Thế kỷ XXI là thế kỷ mà cả thế giới bước vào thời kỳ khoa học và công nghệ. Vật liệu mới, công nghệ điện tử tin học, sinh học xâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, sẽ tác động mạnh đến sản xuất, đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Các quốc gia dù có chế độ chính trị xã hội khác nhau, trình độ phát triển không đồng đều, đều đứng trước yêu cầu bức bách là phải cấu trúc lại nền kinh tế của mình để hội nhập với cộng đồng quốc tế và khu vực. Xu thế đó sẽ tạo ra những chu chuyển tư bản, chuyển giao kỹ thuật và giao lưu hàng hoá giữa các nước, sẽ tạo ra những trung tâm thương mại lớn mà trong đó các nước Đông Á, vòng cung Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phát triển nền kinh tế năng động nhất.
Xuất phát từ xu thế của nền kinh tế thế giới nói chung và thương mại thế giới nói riêng, đòi hỏi Việt Nam khi từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới, hội nhập với thương mại toàn cầu và khu vực thì phải xác định được một chiến lược phát triển kinh tế bao gồm cả chiến lược phát triển các hoạt động xuất khẩu.
Chiến lược hướng vào xuất khẩu nhằm khắc phục sự hạn chế của thị trường nội địa và mở rộng giới hạn về thị trường cho tiềm năng phát triển công nghiệp trong nước. Sự phát triển của các ngành xuất khẩu ra thị trường nước ngoài sẽ làm tăng thêm thu nhập, tăng khả năng thanh toán, tăng thêm nguồn ngoại tệ để nhập máy móc thiết bị, nhằm hình thành, mở rộng và hiện đại hoá công nghệ. Chiến lược này được triển khai sẽ giúp nước ta khai thác các lợi thế so sánh trong phân công lao động quốc tế và tănng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, phải đặt toàn bộ nền kinh tế của đất nước hướng vào mục tiêu xuất
khẩu ngày càng nhiều. Tận lực khai thác với hiệu quả cao những lợi thế và nguồn lực sẵn có của đất nước nhằm tiến tới quá trình công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, trước hết là các sản phẩm nông – lâm - thuỷ sản và sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến.
Với những định hướng đó, thị trường và hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam được xác định tới năm 2010 như sau:
Thị trường xuất khẩu được định hướng theo chính sách đa phương hoá quan hệ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế so sánh, mở rộng buôn bán với tất cả các bạn hàng trên cơ sở bình đẳng, các bên cùng có lợi. Cơ cấu thị trường xuất khẩu có những chuyển biến tích cực trong các năm tới, đó là: giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống Châu Á, ổn định xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, mở rộng và tăng xuất khẩu vào thị trường Châu Mỹ, thâm nhập được nhiều thị trường mới có tiềm năng như thị trường Châu Phi. Cụ thể là: tăng tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ, Tây Âu lên đến 20 – 25% vào năm 2010, giảm tỷ trọng sang thị trường Châu Á xuống còn 50% vào năm 2010. Đối với các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản,…phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và chú trọng công tác dự báo xu hướng thị trường để cảnh báo sớm về khả năng bị kiện bán phá giá hoặc các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chiến lược cơ cấu hàng xuất khẩu và định hướng tín dụng đầu tư xuất khẩu của Việt Nam nhằm vào mục tiêu khai thác tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản, hàng công nghiệp nhẹ, cắt giảm xuất khẩu nguyên liệu nhất là dầu thô và than đá. Cần xây dựng các mặt hàng chủ lực có đủ các điều kiện thị trường ổn định, hiệu suất đầu tư cao, có đủ nguồn lực sản xuất và chế biến, có khối lượng kim ngạch xuất khẩu lớn. Chiến lược thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu Việt Nam theo hướng ngày càng gia tăng giá trị kim ngạch nhóm hàng công nghiệp và sản phẩm chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông – lâm sản chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.