Qua nghiên cứu quá trình thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Điện Biên từ năm 2004 đến năm 2014 có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện an sinh xã hội
Hai là, gắn an sinh xã hội với mục tiêu, động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội.
Ba là, phát huy mọi nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội
Bốn là, chú trọng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách an sinh xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn
Tiểu kết chương 4
Sau khi tách tỉnh, cùng với cả nước, tỉnh Điện Biên tiến hành công cuộc đổi mới, tập trung phát triển sản xuất theo hướng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Tiến trình đổi mới tác động mạnh mẽ đến đời sống, việc làm, thu nhập và cơ hội của một bộ phận không nhỏ người dân. Trong đó, tập trung thực hiện tốt chính sách xã hội và ASXH và được xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, được đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Theo đó, hệ thống ASXH của tỉnh Điện Biên được tập trung vào ưu đãi xã hội, BHXH, trợ giúp xã hội, cứu trợ xã hội, thể hiện rõ tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân trong phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro cho các đôi tượng chính sách. Gắn ASXH với mục tiêu, động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội trong tỉnh.
Thực hiện chính sách ASXH từ năm 2004 đến năm 2014 ở Điện Biên đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Hệ thống chính ASXH được hình thành phong phú, đa dạng, nhiều tầng nấc, đáp ứng cơ bản nguyện vọng của nhân dân. Chính sách ASXH thể hiện rõ tính thống nhất và độ bao phủ toàn diện, đồng thời thể hiện rõ tính bền vững và có bước phát triển qua các thời kỳ.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách ASXH ở Điện Biên cũng bộc lộ những khó khăn, bất cập. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, sản xuất còn lạc hậu, kinh tế kém phát triển, trình độ dân trí chưa cao, lũ lụt, sạt lở thường xuyên xảy ra, tệ nạn xã hội diễn biến khó lường, đối tượng hưởng chính sách ASXH ngày càng gia tăng. Trong khi ngân sách còn hạn hẹp, thì người dân vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà
nước và cộng đồng nhưng yêu cầu này ít được đáp ứng. Sự hài lòng của người dân về chính sách ASXH chưa cao, mức hỗ trợ cho các đối tượng đều quá thấp. Kết quả thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Điện Biên từ năm 2004 đến năm 2014 đã để lại những kinh nghiệm quý báo giúp cho tỉnh Điện Biên và các tỉnh thành khác trong việc xây dựng và thực hiện chính sách ASXH có hiệu quả, đưa đến những đổi thay của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân.
KẾT LUẬN
1. Điện Biên là tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng, với gần 400 km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu thuận lợi cho việc thông thương giao lưu quốc tế; là một địa bàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của của khu vực Tây Bắc và cả nước. Những năm qua, Điện Biên luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển KT-XH , tạo nên những thay đổi vượt bậc so với trước đây. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn luôn là tỉnh đặc biệt khó khăn so với cả nước. Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động, gây rối làm ảnh hưởng xấu đến việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc xây dựng Điện Biên thành mạnh về kinh tế, quốc phòng an ninh, đời sống văn hóa lành mạnh; nội bộ đoàn kết, đời sống của người dân được đảm bảo là yêu cầu khách quan.
2. Trong những năm 2004 - 2014, tỉnh Điện Biên đã quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ASXH vào thực tiễn địa phương, với những bước đi phù hợp. Các cáp, các ngành trong tỉnh luôn bám sát thực tiễn, bám sát yêu cầu phát triển của địa phương, chỉ đạo thực hiện những trụ cột chính của an sinh, như: XĐGN; giải quyết việc làm; thực hiện chính sách với người có công, thực hiện BHXH; bảo trợ xã hội; và đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.
Quá trình thực hiện chính sách ASXH cho người dân trong tỉnh, Điện Biên đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được quan tâm và cải thiện hơn trước; góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách ASXH, còn một số hạn chế, yếu kém: Quá trình giải quyết việc làm cho người dân đạt hiệu quả chưa cao, tệ nạn xã hội trong tỉnh còn nhiều, mức hỗ trợ các đổi tượng hưởng chính sách ASH còn thấp. Hệ thống chính sách, đội ngũ làm chính sách ASXH chưa phát triển đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Mức độ bao phủ ASXH thực tế chưa toàn diện, khả năng tiếp cận các nhóm dân cư trong một số chương trình, dự án còn hạn chế. Các chính sách được ban hành tuy nhiều về số lượng, song vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, ít liên kết, chưa sử dụng hiệu quả nguồn lực và chưa thực sự bảo đảm được tính bền vững tại địa phương.
3. Kết quả đạt được cũng như những mặt còn hạn chế thể hiện rõ những đặc điểm cơ bản trong quá trình thực hiện ASXH của tỉnh Điện Biên: i) Tính thống nhất và độ bao
phủ của hệ thống chính sách ASXH của tỉnh Điện Biên; ii) Độ bền vững của hệ thống tài chính trong thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Điện Biên; iii) Quá trình thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Điện Biên có bước tiến vượt bậc qua các thời kỳ; iv) Chính sách ASXH của Điện Biên so với các tỉnh thành cùng khu vực Tây Bắc còn thấp.
4. Trong điều kiện mới, yêu cầu hoàn thiện chính sách ASXH trở nên bức thiết, nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Nghiên cứu đã đi sâu nhận diện và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ASXH ở Điện Biên và rút ra một số kinh nghiệm lịch sử: i) Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện ASXH. ii) Gắn ASXH với mục tiêu, động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội. iii) Phát huy mọi nguồn lực để thực hiện chính sách ASXH. iv) Chú trọng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện ASXH phù hợp với điều kiện thực tiễn. Những kinh nghiệm có ý nghĩa vô cùng quan trọng quá trình thực hiện ASXH cho người dân ở tỉnh Điện biên. Đồng thời những kinh nghiệm đó có giá trị tham khảo trong quá trình thực hiện ASXH cho người dân ở tỉnh Điện Biên được toàn diện hơn trong giai đoạn tiếp theo.