Để trả lời được câu hỏi dạng chứng minh, yêu cầu học sinh:
- Nắm vững kiến thức cơ bản, nhất là các minh chứng để chứng minh cho yêu cầu của đề bài.
- Biết cách sàng lọc, lựa chọn kiến thức cần thiết để chứng minh. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng nhằm tránh sự sa đà, dàn trải và tập trung vào việc tìm ra đủ chứng cứ chứng minh.
Các bước thực hiện:
- Bước thứ nhất: Đọc kĩ và nhận dạng câu hỏi. Vấn đề cần chú ý là xem câu hỏi yêu cầu phải chứng minh cái gì: biểu hiện của quy luật, mối quan hệ quy luật, nguyên nhân quy luật… Việc nhận dạng chính xác câu hỏi là tiền đề quan trọng để định hướng và lựa chọn cách giải phù hợp.
- Bước thứ hai: Hệ thống hoá kiến thức và dữ liệu liên quan đến câu hỏi. - Bước thứ ba: Sử dụng các minh chứng đã chọn lọc để chứng minh theo yêu cầu của câu hỏi. Vấn đề then chốt là phải tìm ra được các bằng chứng có tính thuyết phục cao.
Ví dụ 1: Chứng minh rằng thời gian chiếu sáng cũng thể hiện quy luật địa đới.
Gợi ý
- Khái niệm quy luật địa đới: Là sự thay đổi có quy luật của các thành phần địa lý và cảnh quan địa lý theo vĩ độ (từ xích đạo về hai cực).
- Chứng minh: Thời gian chiếu sáng thay đổi có tính quy luật từ xích đạo về hai cực một cách rõ rệt.
+ Xích đạo: Ngày dài bằng đêm.
+ Từ xích đạo về 2 cực, chênh lệch độ dài ngày đêm càng lớn.
+ Từ vòng cực về phía cực có hiện tượng ngày hoặc đêm dài suốt 24 giờ. + Càng gần cực, số ngày đêm địa cực càng tăng.
+ Ở hai cực số ngày hoặc đêm dài 24 giờ kéo dài suốt 6 tháng.
Ví dụ 2: Chứng minh rằng sự phân bố nhiệt độ không khí trên Trái Đất có tính địa đới và phi địa đới. Giải thích tại sao lại có hiện tượng như vậy.
Gợi ý
- Tính địa đới:
+ Nhiệt độ trung bình năm giảm từ xích đạo về hai cực. + Biên độ nhiệt độ năm tăng từ xích đạo về hai cực.
+ Trên Trái Đất có 7 vòng đai nhiệt: Vòng đai nóng nằm giữa hai đường đẳng nhiệt + 20oC của hai bán cầu (khoảng giữa hai vĩ tuyến 30oB và 30oN); hai vòng đai ôn hòa ở hai bán cầu nằm giữa hai đường đẳng nhiệt + 20oC và + 10oC của tháng nóng nhất; hai vòng đai lạnh ở các vĩ độ cận cực của hai bán cầu, nằm giữa hai đường đẳng nhiệt + 10oC và 0oC của tháng nóng nhất; hai vòng đai băng giá vĩnh cửu bao quanh cực, nhiệt độ quanh năm đều dưới 0oC.
- Tính phi địa đới:
+ Nhiệt độ trung bình năm ở chí tuyến cao hơn ở xích đạo (xích đạo: 24,5oC; ở vĩ độ 20oB là 25oC). Biên độ nhiệt độ năm ở khoảng vĩ độ 20oB tăng nhanh (có tính đột biến, từ 1,8o ở xích đạo lên đến 7,4oC) hơn ở các khoảng vĩ độ khác.
+ Nhiệt độ trung bình năm và biên độ nhiệt độ thay đổi theo lục địa và đại dương. Nhiệt độ trung bình năm cao nhất và thấp nhất đều nằm trên lục địa; đại dương có biên độ nhiệt độ nhỏ, lục địa có biên độ nhiệt độ lớn. Càng vào sâu trong lục địa, nhiệt độ trung bình năm và biên độ nhiệt độ càng tăng.
+ Nhiệt độ không khí thay đổi theo địa hình. Càng lên cao, nhiệt độ không khí càng giảm (trung bình cứ lên cao 1000m, nhiệt độ giảm 0,6oC). Sườn đón nắng có nhiệt độ cao hơn sườn khuất nắng, sườn dốc có nhiệt độ cao hơn sườn thoải.
Ví dụ 3: Chứng minh mạng lưới sông ngòi trên Trái Đất cũng thể hiện theo tính đới.
Gợi ý
- Chế độ nước sông ngòi phản ánh tính địa đới thông qua nguồn cung cấp nước ở các vành đai khí hậu.
- Xích đạo: Dòng chảy sông suối nhiều nước quanh năm, vì mưa quanh năm. - Nhiệt đới ẩm: Dòng chảy sông ngòi có một mùa lũ và một mùa cạn (trong đó mùa lũ chiếm 80% lượng nước cả năm), do có một mùa mưa và mùa khô. Nhiệt đới hoang mạc: Dòng chảy của sông phụ thuộc vào thời gian mưa bất thường ở từng thời gian trong năm.
- Cận nhiệt đới: Sông ở khu vực Địa Trung Hải nhiều nước về thu đông; ở ôn đới lạnh, nước sông đóng băng về mùa đông, lũ vào mùa xuân do băng tan.
- Ở cận cực và cực: Nước hầu như ở thể rắn.
Bài tập luyện tập:
Bài tập 1: Chứng minh khí hậu Việt Nam cũng thể hiện quy luật địa đới và phi địa đới.
Bài tập 2: Chứng minh sự phân hóa khí hậu nước ta thể hiện rõ quy luật đai cao.
Bài tập 3: Chứng minh sự phân bố đất và sinh vật nước ta thể hiện rõ quy luật phi địa đới.