịch bền vững ở Hải Phòng đòi hỏi phải có sự bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ, không được để mai một các giá trị văn hóa lâu đời và hơn hết, bảo vệ tài nguyên biển, rừng, hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường, ô nhiễm.

• Mục tiêu phát triển du lịch bền vững

Sự phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng và cấp thiết hàng đầu đi liền với phát triển kinh tế - xã hội, do đó đòi hỏi về phát triển bền vững trong ngành du lịch cần phải đảm bảo 3 vấn đề lớn nhất là bền vững về môi trường, bền vững về văn hoá xã hội, bền vững về kinh tế.

o Đối với văn hoá xã hội thì phát triển bền vững cần phải đảm bảo đem lại lợi ích lâu dài cho xã hội như tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao mức sống người dân và ổn định về mặt xã hội, đồng thời bảo tồn các giá trị về văn hoá, tránh việc chú trọng tăng trưởng ngành du lịch mà đánh đổi bản sắc văn hóa của vùng.

o Đối với sự phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường đòi hỏi khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, bảo tồn đa dạng sinh học, không có những tác động tiêu cực đến môi trường để đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

o Đối với kinh tế, phát triển tiềm năng ngành du lịch là góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của vùng, và ngược lại, kinh tế cũng phải đảm bảo để đầu tư cho du lịch, biểu hiện ở việc đầu tư nâng cấp, mở rộng, tăng chất lượng dịch vụ du lịch.

2.2 Dự báo phát triển trong thời gian tới

2.2.1 Dự báo lượng khách

Theo Sở Du lịch Hải Phòng, 9 tháng đầu năm 2016, du lịch Hải Phòng đón và phục vụ gần 4,62 triệu lượt khách, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2015, doanh thu đạt hơn 1.750 tỷ đồng. Trong đó, khách quốc tế là 565.579 lượt, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2015. Tính đến ngày 30/6/2017, Hải Phòng đã đón 3,07 triệu lượt du khách trong năm 2017, tăng 10,7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 355,5 nghìn lượt.

 Theo đà tăng của lượng khách du lịch qua mỗi năm, thành phố Hải Phòng chủ trương phấn đấu đến năm 2020:

o Đón 8 triệu lượt khách, tốc độ tăng trung bình 8,2%/năm

o Tổng doanh thu du lịch đạt 3 500 tỷ đồng, tăng trung bình 8,9%/năm (HĐND thành phố Hải Phòng, khóa XV, kỳ họp thứ 5).

2.2.2 Dự báo nhu cầu dân số, lao động

Số liệu cuối năm 2017, dân số Hải Phòng là 2.022.170 người

Tỷ lệ người trong lao động từ 15 – 64 tuổi, chiếm 69% dân số. Do đó, lực lượng người lao động đang là một lợi thế lớn của thành phố Cảng. Với cơ cấu dân số này, Hải Phòng có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, CNH – HĐH thành phố.

Theo ghi nhận của Ban chỉ đạo Dân số của thành phố Hải Phòng, trong thời gian qua, mức tăng dân số được giữ ở mức ổn định (mức sinh là 2,1 con).

Điều này cho thấy dân số của thành phố có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu việc làm, cụ thể là ngành du lịch khi du lịch đang trở thành ngành mũi nhọn trong mục tiêu tương lai gần của Hải Phòng, cũng là ngành đòi hỏi ít lao động.

2.2.3 Quy mô đất đai, nhu cầu chỗ ở

Ngành du lịch phát triển đi đôi với nhu cầu ngày càng lớn về chỗ ở, khách sạn,... Tốc độ phát triển du lịch của Hải Phòng càng gia tăng thì sức nóng của thị trường bất động sản Hải Phòng càng lớn. Nếu có những quy hoạch tổng thể dài hạn, Hải Phòng có thể tận dụng các nguồn vốn đầu tư để thay đổi bộ mặt đô thị thành phố. Phát triển thị trường bất động sản không chỉ giúp đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, mà còn giúp là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, thành phố cũng có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư.

