4.2.1.1. Tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin cùng với tăng cường quan hệ với Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực
Trong thời đại kinh tế ngày nay thông tin được coi là một trong những tài sản vô hình rất có gía trị. Đặc biệt trong kinh doanh quốc tế thì thông tin lại có vai trò hết sức quan trọng. Bất cứ một doanh nghiệp hay một sản phẩm nào khi muốn thâm nhập vào một thị trường thì phải có những hiểu biết nhất định về nhu cầu của thị trường đó, về thị hiếu, về tập quán thương mại của họ, về luật lệ của quốc gia họ và những rào cản mà Chính phủ hay doanh nghiệp trong quốc gia đó đang duy trì cho hàng nhập khẩu là gì. Điều này đòi hỏi công ty trong thời gian tới nên chủ động tìm hiểu thêm thông tin về những tiêu chuẩn kỹ thuật cần đáp ứng từ nhiều nguồn khác nhau như:
- Nguồn internet: công ty có thể tìm kiếm thông tin ở các trang web liên quan đến các rào cản kĩ thuật của Hàn Quốc. Thông tin trên những trang web vô cùng phong phú nhưng nhiều khi cũng không được kiểm chứng nên công ty cần tham khảo tại những trang web uy tín, cần phải có sự chọn lọc và tổng hợp lại thành văn bản, áp dụng sao cho phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Hầu như các doanh nghiệp của Hàn Quốc đều có website riêng của công ty mà tại đó cập nhập nhiều thông tin mà có ích cho doanh nghiệp nước ngoài đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường và phân tích tính cạnh tranh của công ty.
- Đối tác nhập khẩu cung cấp trực tiếp: khi đàm phán và kí kết hợp đồng xuất nhập khẩu, công ty nên đề nghị các nhà nhập khẩu cung cấp các thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật cần được đáp ứng sớm nhất có thể để công ty chủ động được từ những khâu đầu tiên trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng sản phẩm.
- Chính phủ Việt Nam cung cấp: Nhà nước cùng với cục xúc tiến thương mại hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp về rào cản kỹ thuật thường xuyên và phổ biến, công ty cũng cần đề cao nguồn cung cấp thông tin này vì nó đã được kiểm chứng rõ ràng và có uy tín.
- Thiết lập văn phòng tại Hàn Quốc khi đã có vị trí ổn định trên thị trường này sẽ giúp Công ty chủ động nắm bắt một cách nhanh nhất và chính xác nhất mọi thay đổi về thông tin trong các quy định của Hàn Quốc để kịp thời có những ứng phó kịp thời nhằm vượt qua các rào cản một cách hiệu quả nhất.
Công ty cần quan hệ và kết hợp chặt chẽ hơn nữa với Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để được cung cấp các thông tin cần thiết cho việc xuât khẩu vào thị trường này trong lâu dài.
4.2.1.2 Giải pháp cho vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật của thị trường Hàn Quốc
Giải pháp cho việc xây dựng bộ tiêu chuẩn ISO 9000
Hiện nay khó khăn lớn nhất cho công ty để áp dụng và triển khai được bộ tiêu chuẩn này chính là thủ tục tham gia khá phức tạp và chi phí cao, vì vậy, công ty nên thực hiện công việc xây dựng bộ tiêu chuẩn này theo một quá trình, lần lượt từng bước, yêu cầu sự giúp đỡ, hỗ trợ về thông tin, cách thức thực hiện từ các cơ quan chức năng có liên quan, các hiệp hội. Đầu tiên, phải làm cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty thấy rõ được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn này, giúp tạo ra một hệ thống quản lý tốt giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản phẩm của công ty dễ dàng được khách hàng tin tưởng hơn. Sau đó, tiến hành lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp để áp dụng, thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án, đánh giá thực
trạng của doanh nghiệp so sánh với tiêu chuẩn xem còn thiếu sót gì thì cố gắng hoàn thiện, bổ sung. Trong quá trình xây dựng công ty cần cố gắng để nhận được chứng chỉ này, sau khi đã đạt được chứng chỉ này rồi thì công ty vẫn phải duy trì các hoạt động để không ngừng cải tiến hệ thống quản trị chất lượng hơn nữa.
Quản lí chăt chẽ quy trình thu mua, đảm bảo chất lượng quả tươi sau khi thu hoạch
Trước hết, công ty cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường Hàn Quốc. Cụ thể là thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ quy trình người nông dân trồng trọt chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người nông dân, thay đổi quan niệm nuôi trồng của họ. Theo đó, sau thu hoạch phải cho ra sản phẩm trái cây an toàn và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Công ty nên tiến hành lập các điểm thu mua tại các địa phương, gần các nông trại và các hộ nông dân là khu vực cung cấp nguồn trái cây tươi cho công ty. Các điểm thu mua có thể do nhân viên Công ty quản lý hoặc Công ty thuê dân bản địa quản lý để giảm chi phí nhưng đòi hỏi phải có trình độ và kinh nghiệm trong việc thu mua, theo dõi, hướng dẫn người nông dân trong quá trình trồng và chăm sóc cây. Thiết lập các kho bãi để đem trái cây thu hoạch về đóng thùng, bảo quản. Điều này tạo cho Công ty đảm bảo được tốt hơn chất lượng trái cây sau thu hoạch, kịp thời khắc phục nếu có vấn đề phát sinh.
Trong quá trình trồng và chăm sóc cây, công ty thường xuyên thực hiện các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng các loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh, thuốc hóa học chỉ sự dụng loại trong danh mục được phép sử dụng, ưu tiên dùng loại thuốc có thời gian phân hủy nhanh.
Ngoài việc thiết lập liên kết với các đối tác có nguồn cung cấp ổn định, công ty phải thường xuyên tìm kiếm, đánh giá thêm các đơn vị cung cấp mới có uy tín trên thị trường, để đảm bảo sản lượng và chất lượng đủ để đáp ứng với yêu cầu của đối tác mua hàng.