Điểm đáng chú ý là, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Về năng suất, 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng trong thời gian hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
2.3. Một số giải pháp được đề ra
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…
Cùng với đó các địa phương cần nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo. Đồng thời các địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất cung ứng giống tiêu trên địa bàn. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, đảm bảo phân bón được sản xuất theo đúng quy trình công nghệ. Không ngừng nâng cao năng lực nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của cây giống, phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh thông qua công tác khuyến nông, tập huấn, xây dựng mô hình…
Đứng từ góc độ đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng: Việc mà toàn ngành hồ tiêu phải làm còn là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất như câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu giỏi hình thành ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp gắn với người sản xuất trong chuỗi sản xuất - thương mại mang lại hiệu quả như Công ty Nedspice liên kết với nông dân trồng tiêu ở Bình Phước hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn và tiêu thụ sản phẩm. Các công ty Phúc Sinh, Simexco Đắk Lắk, KSS, Olam, Harris Freeman, Intimex ngoài việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu chủ động còn liên kết với nông dân thông qua các tổ chức như Hội Hồ tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh, Lộc Ninh, Đăk Song, Sơn Thành, Phú Quốc để xây dựng, quảng bá thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh hồ tiêu trong nước và xuất khẩu.
Về mặt thị trường, cần tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, tăng thị phần hồ tiêu Việt Nam chất lượng cao vào các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, EU.
Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu cũng đã khuyến nghị, trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.
KẾT LUẬN
Là một quốc gia trọng điểm về sản xuất hồ tiêu, việc theo dõi và phân tích diễn biến giá hồ tiêu trên thế giới và khu vực luôn là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tất cả các điểm mạnh, giúp hồ tiêu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh khi tiếp cận thị trường các nước đối tác.
Tuy nhiên khả năng tận dụng các điểm mạnh này còn rất hạn chế. Dù các vấn đề đã được giải quyết dần dần qua các năm gần đây nhưng bởi các quy định kỹ thuật khắt khe vậy nên nếu chúng ta không vượt qua những thách thức đến từ sự phát triển “nóng” và đến từ xuất khẩu thì lợi ích có được sẽ chỉ là những “lợi ích trên giấy”.
Bởi vậy, lợi ích hay thiệt hại, cơ hội hay thách thức từ một ngành nông nghiệp nói chung phụ thuộc một phần không nhỏ vào việc chúng ta có đảm bảo được các điều kiện để hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng hay không.
Giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm hợp lý. Cùng với đó các địa phương cần nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo. Việc mà toàn ngành hồ tiêu phải làm còn là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu. Về mặt thị trường, cần tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, tăng thị phần hồ tiêu Việt Nam chất lượng cao vào các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, EU.
Chúng tôi mong rằng với những nội dung vừa trình bày, các doanh nghiệp cùng với các ban ngành, Bộ nông nghiệp sẽ có những giải pháp và hành động cụ thể để tận dụng tối đa giá trị mà hồ tiêu đem lại.