2.3 Định hướng chính

Theo báo cáo của đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chủ yếu phát triển du lịch biển Hải Phòng theo hướng bền vững trong điểu kiện hội nhập quốc tế” của TS. Nguyễn Hoài Nam cùng các cộng sự Trường Đại học Hải Phòng, vấn đề phát triển du lịch biển của Hải Phòng hiện chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và đang có nguy cơ “tụt hậu” so với các khu vực lân cận. Nếu vẫn tiếp tục quản lý, phát triển du lịch biển Hải Phòng như hiện tại, có nghĩa là chúng ta đang lãng phí một nguồn tài nguyên, đồng thời đang dần phá vỡ môi trường sống.

Vì vậy chúng ta cần vạch ra hướng đi đúng đắn, không chỉ cho du lịch biển, mà còn cho các hình thức du lịch khác có thế mạnh ở Hải Phòng.

2.3.1 Không gian du lịch

Thành phố Hải Phòng nổi tiếng với mỹ danh là thành phố hoa phượng đỏ với nhiều điểm du lịch độc đáo: Bãi biển Đồ Sơn, Đảo Cát Bà, Trung tâm thành phố, Khu du lịch quốc tế hòn Dấu, Quần thể di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia Tràng Kênh - Bạch Đằng, … Các điểm du lịch này nằm rải rác ở các khu vực xung quanh thành phố vì thế thời gian di chuyển giữa các địa điểm cũng tương đối đáng kể. Ví dụ như để di chuyển từ trung tâm thành phố Hải Phòng đến quần đảo Cát Bà sẽ mất khoảng gần hai tiếng di chuyển bằng phà, hay khu danh thắng Tràng Kênh cũng nằm cách trung tâm thành phố 30 phút đi xe. Vì vậy, Hải Phòng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kết nối các điểm du lịch trong thành phố. Hiện nay, Hải Phòng đang triển khai hệ thống xe bus điện phục vụ du khách trong nội thành. Thành phố có thể mở rộng dự án này ra các tuyến đến Đồ Sơn, Tràng Kênh,... để tiết kiệm tổng chi phí nhiên liệu so với để du khách tự di chuyển và cũng là một giải pháp du lịch xanh. Bên cạnh đó, hệ thống biển chỉ dẫn giao thông của Hải Phòng cũng là một yếu tố cần cải thiện . Nhiều du khách phàn nàn về việc họ khó để tìm được đường di chuyển đến các địa điểm du lịch do hệ thống biển chỉ dẫn còn ít và dễ gây nhầm lẫn.

Các điểm du lịch đặc trưng ở Hải Phòng thu hút nhiều lượt khách mỗi năm. Nhưng vẫn còn các hạn chế. Đặc biệt là ở cách bố trí các điểm dịch vụ, bãi đỗ xe… không hợp lí, gây lộn xộn trong quá trình tổ chức, an ninh. Vì vậy, cần phải quy hoạch lại, phân bố lại cho phù hợp với từng điểm du lịch, giúp cho công tác điều tiết và khách du lịch thuận tiện hơn. Do đặc thù của các điểm du lịch ở Hải Phòng là mang tính thời vụ, hơn nữa du khách đến đây ở lại qua đêm không nhiều cũng bởi Hải Phòng thiếu khu vui chơi dành cho du khách. Cũng như tình hình chung của du lịch toàn thành phố, Ở Đồ Sơn chỉ có khái niệm nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn là các cơ sở lưu trú (dưới 1 sao). Cũng bởi vậy chẳng có mấy nhà đầu tư lớn đến Đồ Sơn. Một số dự án vẫn dang dở hoặc bỏ hoang. Cách đây hơn một năm, Công ty Him Lam về khởi công hoành tráng với dự án biến đảo Hòn Dấu thành nơi du lịch xứng tầm. Vậy nhưng từ ngày đó họ cũng “im hơi lặng tiếng” không rõ lí do vì sao. Ngoài ra còn một dự án do Công ty CP Du lịch Quốc tế Hòn Dấu đầu tư, tuy đã nhiều năm nhưng thật sự vẫn chưa mang đến sự hiệu quả. Đó cũng là một ví dụ điển hình cho các vấn đề nghiêm trọng mà Hải Phòng gặp phải trong quá trình biến ngành du lịch trở thành ngành mũi nhọn.

