c. Nguyên nhân dẫn đến nợ công gia tăng và quản lý nợ công không hiệu quả
3.3. Bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia trên Thế giới
3.3.1. Nhật Bản
Năm 2014, nợ trên GDP của Nhật Bản là 400%. Tổng nợ của Nhật Bản tăng mạnh tới 64% điểm trong giai đoạn từ 2007-2014. Khoản nợ này là kết quả từ việc Nhật Bản đã chi một số lượng tiền khổng lồ để kích thích kinh tế trong suốt “thập kỷ mất mát” những năm 1990, cũng như hàng loạt gói tài chính đã được bơm vào nền kinh tế này để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì thế, con số 400% GDP có thể là một gánh nặng lớn đối với các nước đang phát triển, nhưng đổi với nước G7 như Nhật Bản thì con số trên chưa thật đáng lo ngại. Song nhìn vào mặt trái của nó, nợ công của Nhật Bản hiện nay đã lớn hơn cả quy mô kinh tế của Anh, Đức, Pháp cộng lại. Nhật Bản hiện là nước nặng nợ nhất trong khu vực các quốc gia công nghiệp. Tình hình nợ công ở mức cao cùng với nạn giảm phát và nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu ớt đang cản trở đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Để giảm nợ công chính phủ Nhật bản quyết định tăng thuế tiêu thụ lên gấp đôi so với trước đây. Việc nâng thuế sẽ giúp nước này huy động được thêm 81.420 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, nó được đưa ra vào thời điểm quá nhạy cảm khi thị trường
cần kích cầu. Chính vì thế, Chính phủ cũng đồng thời tung gói kích thích mới. Không chỉ có tăng thuế, Chính phủ Nhật Bản cũng đã đặt mục tiêu cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh việc thắt chặt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ. Chính phủ cũng đã có những kế hoạch cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm, hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp. Nợ công của Nhật tuy cao nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát là nhờ Chính phủ Nhật đã xây dựng một chính sách dưới sự đồng lòng của người dân.
3.3.2. Hy Lạp
Hy Lạp được đặt vào tình trạng khủng hoảng nợ công kể từ cuối năm 2009, khi Chính phủ mới của nước này thừa nhận rằng Chính phủ tiền nhiệm đã công bố những số liệu kinh tế không trung thực, đặc biệt là về thâm hụt ngân sách. Nợ công của Hy Lạp đã lên tới 236 tỷ Euro, bằng khoảng 115% GDP của Hy Lạp vào năm 2009. Hy Lạp cam kết sẽ “tái cấu trúc” nền kinh tế để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ, thông qua một kế hoạch tới năm 2015 nhằm cắt giảm ngân sách và bán tài sản. Mục tiêu giảm chi ngân sách từ mức 53% GDP năm 2009 xuống 44% GDP vào năm 2015. Chính phủ Hy Lạp đã dự định tiết kệm 23 tỷ euro từ các chính sách cắt giảm chi tiêu giai đoạn 2012 – 2015 và tiết kiệm 3 tỷ euro khác thông qua các biện pháp “sửa chữa” tài chính áp dụng ngay trong năm 2011. Ngoài ra, Hy Lạp cũng sẽ bán tài sản quốc gia trị giá 15 tỷ euro, đồng thời tư nhân hóa vài tập đoàn quốc doanh như công ty điện lực công cộng (Public Power Company – PPC) và tập đoàn viễn thông OTE nhằm giảm “núi nợ” khổng lồ. Mục tiêu của Hy Lạp là sẽ đạt được ít nhất 50 tỷ euro (khoảng 71,22 tỷ đôla) thông qua chương trình tư nhân hóa trong 4 năm (2010 – 2014) nhằm cắt giảm nợ. Hy Lạp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ bằng biện pháp “tái cấu trúc kinh tế” chứ không phải là “tái cơ cấu nợ” bởi vì “tái cơ cấu nợ” có thể phá hủy lòng tin của các nhà đầu tư đối với Hy Lạp. Hy Lạp không nên tái cơ cấu nợ (tức là cho miễn trả lãi trong một thời gian hoặc đẩy lùi thời điềm thanh toán nợ) vì giải pháp này không giải quyết được những khó khăn kinh tế của Hy Lạp, trái lại sẽ gây thiệt hại cho khu vực Eurozone. Tái cấu trúc nợ khổng lồ của Hy Lạp sẽ không giúp gì nước này bởi Chính phủ Hy Lạp cần phải tập trung vào thúc đẩy nền kinh tế. Theo Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu – ông Juergen Stark đánh giá: Nếu một quốc gia trong khu vực
đồng tiền chung châu Âu phải tái cấu trúc lại nợ, cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ xảy ra, và trong trường hợp xấu nhất có thể gây ra những tác động dây chuyền tồi tệ hơn cả sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ). Theo ông:
(i) Một quốc gia nợ nần nhiều cần phải cố gắng đạt thặng dư ngân sách. Tái cấu trúc nợ sẽ không thay đổi được cán cân ngân sách;
(ii) Cần phải tăng nhanh hơn nữa tăng trưởng kinh tế. Tái cấu trúc nợ sẽ không giúp gì cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
3.3.3. Ấn Độ
Cấu trúc danh mục nợ của Ấn Độ là ổn định và hợp lý do chiến lược nợ của nước này tập trung vào các công cụ nợ có thời hạn dài, tỷ lệ nợ nước ngoài và mức độ rủi ro thấp. Tỷ lệ nợ công/GDP của Ấn Độ trong 10 năm qua có xu hướng giảm, ít chịu tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài. Dự kiến, đến năm 2014, Bộ Tài chính Ấn Độ dự kiến giảm nợ công từ 84,06% xuống còn 67,72%. Chiến lược quản lý nợ của Ấn Độ tập trung vào ba vấn đề cốt lõi: (i) Giảm thiểu chi phí; (ii) Giảm thiểu rủi ro; (iii) Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Cụ thể như sau:
(i) Để giảm thiểu chi phí trong trung và dài hạn, Ấn Độ tập trung xây dựng
chiến lược phát hành thích hợp và phát triển thị trường tài chính. Lịch phát hành các khoản vay trên thị trường được thông báo trước một năm với chi tiết về khối lượng phát hành mỗi tuần, kỳ hạn… Một tuần trước khi thực hiện đấu giá, các chứng khoán riêng lẻ và quy mô phát hành cũng sẽ được công bố công khai. Hoạt động này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động quản lý nợ.
(ii) Giảm thiểu rủi ro: Các loại rủi ro cần phải tăng cường quản lý trong
danh mục nợ bao gồm: rủi ro tái đầu tư, rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất… Đối với rủi ro tỷ giá, việc duy trì một tỷ lệ hợp lý giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài trong danh mục đầu tư là cần thiết bởi với lượng nợ nước ngoài lớn có thể đạt được hiệu quả về chi phí nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính quốc tế.
(iii) Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ: Thị trường trái phiếu Chính
phủ (TPCP) Ấn Độ đã có sự chuyển biến đáng kể về quy mô, sự mở rộng của các nhà đầu tư, các công cụ mới thành lập, các nhà bảo lãnh phát hành và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các giao dịch điện tử. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tập trung vào việc cải thiện tính thanh khoản trên thị trường nợ từ việc tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình thị trường.