4.1. Yêu cầu
Dạng câu hỏi giải thích thường xuyên xuất hiện trong các đề thi học sinh giỏi quốc gia. Đây là một dạng câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản, mà còn phải biết vận dụng chúng để giải thích một hiện tượng địa lí (tự nhiên hoặc kinh tế - xã hội) của ngành trồng trọt.
Muốn trả lời được câu hỏi này, yêu cầu thí sinh phải: - Nắm vững kiến thức cơ bản trong chương trình và SGK.
- Biết cách khái quát các kiến thức liên quan đến câu hỏi và mối liên hệ của chúng để tìm ra nguyên nhân.
4.2. Phân loại và cách giải
Mỗi loại câu hỏi thuộc dạng giải thích,về nguyên tắc, có một cách giải riêng. Căn cứ vào cách phân loại trên, xin hướng dẫn cách giải đối với từng loại câu hỏi cụ thể.
- Loại câu hỏi có cách giải theo mẫu nguồnlực: + Vị trí địa lí
+ Nguồn lực tự nhiên: Địa hình, đất, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật, khoáng sản. + Nguồn lực kinh tế - xã hội: dân cư, lao động, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kĩ thuật, thị trường, đường lối, chính sách, vốn đầu tư, lịch sử khai thác lãnh thổ....
Trên đây là mẫu câu về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việc vận dụng mẫu này như thế nào lại phụ thuộc vào yêu cầu của từng câu hỏi. Không phải bất cứ câu hỏi nào cũng đều được trình bày theo trình tự như vậy. Những thành phần nào của nguồn lực không liên quan đến câu hỏi thì không phải trình bày, thứ tự các thành phần nếu được sắp xếp ý nào quan trọng lên trước, ý nào không quan trọng trình bày sau.
- Loại câu hỏi có cách giải không theo một mẫu cố định:
Loại câu hỏi này thường xuyên gặp trong các đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lí. Cái khó nhất của câu hỏi là ở chỗ cách giải không theo một mẫu nào cả. Tuỳ theo yêu cầu của câu hỏi phải tìm ra cách lí giải sao cho thích hợp. Ở đây chỉ xin gợi ý quy trình giải loại câu hỏi này, gồm 3 bước sau đây:
+ Bước thứ nhất: Đọc kĩ câu hỏi để xem câu hỏi yêu cầu phải giải thích cái gì. Việc đọc kĩ câu hỏi là tiền đề giúp cho thí sinh có được định hướng trả lời.
+ Bước thứ hai: Tái hiện kiến thức có liên quan đến yêu cầu câu hỏi, sắp xếp và tìm mối liên hệ giữa chúng với nhau.Đây là bước rất quan trọng nhằm giúp thí sinh có được một dàn bài hợp lí với các ý chính phải trả lời:
+ Bước thứ ba: Đưa ra các lí do để giải thích theo yêu cầu câu hỏi.
4.3 Câu hỏi áp dụng
Câu 1: Tại sao nói cà phê là nông sản chuyên môn hóa của nền nông nghiệp nước ta?
Hướng dẫn trả lời
- Nông sản chuyên môn hóa là loại nông sản được phát triển dựa trên những lợi thế so sánh với các khu vực khác, mang lại sản lượng cao và trao đổi với các vùng khác với tư cách là sản phẩm thế mạnh.
- Cà phê là sản phẩm chuyên môn hóa vì:
+ Cà phê phát triển dựa trên những thuận lợi về tự nhiên, kinh tế - xã hội ở nước ta (dc).
+ Cà phê có diện tích lớn nhất so với các cây công nghiệp dài ngày khác : Tổng diện tích cà phê năm 2007 là 489 nghìn ha, chiếm 27% tổng diện tích đất trồng cây
công nghiệp lâu năm của cả nước, cao gấp 1,3 lần diện tích cây cao su và khoảng 1,6 lần diện tích trồng điều – 2 cây công nghiệp trọng điểm của nước ta.
+ Sản lượng cà phê cao nhất trong số cây công nghiệp lâu năm. Năm 2007, sản lượng cà phê đạt 916 nghìn tấn, cao gấp 1,5 lần cây cao su và khoảng 3 lần điều.
+ Mức độ chuyên môn hóa cao: đã hình thành vùng chuyên canh cây cà phê lớn là: Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, cây cà phê là cây chủ lực của Tây Nguyên.
+ Cà phê là nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta: Phần lớn lượng cà phê dùng cho xuất khẩu, những năm gần đây Việt Nam đã vượt qua Braxin để trở thành nước xuất khẩu cà phê (nhân) số 1 thế giới.
Câu 2: Giải thích tại sao ngày nay cây cà phê được trồng ở vùng Tây Bắc của nước ta?
Hướng dẫn trả lời:
Giải thích nguyên nhân:
- Cà phê là cây trồng của vùng nhiệt đới, ưa nóng ẩm và đất feralit. Tây Bắc có nhiều thung lũng với dãy Hoàng Liên Sơn ngăn chặn bớt gió mùa ĐB và các dãy núi dọc biên giới Việt – Lào tạo hiệu ứng phơn nên vùng núi thấp vẫn mang tính nhiệt đới, kết hợp với hệ đất ferelit và nguồn nước tưới phù hợp nên cây cà phê có thể sinh trưởng ở đây
- Việc trồng cây cà phê ở Tây Bắc mạng lại nhiều hiệu quả cao về kinh tế, về xã hội và về môi trường. Về kinh tế, khai tác tốt đặc điểm tự nhiên, mang lại lại sản phẩm có giá trị cao. Về xã hội, thay đổi tập quán sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Về môi trường, tạo lớp phủ thực vật…
Câu 3: Tại sao nói việc đảm bảo an ninh lương thực là cơ sở để đa dạng hoá nông nghiệp?