2.3.2 Sử dụng tài nguyên định hướng bền vững

Phát triển kinh tế, cụ thể là ở lĩnh vực du lịch, rất cần thiết khi chú trọng sử dụng tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường.

Đối với Hải Phòng, thành phố có nguồn tài nguyên biển khá phong phú, đặc biệt là các hệ sinh thái biển có giá trị cao như rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển, rạn đá, tùng áng, bãi triều, cửa sông và vùng đáy biển rộng lớn. Việc tăng cường khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên biển, đảo góp phần quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Vị thế tài nguyên được khai thác và sử dụng ở tất cả các giá trị: vị thế tự nhiên, kinh tế và chính trị, không gian biển. Vì thế, Hải Phòng phải đề cao vấn đề sử dụng tài nguyên để phát triển du lịch một cách hợp lý, bảo vệ môi trường.

2.3.3 Đa dạng hóa và phát triển các loại hình du lịch

Hải Phòng đã và đang chú trọng phát triển các loại hình du lịch truyền thống và có thế mạnh, cụ thể như du lịch giải trí (biển, đảo, quần đảo…), du lịch tâm linh (chùa, đền), du lịch văn hóa ( các làng văn hóa, làng nghề, lễ hội truyền thống), du lịch thể thao mạo hiểm… Nhưng mỗi loại hình vẫn có những hạn chế riêng do thành phố phát triển cùng lúc quá nhiều loại hình với mức đầu tư cho mỗi loại hình là trung bình, không thể ngăn chặn triệt để các khó khăn. Nhiệm vụ cho các nhà hoạch định chính sách cần nhất là đầu tư khắc phục các hạn chế, tập trung vào những loại hình có lợi thế nhất định, từ đó mới tiếp tục phát triển hướng đi tiếp theo để mở rộng du lịch.

Mục tiêu của Hải Phòng trong việc phát triển du lịch trước hết là phát huy lợi thế có sẵn, các bãi biển, các di tích lịch sử, và quan tâm đầu tư hơn nữa các dịch vụ, sản phẩm du lịch. Thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển, coi đây là loại hình chủ đạo dẫn dắt, phát triển loại hình du lịch khác như du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp…

Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, sớm đưa vào phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú. Cùng với đó là phát triển sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Tiếp tục tổ chức các lễ hội truyền thống, có sức hấp dẫn cao tạo sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch thành phố.

2.3.4 Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng, hơn nữa là không thể thay thế bằng nguồn lực nào khác trong nền kinh tế. Đối với ngành du lịch cũng vậy, lao động là yếu tố chủ chốt

đưa Hải Phòng vươn lên bằng con đường phát triển ngành du lịch có định hướng bền vững. Con người không chỉ trực tiếp đóng góp vào thành công trong ngành mà còn giúp du lịch Hải Phòng đưa tầm nhìn vào thực tế, giúp ngành vận hành đúng hướng.

Mục tiêu đến năm 2020 của Hải Phòng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực là 100% số nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch.

 Thu hút nguồn nhân lực mới, chuyên gia trong lĩnh vực.

 Đào tạo lại, đào tạo thêm về kiến thức sâu và rộng cho các cán bộ sẵn có.

 Đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng phục vụ trong ngành chuyên nghiệp hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ và tập huấn các kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư nơi phát triển du lịch. Cụ thể:

 Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch với 4 nhóm đối tượng: cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp; lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp du lịch; hướng dẫn viên du lịch và nhóm cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch.

 Hướng đào tạo với trình độ chuyên môn, vị trí của từng bộ phận.

 Chương trình đào tạo: Theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam gắn với nhu cầu thực tiễn tại cơ sở và tình hình phát triển du lịch đặc thù của địa phương.

 Hình thức đào tạo: Kết hợp nhiều hình thức đào tạo, trong đó ưu tiên đào tạo tại chỗ, tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hoạt động ổn định, hiệu quả.

Một phần của tài liệu tiểu luận kinh tế du lịch thực trạng hoạt động dụ lịch ở thành phố hải phòng từ 2010 – 2017 và đề xuất phát triển du lịch bền vững (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(41 trang)
w