III. Giải pháp-Kết luận
2. Giải pháp kiềm chế nợ công
Thứ nhất là giám sát, kiểm soát kỹ các khoản vay mới trên cơ sở xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khả năng cân đối và đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt cần sự đầu tư của Nhà nước.
Thứ hai, việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao; tránh hiện tượng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đặc biệt là tăng từ nguồn vốn vay do triển khai chậm trễ, không đúng tiến độ dẫn đến khối lượng tăng lên. Chú trọng nâng cao hiệu quả sự dụng đầu tư công, sử dụng nợ công.
Thứ ba, kiên quyết cắt giảm bội chi ngân sách Nhà nước theo lộ trình đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 về bội chi ngân sách đến năm 2020 về dưới 4% GDP; tiếp tục giảm bảo lãnh Chính phủ, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để trả nợ.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm tăng nguồn vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.
Thứ năm, hằng năm, cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi thị trường trong và ngoài nước… để chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng để đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia
Thứ sáu, chúng ta có thể xây dựng ngưỡng riêng, hoặc giải quyết vấn đề từ gốc rễ là tính minh bạch. Bộ Tài chính cần đưa ra báo cáo về nợ công chung để có bức tranh toàn cảnh, không nên đưa hết vào một chỉ số, dẫn đến khó phân tích tình hình. Con đường tốt nhất là xây dựng và duy trì bản tin về nợ công để có thể nhìn thấy rõ ràng tất cả các khoản nợ. Bên cạnh đó, cần có những báo cáo kiểm toán minh bạch hơn về doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là với những tập đoàn lớn.
3. Kết luận
Nghiên cứu đưa ra dự báo trong những năm tới tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng lên nhưng sẽ giảm xuống trong trung hạn. Điều này tùy thuộc một phần vào viễn cảnh kinh tế vĩ mô nhưng quan trọng nhất chính là tình trạng của cán cân ngân sách. Yếu tố tăng trưởng kinh tế cao hay đánh thuế lạm phát chỉ làm giảm mức tăng của tỷ lệ nợ so với GDP nhờ giảm được mức lãi suất thực hiệu dụng đối với các khoản nợ hiện hữu. Trong khi đó, để giảm được tỷ lệ nợ trên GDP một cách bền vững thì thâm hụt ngân sách
buộc phải thu hẹp lại và tiến đến thặng dư ngân sách. Nếu trong thời gian tới Chính phủ có thể cắt giảm được mỗi năm 1 điểm phần trăm thâm hụt ngân sách thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ gần như không còn đáng lo ngại trong phần lớn các viễn cảnh kinh tế. Ngược lại, nếu ngân sách tiếp tục bị buông lỏng thì tỷ lệ nợ công sẽ tăng nhanh không thể kiểm soát được ngay trong điều kiện kinh tế tăng trưởng rất cao.
Tương tự như vậy, ngưỡng an toàn nợ công cần được xem là một chỉ tiêu động và nó phụ thuộc vào khả năng vay nợ mới, in thêm tiền và thặng dư ngân sách của chính phủ. Nếu như việc vay nợ mới của chính phủ bị giới hạn và việc in thêm tiền cũng bị hạn chế do mục tiêu kiểm soát lạm phát thì khả năng tạo ra thặng dư ngân sách trong tương lai là cơ sở kinh tế quan trọng giúp xác định ngưỡng nợ công an toàn. Mức lãi suất thực hiệu dụng cũng là một nhân tố động giúp xác định giới hạn tỷ lệ nợ công hiện tại. Nếu tỷ lệ lãi suất thực hiệu dụng giảm xuống thì giới hạn nợ công an toàn có thể cân nhắc tăng lên nhưng khi tỷ lệ lãi suất thực hiệu dụng tăng lên thì giới hạn nợ công an toàn buộc phải giảm xuống.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tham khảo Tiếng Việt:
- Sử Đình Thành, 2012. “Ngưỡng nợ công nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam”. Tạp chí Phát triển kinh tế, số 257.
- Nguyễn Trọng Hoài và cs, 2009. Dự báo và phân tích dữ liệu. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
- Lê Đỗ Mạnh, 2005. Nghiên cứu xây dựng quy trình và phương pháp thực hành hồi quy tuyến tính dựa trên phần mềm Stata. Hà Nội, năm 2005.
