TIÊU TRONG GIAI ĐOẠN 5 NĂM TỚI
Những năm gần đây, giá hồ tiêu giảm do chênh lệch giữa cung và cầu trên thị trường. Trong khi cung hồ tiêu có tiềm năng tăng 10% mỗi năm thì cầu lại chỉ tăng 1- 3%. Đặc biệt, ở Việt Nam, khi giá hồ tiêu tăng đến đỉnh điểm thì nông dân thường sẽ mở rộng diện tích đất canh tác, thậm chí trồng hồ tiêu ở những mảnh đất có điều kiện tự nhiên và khí hậu chưa đạt tiêu chuẩn với mong muốn nâng cao doanh thu, số liệu cho thấy năm 2013, diện tích hồ tiêu là 53.000 ha thì đến năm 2018 tăng lên 152.000 ha. Bên cạnh Việt Nam, các nước Brazil, Campuchia… cũng tăng diện tích. Sản lượng tăng cao so với nhu cầu trong khi chất lượng lại giảm xuống do sâu bệnh nhiều và đất trồng không thích hợp đã khiến giá giảm. Nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần do nguồn thu không đủ để bù vào chi phí sản xuất, vì thế, trong những năm tiếp theo, dự đoán diện tích đất trồng hồ tiêu sẽ giảm xuống, chuyển đổi cây trồng đối với những nơi không hiệu quả, riêng đối với Việt Nam, nhà nước có mục tiêu giữ diện tích đất trồng ở mức 100.000 ha và tập trung hơn vào chất lượng. Mặc dù một số nghiên cứu dự đoán 3 nước Việt Nam, Campuchia và Brazil có khả năng tăng sản lượng ra thị trường (riêng với Việt Nam là 210.000 - 350.000 trong giai đoạn 2017 - 2030). Như vậy, ta có thể hi vọng rằng chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên kéo theo giá cả tăng.
Mặt khác, sử dụng hồ tiêu trong thực phẩm đang dần trở thành xu hướng lan rộng trên thế giới, không chỉ vì những lợi ích của hồ tiêu đối với sức khỏe như tăng khả năng tiêu hóa, hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng mà hồ tiêu còn làm tăng mùi thơm và vị giác cho món ăn, không chỉ những món ăn cay nóng bình thường mà hồ tiêu còn được sử dụng trong các món tráng miệng, bánh ngọt, chocolate… Bên cạnh đó, các sản phẩm như tinh dầu (essential oils), các loại hương thơm (fragrance), hay bình xịt hơi cay (pepper spray)… cũng được đẩy mạnh. Từ đó dẫn tới nhu cầu sử dụng hồ tiêu gia tăng. Bên cạnh đó, với nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết, hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm hồ tiêu sẽ hạ thấp và xóa bỏ, đây là một lợi thế đối với những nước xuất khẩu hồ tiêu. Vừa qua Việt Nam đã ký kết hiệp định Đối tác toàn
diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hồ tiêu Việt được đánh giá là có sức cạnh tranh trong hai hiệp định này, có thể mở rộng thị trường và tăng sản lượng xuất khẩu ra thế giới. Dự báo, với tốc độ 2 - 3%/năm, đến năm 2025 mức tiêu thụ của các nước tiêu dùng vẫn chiếm phần lớn và ở các nước sản xuất là thấp hơn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ của Mỹ và Hà Lan sẽ là lớn nhất, đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong đó Mỹ nhập khẩu để tiêu dùng và Hà Lan nhập khẩu vừa để tiêu dùng vừa để chế biến tái xuất sang nước khác. Vậy có thể nói cầu hồ tiêu trên thế giới đang tăng lên và Việt Nam có rất nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hồ tiêu Việt.
Các nhà phân tích cho rằng cân bằng thị trường sẽ được thiết lập lại trong khoảng 1-2 năm nữa kéo theo giá hồ tiêu sẽ tăng lên. Song song với đó, với mức tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 6,1%, thị trường hồ tiêu thế giới có thể đạt đến 5,7 tỷ USD với khoảng 840,000 tấn vào cuối năm 2024. Trong điều kiện giá giảm như hiện nay nếu như chúng ta vẫn giữ cho người nông dân trồng tiêu không bị lỗ, và đảm bảo giữ ổn định thị trường trong khi Việt Nam đang nắm giữ thị phần cao (60-65%), và trong tương lai giá có thể sẽ tăng trở lại. Tuy giá hồ tiêu thị trường đang sụt giảm nhưng vẫn có yếu tố tích cực, đó là khối lượng xuất khẩu tiêu trong quý 1 tăng trưởng đến 19,3% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang giữ vững thị trường xuất khẩu.
Tổ chức Hạt tiêu thế giới (IPC) đánh giá cao vai trò của Việt Nam về sản lượng ổn định và chất lượng hạt tiêu ngày càng nâng lên. Ngược lại, sản lượng ở các nước khác giảm mạnh. Vì vậy, IPC cho rằng chỉ cần sự dao động ở Việt Nam đã tác động ngay đến giá cả hạt tiêu toàn cầu, bởi thị trường hạt tiêu đang ngày càng phụ thuộc khá lớn vào Việt Nam.