Hướng dẫn trả lời:
- Đa dạng hoá nông nghiệp ở nước ta đồng nghĩa với phát triển chăn nuôi, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả.
- Trong đó, do có hiệu quả kinh tế cao, nên cây công nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày được phát triển trên quy mô lớn. Đây là cây cho thu hoạch sản phẩm sau một thời gian dài, người sản xuất cần được đảm bảo lương thực.
- Ngành chăn nuôi phát triển dựa trên cơ sở thức ăn, một trong những nguồn thức ăn quan trọng là trồng cây lương thực. Vì vậy, vấn đề lương thực được đảm bảo tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các phân ngành trong ngành nông nghiêp, góp phần đa dạng hóa nông nghiệp.
Câu 4: Giải thích tại sao cây công nghiệp lâu năm chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu diện tích cây công nghiệp.
Hướng dẫn trả lời:
- Biểu hiện: Tỉ trọng diện tích chiếm 78,8% diện tích cây công nghiệp. - Việc phát triển cây công nghiệp lâu năm có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội:
+ Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo tiền đề đa dạng hóa cơ cấu ngành công nghiệp; tạo nguồn hàng xuất khẩu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.
+ Giải quyết việc làm, thay đổi tập quán sản xuất, góp phần phân bố lại dân cư và nguồn lao động; giảm thiểu sự chênh lệch giữa các vùng; bảo vệ môi trường.
- Nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển cây công nghiệp lâu năm:
+ Diện tích đất lớn, thích hợp phát triển cây công nghiệp lâu năm, khả năng mở rộng diện tích còn nhiều. Nguồn nước dồi dào, khí hậu có sự phân hóa đa dạng...
+ Dân cư đông, công nghiệp chế biến ngày càng phát triển, nhu cầu thị trường lớn, nhất là thị trường ngoài nước; chính sách phát triển của nhà nước đầu tư phát triển…
Câu 5: Tại sao việc đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả góp phần phát huy thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới nước ta?
Hướng dẫn trả lời:
- Cây công nghiệp và cây ăn quả nước ta phần lớn là cây nhiệt đới, ưa khí hậu nóng ẩm và phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt một số loại phát triển trên đất ba dan, đất đá vôi, đất xám phù sa cổ ... đã và đang cho giá trị kinh tế cao.
- Việc đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả tận dụng được các thế mạnh về đất đai, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, phát huy được các thế mạnh tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới. -> Làm cho tiềm năng các vùng sinh thái được khai thác để phát triển nông nghiệp.
- Sự phân hóa các điều kiện tự nhiên theo lãnh thổ và theo mùa làm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm . Việc đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả góp phần khai thác có hiệu sự khác biệt mùa vụ giữa các địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
- Các sản phẩm cây công nghiệp và ăn quả là những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao (cà phê, cao su, hồ tiêu, hoa quả...) càng kích thích khai thác có hiệu quả những thế mạnh của nền nông nghiệp nhiệt đới.
Câu 6: Tại sao việc đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp lâu năm ở vùng núi và trung du có ý nghĩa to lớn không những về mặt kinh tế, xã hội mà cả môi trường?
Hướng dẫn trả lời:
- Kinh tế:
+ Tăng sản lượng nông phẩm phục vụ cho nhu cầu trong nước. thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
+ Tạo nguồn hàng xuất khẩu, thu ngoại tệ, tích lũy vốn..
+ Hình thành các mô hình sản xuất mới cho vùng trung du và miền núi.
+ Tác động đến phát triển các ngành kinh tế khác: công nghiệp chế biến, cơ khí, năng lượng…
- Xã hội:
+ Thu hút lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
+ Tạo ra tập quán sản xuất mới cho đồng bào các dân tộc trung du miền núi, hạn chế nạn du canh du cư.
+ Thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh , quốc phòng…
+ Giảm khoảng cách chênh lệch về KT - XH giữa trung du miền núi và đồng bằng.
- Môi trường
+ Trồng cây công nghiệp dài ngày ( như cà phê, cao su, chè…) thực chất là trồng rừng, nếu như đảm bảo đúng các biện pháp kĩ thuật.
+ Điều hòa khí hậu, nguồn nước, hạn chế xói mòn đất, hạn chế lũ lụt cho miền xuôi.
Câu 7: Giải thích tại sao diện tích trồng lúa giảm trong khi diện tích trồng cây công nghiệp lại tăng mạnh?
Hướng dẫn trả lời:
- Diện tích gieo trồng lúa giảm chủ yếu là do:
+ Sự chuyển dịch trong cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.
+ Xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất: diện tích đất trồng lúa chuyển sang đất chuyên dùng và đất thổ cư.
- Diện tích gieo trồng cây công nghiệp tăng mạnh do:
+ Nước ta có tiềm năng phát triển cây công nghiệp, nhất là cây công nghiệp lâu năm ở trung du, miền núi và cao nguyên.
+ Có nguồn lao động dồi dào (vì việc trồng và chế biến sản phẩm cây công nghiệp đòi hỏi nhiều lao động).
+ Việc đảm bảo lương thực đã giúp cho việc chuyển một phần diện tích cây lương thực sang trồng cây công nghiệp.
+ Nhu cầu thị trường.
+ Sự hoàn thiện công nghệ chế biến và nâng cao năng lực các cơ sở chế biến sản phẩm cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cây công nghiệp và sức cạnh tranh của sản phẩm cây công nghiệp có giá trị kinh tế.