Tài liệu tham khảo Tiếng Anh:
- Reinhart, Carmen M., Kenneth S. Rogoff, and Miguel A. Savastano, 2003. “Debt Intolerance”. Brookings Papers on Economic Activity, I:2003. Washington: Brookings Institution.
- Reinhart, Carmen M., and Kenneth S. Rogoff, 2009. This Time is Different; Eight Centuries of Financial Folly. Princeton University Press.
- Di Bella, Gabriel, 2008. “A Stochastic Framework for Public Debt Sustainability Analysis”. IMF Working Paper, 08/58. Washington: International Monetary Fund.
- Everaert, Greetje, 2008. “Kenya: Selected Issues Paper”. IMF Country Report, No. 08/337. Washington: International Monetary Fund.
- Topalova, Petia, and Dan Nyberg, 2009. “What Level of Public Debt Could India Target?”. IMF Working Paper, 10/7. Washington: International Monetary Fund.
- Abbas, S. Ali, Nazim Belhocine, Asmaa El Ganainy, and Mark Horton, 2010. “A Historical Public Debt Database”. IMF Working Paper 10/245. Washington: International Monetary Fund.
- Aiyagari, S. Rao, and Ellen R. McGrattan, 1998. “The Optimum Quantity of Debt”.
- Journal of Monetary Economics, Vol. 42 (3), pp. 447–469.
- Floden, Martin, 2001. “The Effectiveness of Government Debt and Transfers as Insurance”. Journal of Monetary Economics 48 (2001) pp. 81–108.
PHỤ LỤC
Dữ liệu: Định nghĩa và nguồn dữ liệu
- Xếp hạng tín dụng quốc gia của Institutional Investor (Institutional Investor Country Credit Rating): Đánh giá tín dụng quốc gia được xuất bản định kỳ sáu tháng một lần bởi Institutional Investor, cung cấp mức đánh giá cho mỗi quốc gia từ 0 – 100 với 100 điểm cho những quốc gia có ít rủi ro vỡ nợ nhất. Nguồn: Tạp chí Institutional Investor International, Business Environment Snapshots.
- Tổng nợ chính phủ (General government gross debt): Tổng nợ chính phủ đề cập đến tất cả các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn của tất cả các tổ chức trong khu vực chính phủ. Nguồn: World Economic Outlook Database (2011).
- Lạm phát (Inflation): Phần trăm thay đổi hằng năm trong chi phí trung bình để người tiêu dùng có được một rổ hàng hóa và dịch vụ (có thể cố định hoặc thay đổi trong khoảng thời gian quy định). Công thức Laspeyres thường được sử dụng. Nguồn: World Economic Outlook Database (2011).
- Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GDP per capital):GDP bình quân đầu người là tổng sản phẩm quốc nội chia cho dân số ở giữa năm. Nguồn: World Economic Outlook Database (2011).
- Tỷ lệ dự trữ (Reserves): Dự dữ quốc tế ròng (không bao gồm vàng) chia cho nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Nguồn: World Bank (2011).
- Cán cân tài khoản vãng lai (Current account balance): Cán cân tài khoản vãng lai là tổng của xuất khẩu ròng hàng hóa, dịch vụ, thu nhập ròng, và chuyển nhượng ròng tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP. Nguồn: World Bank (2011).
- Vỡ nợ (Default): Không kịp thời trả lãi hoặc nợ gốc khi đến hạn. Vỡ nợ xảy ra khi con nợ không thể đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ. Bên vay có thể vỡ nợ khi họ không đủ khả năng để thanh toán khi được yêu cầu hoặc không thiện ý để thực hiện các cam kết trả nợ. Nguồn: http://www.reinhartandrogoff.com/
- Tái cấu trúc nợ (Debt Restructing): Tái cấu trúc nợ là một tiến trình cho phép một công ty tư nhân hoặc công ty công hoặc một thực thể có chủ quyền – đang đối mặt với vấn đề dòng tiền và khủng hoảng tài chính – giảm và đàm phán lại các khoản nợ quá hạn của nó nhằm cải thiện hoặc phục hồi tính thanh khoản và khôi phục lại
để nó có thể tiếp tục hoạt động. Nguồn: http://www.reinhartandrogoff.com/