Phải biết xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, không để ảnh hưởng đến quan hệ với các nước khác, ưu tiên cho các mối quan hệ láng giềng và khu vực.
Trong mối quan hệ quốc tế, các siêu cường thường giữ vai trò chi phối đối với chính sách các nước nhỏ. Việt Nam, do vị trí địa - chính trị của mình nên vốn là một mắt xích quan trọng trong tính toán chiến lược của các nước lớn. Xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Nguyên tắc cơ bản là: nắm vững lợi ích dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, không chịu sức ép, tác động của bất cứ ai, cố gắng tìm mẫu số chung về lợi ích, thi hành chính sách cân bằng, không ngả theo bên này chống lại bên kia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Thủ tướng Chu Ân Lai đến thăm Việt Nam, tháng 5/1960
Thời kỳ 1945 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý rất khéo léo mối quan hệ với các nước lớn có mặt tại Việt Nam: cố gắng tranh thủ, chí ít là trung lập hoá Mỹ, hoà hoãn với Tưởng,…để tập trung đối phó với kẻ thù chính là bọn thực dân phản động Pháp. Năm 1954, tại Hội nghị Giơnevơ, các nước lớn tìm cách áp đặt giải pháp bất lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương. Trong kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc từ mâu thuẫn đi đến đối địch. Cả hai đều giúp đỡ ta và đều muốn lợi dụng ta để hoà hoãn với Mỹ. Mỹ cũng khai thác mâu thuẫn Xô - Trung để ép ta, đòi thương lượng với ta trên thế mạnh. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ta đã xứ lý khéo léo, đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn, kết quả là giữ được đoàn kết, vẫn tranh thủ được viện trợ to lớn của cả Liên Xô và Trung Quốc, vẫn buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn thương lượng không điều kiện với ta, để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành ưu tiên cho mối quan hệ với các nước láng giềng gần gũi trong khu vực, trước hết là Lào và Campuchia cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Với nước láng giềng Trung Quốc vốn có quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam, bằng hoạt động liên tục, không mệt mỏi suốt nửa thế kỷ, Người đã xây đắp nên mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Hồ Chí Minh cũng hết sức coi trọng thiết lập mối quan hệ láng giềng tốt với các nước trong khu vực có chế độ chính trị khác nhau. Miền Bắc được giải phóng, sau chuyến đi thăm cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Người đã dẫn đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta đi thăm Ân Độ, Miến Điện, Indônêxia, hình thành trục hữu nghị Hà Nội - Đêli – Giacácta, và từ cuối những năm 50 đầu 60, thế giới bắt đầu nói đến quan hệ “tam hùng” ở khu vực là Hồ Chí Minh – Nêru – Xucácnô.