3. NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN Ở CƠ SỞ
3.2.3. Phương pháp công tác của chủ tịch CĐCS
Một- Nắm bắt kịp thời và xử lý tốt những thông tin cần thiết phục vụ quá trình
hoạt động của chủ tịch công đoàn cơ sở.
Những nội dung thông tin cần nắm: Tình hình sản xuất kinh doanh, công tác đơn vị; thực hiện các chế độ chính sách pháp luật với CNVC-NLĐ, tâm tư nguyện vọng đời sống, sản xuất công tác CNVC-NLĐ;…
Có thể thông qua từ các kênh: Các cuộc họp giao ban lãnh đạo, phản ánh từ các cấp công đoàn tổ, bộ phận, tiếp xúc với CNVC-NLĐ, dư luận trong đơn vị, thông tin đại chúng;…
Để xử lý các nguồn thông tin, Chủ tịch CĐCS cần có biện pháp phân loại, phân cấp, xác minh độ tin cậy. Sau đó nghiên cứu biện pháp theo từng vấn đề và phân cấp
xử lý. Có vấn đề có thể gặp trực tiếp Thủ trưởng đơn vị, đoàn viên (CNVC-NLĐ), có vấn đề phải đưa ra Ban Thường vụ, BCH, hoặc báo cáo Đảng ủy, công đoàn cấp trên xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Sau khi đã giải quyết cần thông báo lại kết quả cho người hoặc nơi cung cấp thông tin yêu cầu xử lý.
Vì công việc ở cơ sở nhiều và để đảm bảo tính thời gian của sự việc nên các thông tin cần được xử lý kịp thời mới có tác dụng, hiệu quả cao.
Hai- Tổ chức các cuộc trao đổi, toạ đàm, hội thảo.
Tổ chức các cuộc toạ đàm, hội thảo là tạo ra môi trường cho cán bộ đoàn viên hoạt động, đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ của tập thể. Từ đó Chủ tịch công đoàn có thêm cơ sở giải quyết những vấn đề mới nảy sinh tại đơn vị; CĐCS có chủ trương công tác đúng đắn đến các vấn đề phức tạp trong đời sống sản xuất và xây dựng tổ chức công đoàn.
Các cuộc toạ đàm hội thảo có thể theo các chuyên đề với phạm vi trong Ban Thường vụ, BCH hoặc theo các đơn vị tổ, bộ phận công đoàn.
Để các cuộc toạ đàm, hội thảo có kết quả cao, Chủ tịch công đoàn cần có sự chuẩn bị về nội dung yêu cầu, đối tượng, vấn đề cần nghiên cứu trao đổi. Sau hội thảo, toạ đàm có ghi chép tổng hợp hoặc biên bản
Ba- Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cá nhân.
Nhằm khắc phục việc hành chính sự vụ thiếu tính khoa học, giúp cho điều phối công việc hợp lý, xác định thời điểm, công việc cần tập trung, nắm được công việc đang tiến hành để chỉ đạo thực hiện theo tiến độ đã đề ra.
Ngoài chương trình đã xây dựng bằng văn bản riêng, Chủ tịch công đoàn cần có bảng ghi lịch công tác hàng ngày để nơi dễ nhìn, dễ theo dõi và cho cán bộ công đoàn trong đơn vị cùng biết để phối hợp công việc.
Bốn- Giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong quá trình làm việc (quan hệ là
một động lực, có tác động đến hiệu quả công tác). Các mối quan hệ, bao gồm:
- Quan hệ với cấp ủy cơ sở, trực tiếp, thường xuyên với bí thư cấp ủy cơ sở để nhận sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của công đoàn. Đây là mối quan hệ giữa lãnh đạo với đối tượng lãnh đạo, nhằm triển khai thực hiện tốt nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng.
Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết, bằng sự phân công cán bộ và tôn trọng tính độc lập của tổ chức công đoàn.
Chủ tịch CĐCS có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, thường xuyên tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, tập hợp phản ánh tâm tư nguyện vọng của CNVC-NLĐ với Đảng để Đảng đề ra những chủ trương đúng đắn và đảm bảo tính quần chúng.
- Quan hệ với cơ quan quản lý (Thủ trưởng, giám đốc, người sử dụng lao động): là quan hệ giữa đại diện CNVC, người lao động với người quản lý lao động. Đây là mối quan hệ được thể hiện trên tinh thần tôn trọng, hợp tác cùng thực hiện mục tiêu chung của đơn vị, về quyền lợi hợp pháp chính đáng của CNVC-NLĐ, nhằm mục đích thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị, đưa đơn vị phát triển vững mạnh, đời sống công nhân, viên chức, người lao động được cải thiện và nâng cao hơn.
Công đoàn là người cộng tác đắc lực với người quản lý, sử dụng lao động trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công tác, sản xuất kinh doanh, đảm bảo các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động.
Công đoàn tham gia góp ý những việc làm có lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi CNLĐ nên không ngần ngại tham gia góp ý kể cả những việc làm sai trái của của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động cố tình, vi phạm đến lợi ích người lao động, vi phạm chính sách pháp luật…Chủ tịch công đoàn cần thể hiện bản lĩnh vững vàng kiên quyết đấu tranh ngăn chặn.
- Mối quan hệ với CNVC-NLĐ.
Đây là mối quan hệ giữa người lao động và đại diện của họ. Chủ tịch công đoàn với vai trò “thủ lĩnh” nên tác phong, lối sống luôn mật thiết hoà mình với quần chúng lao động, có kế hoạch thăm hỏi, lắng nghe chia sẻ, quan tâm giúp đỡ (trong phạm vi
có thể giải quyết được) động viên mọi người trong lao động sản xuất, trong xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Là mối quan hệ quyết định đến quá trình hoạt động của tổ chức công đoàn nói chung và nói riêng của Chủ tịch CĐCS.
Năm- Kiểm tra hoạt động của các công đoàn bộ phận và tự kiểm tra hoạt động
của bản thân mình.
Kiểm tra là nguyên tắc khoa học, phổ biến trong cương vị của người lãnh đạo, kiểm tra để xem xét, nhịp độ tiến triển, hiệu quả công việc của từng bộ phận cá nhân trong tổ chức. Kiểm tra theo định kỳ, thường xuyên để phát hiện, bổ sung uốn nắn, rút kinh nghiệm làm việc tốt hơn.
Chủ tịch công đoàn có thể làm việc trực tiếp với cá nhân, bộ phận được giao nhiệm vụ để nghe báo cáo theo từng thời kỳ, từng giai đoạn triển khai và kết quả công tác.
Phương châm của công tác kiểm tra là “tự kiểm tra là chính”. Thông qua việc kiểm tra và tự kiểm tra Chủ tịch Công đoàn có thể tự xem xét đến vai trò chỉ đạo của mình.
Bước 4: Chốt kiến thức
Bước 5: Hướng dẫn câu hỏi, bài tập, nghiên cứu tài liệu