I. KẾT LUẬN
1. Về rào cản gia nhập thị trường
Kỹ thuật công nghệ của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh, bên cạnh những nỗ lực, thành công ban đầu trong việc phát triển mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, ngành viễn thông Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thiện chất lượng dịch vụ và cơ sở, hạ tầng của viễn thông cùng với đó là liên tục thay đổi và phát triển để theo kịp với tốc độ công nghệ 4.0 của thế giới.
Cùng với sự phát triển của ngành viễn thông, một số chính sách để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh hoặc thúc đẩy ngành cũng được Chính Phủ đưa ra. Chính sách chuyển mạng giữ số (MNP) được cho là sẽ tạo ra một thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN, chất lượng dịch vụ sẽ tăng, các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ phong phú và sáng tạo nhằm thu hút người dùng, trong khi đó giá cước dịch vụ sẽ giảm. Tuy nhiên, chính sách này đặt ra nhiều thách thức do tính phức tạp trong hạ tầng kỹ thuật và công tác quản lý.
Nguồn vốn luôn là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong ngành viễn thông. Cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ các dịch vụ cáp và không dây đòi hỏi phải đầu tư chi phí vốn cực kỳ cao, ở mức độ khó quản lý cho bất kỳ công ty mới nào. Bên cạnh đó, ngành viễn thông cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao qua đào tạo chuyên sâu, điều này gây ra thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp muốn gia nhập ngành với số vốn mới còn hạn hẹp. Cùng với đó ngành viễn thông luôn phát triển đổi mới công nghệ liên tục, các doanh nghiệp cần hết sức chú trọng đầu tư phát triển R&D và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.